'Cuộc chơi lớn' của New Delhi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Các nước tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á trên Thái Bình Dương được coi là các nhân tố hỗ trợ phát triển kinh tế, an ninh năng lượng và là động lực trong chính sách “Hành động Hướng Đông" của Ấn Độ.
'Cuộc chơi lớn' của New Delhi tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ảnh 1Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng asiatimes.com, trọng tâm chiến lược và kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hydrocarbon, vốn là nhiên liệu cho các động lực công nghiệp của các nền kinh tế thế giới, điều không chỉ kích động sự cạnh tranh giữa các cường quốc “đã được thiết lập” mà còn thúc đẩy các nước đang nổi tranh giành các tài nguyên quý hiếm.

Bên cạnh đó, khu vực này đang trở thành trung tâm của thương mại và đầu tư quốc tế, với một thị trường gồm gần một nửa dân số thế giới.

Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này cũng kích thích nhu cầu năng lượng và sẽ dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước.

Trong nhiều năm qua, mối liên hệ thương mại và kinh tế của Ấn Độ tại Thái Bình Dương đã trở nên mạnh mẽ và sâu sắc hơn.

Các nước tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á trên Thái Bình Dương đang được coi là các nhân tố hỗ trợ sự phát triển kinh tế và an ninh năng lượng của Ấn Độ cũng như là động lực trong chính sách “Hành động Hướng Đông” của họ.

Vai trò của New Delhi

Mặc dù Ấn Độ không xác nhận dứt khoát bất kỳ chiến lược chống Trung Quốc nào, nhưng thỏa thuận quốc phòng được ký kết giữa New Delhi và Washington với tên gọi Hiệp ước An ninh và Tương thích Liên lạc (COMCASA) hồi tháng 9/2018 sau cuộc đối thoại 2+2 cho thấy sự hợp tác chiến lược được tăng cường giữa Mỹ và Ấn Độ.

Quan trọng hơn, nó thể hiện rõ ràng rằng cả hai nước có ý định giám sát chặt chẽ các hành động của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và khu vực Himalaya.

[Ấn Độ đang xây các tuyến đường nối trực tiếp với Đông Nam Á]

Các động thái của Ấn Độ trước ảnh hưởng bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc bao gồm: New Delhi thiết lập Hành lang Tăng trưởng Á-Phi (trong quan hệ đối tác với Nhật Bản) hồi năm 2017, ký kết thỏa thuận dài 20 năm với Seychelles để xây dựng đường băng và cầu tàu cho Hải quân Ấn Độ trên đảo Assumption, ký kết thỏa thuận với Singapore nhằm mở rộng tiếp cận căn cứ hải quân Changi hồi tháng 11/2017, nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN trong việc đảm bảo ổn định khu vực, thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam năm 2016 và cam kết hợp tác với Nhật Bản để mở đường cho một thỏa thuận hậu cần quân sự.

Tuy nhiên, cạnh tranh chiến lược giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực đã kích động sự can thiệp lớn hơn từ các cường quốc bên ngoài tại Ấn Độ Dương, thúc đẩy các liên minh quyền lực khác nhau và gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự.

Trong bối cảnh lớn hơn, Ấn Độ có thể tham gia vào cán cân quyền lực chính trị, điều có thể làm gia tăng hoạt động quân sự hóa trong khu vực, hoặc lựa chọn con đường truyền thống là “phong trào không liên kết.”

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang được quân sự hóa một cách nhanh chóng.

Trung Quốc đang theo đuổi các mục tiêu kinh tế lớn dưới cái mác “Vành đai và Con đường”, vốn được cho là có liên quan đến sự hiện diện hải quân lớn hơn, các chiến lược và khẳng định chủ quyền.

Thêm vào đó, các thành viên của nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) đang chuẩn bị tìm cách thu hẹp ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Trung Quốc qua việc thúc đẩy ảnh hưởng của chính họ.

Mỹ hiện coi Ấn Độ và đối tác phù hợp để kiềm chế và thu hẹp ảnh hưởng của Trung Quốc.

Những ngày cuối năm 2018 chứng kiến Tổng thống Trump ban hành Đạo luật Sáng kiến Tái bảo đảm châu Á (ARIA), công nhận sức mạnh của quan hệ đối tác chiến lược Ấn-Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào quan điểm quân phiệt sẽ khiến Ấn Độ nhìn nhận và tiếp cận thế giới từ góc nhìn thực tế dựa trên giả thuyết rằng kế hoạch chiến lược là con đường duy nhất để thực hiện các lợi ích quốc gia Ấn Độ và phủ nhận tầm quan trọng của các nỗ lực ngoại giao và hòa bình hướng tới giải quyết các vấn đề an ninh.

Với Ấn Độ, một quốc gia không nhiều nguồn lực quân sự và kinh tế và chủ yếu dựa vào sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu, một quan điểm dựa trên hòa bình, phát triển và hội nhập nên được giành ưu tiên hơn quan điểm an ninh quân sự để đối phó với các thách thức truyền thống và phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tình trạng chậm phát triển.

Là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu kinh tế của Ấn Độ, quan điểm của họ về các vấn đề biến đổi khí hậu và tranh cãi về chủ quyền và nhân quyền đặt họ ở vị trí khác biệt với Mỹ.

Trong khi chính quyền Trump lựa chọn rời khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu thì Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của ông Modi tìm cách đóng vai trò then chốt cùng các nước đang phát triển khác để thực hiện thành công hiệp định.

Từ lâu, Ấn Độ đã thúc đẩy cải cách tại các thể chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vốn chịu ảnh hưởng chủ yếu của các nước phát triển, để khiến các thể chế này trở nên dân chủ hơn.

Ấn Độ cũng đang lên tiếng bày tỏ các quan ngại liên quan đến thương mại tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như ủng hộ các cải cách trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để khiến cơ quan này trở nên mang tính đại diện và dân chủ hơn.

Do vậy, Ấn Độ phải nỗ lực bảo vệ quyền tự trị chiến lược của mình trong các lợi ích dài hạn.

Là cường quốc hạt nhân trong khu vực Ấn Độ Dương cùng năng lực quân sự truyền thống và sự hiện diện hải quân được khẳng định, Ấn Độ không nên hoảng sợ trước cảm giác về mối đe dọa Trung Quốc khi xử lý quan hệ với các nước láng giềng và các cường quốc bên ngoài.

Thay vào đó, Ấn Độ cần khuyến khích họ tìm kiếm các giải pháp thay thế cho ván cờ quân sự và hạt nhân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục