Cuộc chiến tranh thương mại sẽ làm xoay chuyển Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc chiến tranh thương mại có thể xoay chuyển Thổ Nhĩ Kỳ?

Trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế nước này cũng đã bắt đầu rơi vào tình trạng suy sụp.
Cuộc chiến tranh thương mại có thể xoay chuyển Thổ Nhĩ Kỳ? ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang mạng washingtonpost.com, Tổng thống Mỹ Donald Trump có vẻ rất thích các cuộc chiến tranh thương mại của mình. Ông tấn công Iran bằng các lệnh trừng phạt, khiến các công ty châu Âu cũng như các công ty Mỹ “ngoan ngoãn” cắt đứt quan hệ với nước này. Ông cũng trực tiếp đối đầu với Trung Quốc khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục sụt giảm. Rồi ông tiếp tục ra đòn với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến nước này rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn diện.

Nhờ tất cả những điều trên, nền kinh tế Mỹ đang hoạt động mạnh và theo ông Trump, “thuế quan chính là thứ vĩ đại nhất.”

Tổng thống Trump nhận ra rằng Mỹ có một số lợi thế đặc biệt khi nhắc đến cuộc chiến kinh tế. Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi mà mọi quốc gia đều muốn tiếp cận. Nước này phải chịu mức thâm hụt thương mại khổng lồ, có nghĩa là họ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu - và do đó, có nhiều cơ hội áp đặt thuế quan hay các biện pháp trừng phạt - hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

[Tổng thống Erdogan: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đầu hàng trước khủng hoảng]

Họ mở rộng đầu tư nước ngoài, tạo ra kết quả tất yếu là tất cả các công ty lớn trên toàn thế giới đều phải hoạt động rộng rãi ở Mỹ và vì vậy, không thể thờ ơ với Nhà Trắng.

Mỹ quản lý kho tiền tệ dự trữ của thế giới, có nghĩa là họ có thể “hất cẳng” các đối thủ khỏi hệ thống thanh toán thế giới.

Ngoài những lợi thế về cấu trúc đó, ông Trump còn tạo ra một ưu thế tuần hoàn. Giống như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hồi đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Trump đã dồn các quốc gia khác vào tư thế phòng thủ với chính sách ngân sách thiếu trách nhiệm của mình.

Việc cắt giảm thuế đầy hung hăng và mức thâm hụt tăng cao đã thúc đẩy tăng trưởng Mỹ trong ngắn hạn, bảo vệ người dân Mỹ khỏi những tác động của tình trạng căng thẳng thương mại toàn cầu. Đồng thời, những kích thích này buộc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải tăng lãi suất, khiến giá trị đồng USD cũng tăng theo; kết quả là, những nước đang gánh các khoản nợ bằng đồng USD nay lại phải nhận mức nợ tăng gấp đôi - một phần là bởi lãi suất tăng cao, một phần là bởi tỷ giá chênh lệch giữa đồng nội tệ của các nước đi vay với đồng USD.

Trong cuộc chơi không cân xứng này, những đối đầu thương mại giữa Mỹ và các nước khác tạo ra những kết quả mất cân đối vô cùng lớn. Do đó, khi Mỹ vừa động thủ, Thổ Nhĩ Kỳ đã “đâm đầu vào vách."

Thật vậy, Thổ Nhĩ Kỳ là một ví dụ điển hình về tính bị dễ tổn thương. Giống như ông Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận được sự ủng hộ từ những cử tri bảo thủ của đất nước, những người từ lâu luôn phẫn nộ với giới tinh hoa trên toàn thế giới.

Giống như ông Trump, ông Erdogan tin tưởng vào việc sử dụng cách thức dân túy cổ điển để thúc đẩy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ: vay mượn liều lĩnh, một thị trường bất động sản luôn nóng, một thái độ sẵn sàng với rủi ro lạm phát.

Và, cũng giống như ông Trump, ông Erdogan nâng người con rể thiếu kinh nghiệm của mình thành một nhân vật cấp cao, và áp dụng chủ nghĩa “con ông cháu cha” này vào lĩnh vực kinh tế then chốt của đất nước.

Kết quả là Thổ Nhĩ Kỳ phải hứng chịu mức nợ ngoại tệ chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), khiến thị trường bất động sản chao đảo, mức lạm phát chiếm 16%, và không nhận được sự tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Kể cả trước khi ông Trump áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nền kinh tế nước này cũng đã bắt đầu rơi vào tình trạng suy sụp.

Kể từ khi ông Trump bắt đầu gia tăng sức ép trong tháng Tám này, đồng tiền của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm hơn 20%. Lịch sử cho thấy chúng ta nên lo lắng: đồng USD mạnh mẽ và lãi suất cao trong giai đoạn đầu tiên Ronald Reagan cầm quyền đã khiến Mexico vỡ nợ và toàn khu vực Mỹ Latinh phải hoảng loạn; sự sụp đổ tiền tệ Thái Lan vào năm 1997 đã gây ra một tai họa lớn ở Đông Á, Nga và Brazil. Sự sụp đổ của Nga đã khiến các thị trường Mỹ hoảng sợ, hủy hoại một quỹ phòng hộ lớn và buộc Fed phải cắt giảm lãi suất 3 lần.

Hiện các thị trường mới nổi nhìn chung đều được quản lý tốt hơn. Hầu hết các thị trường đều có tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn. Hầu hết các nước đã tự củng cố bằng cách tích lũy dự trữ ngoại tệ. Và hầu hết các nước đều thực hiện chính sách ngân sách có trách nhiệm, dù ít hay nhiều. Tuy nhiên, điều khiến những nước này dễ bị tổn thương lớn nhất lại nằm ở việc vay mượn bằng đồng USD.

Suốt một thời gian dài, Mỹ đưa ra mức lãi suất vô cùng thấp sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến các khoản vay bằng đồng USD rẻ đến mức không cưỡng lại được.

Có rất ít quốc gia nợ nhiều như Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các nền kinh tế mới nổi, Nam Phi là nước dễ bị tổn thương tiếp theo, với khoản nợ ngoại tệ chiếm tới 50% GDP. Sau đó là Mexico và Argentina. Chắc hẳn các thị trường ở cả 3 nước này đều cảm thấy vô cùng hốt hoảng trong tuần qua. Tuy nhiên, nếu ngọn lửa lan rộng, sẽ là sai lầm khi đổ lỗi cho các biện pháp trừng phạt của ông Trump.

Các khoản vay không bền vững ở những nước này đã xuất hiện từ rất lâu trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Không may thay, ông Trump lại chính là người châm ngòi nổ.

Các cuộc chiến thương mại của ông Trump chắc chắn sẽ tạo ra nhiều mối lo ngại. Tuy nhiên, mối lo ngại thực sự không phải là việc bùng nổ một cuộc khủng hoảng tài chính, mà đúng hơn là việc dẫn đến những thất bại về mặt chính trị.

Mỹ dễ dàng gây ra nỗi đau kinh tế ở các nước khác, song việc này khó có thể khiến những nước đó thay đổi hành vi của họ. Iran đang phải hứng chịu những tác động từ các biện pháp trừng phạt của ông Trump, tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ đối phó bằng cách tiến lại gần hơn với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran theo quan điểm cứng rắn.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 15% trong năm nay, song những áp lực thương mại chỉ có thể khiến quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh tăng gấp đôi để vượt qua Mỹ trong lĩnh vực công nghệ đầy chiến lược. Các biện pháp trừng phạt của Trump sẽ ảnh hưởng thế nào đến Thổ Nhĩ Kỳ? Hiện ông Erdogan đang quan hệ rất tốt với Nga. Mỹ có thể không cần lo lắng nhiều về số phận đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ, song họ nên quan tâm đến sự vững chắc của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục