Cuộc đua đỏ-xanh khởi đầu từ Community Shield

Trận đấu giữa M.U và Chelsea tại Wembley vào đêm mai có thể mở màn cho một cuộc đua khốc liệt đỏ - xanh trong 10 tháng tới.
Với một giải mang tính tượng trưng như Community Shield, chiến thắng thực sự không mang ý nghĩa vinh quang. Nhưng khi M.U và Chelsea bước ra sân khấu Wembley vào đêm mai (9/8), đó là 90 phút đáng được chờ đợi bởi rất có thể, nó mở màn cho một cuộc đua khốc liệt đỏ - xanh trong 10 tháng tới.

Cách mạng niềm tin

Một năm, và mọi chuyện không thực sự thay đổi nhiều ở Stamford Bridge. Nếu nhớ lại 12 tháng trước, Chelsea cũng hướng tới mùa giải mới cùng một huấn luyện viên mới và những hy vọng mới. Chỉ cần thay cái tên Luiz Felipe Scolari bằng Ancelotti là đủ. Nhưng sự ổn định và thành công trong một năm qua biến thành cơn ác mộng khi Scolari chỉ trụ lại được bảy tháng. Liệu Ancelotti có thực sự là người mà Chelsea cần từ khi Jose Mourinho ra đi?

Ancelotti gây bất ngờ khi không nồng nhiệt trên thị trường chuyển nhượng như nhiều dự đoán. Chelsea không trở lại hình ảnh chuyên gia shopping giống giai đoạn đầu Roman Abramovich xuất hiện và việc Andrea Pirlo mới từ chối ông thầy cũ để tiếp tục gắn bó với AC Milan có thể coi là một thất bại của Ancelotti.

Cuộc cách mạng mà ông đang tiến hành sẽ vẫn phải dựa trên nền tảng cũ. Nhưng so với người tiền nhiệm tội nghiệp Scolari, Ancelotti có được lợi thế lớn từ một người tiền nhiệm khác là Guus Hiddink. Ba tháng tạm quyền ngắn ngủi của “thầy phù thủy” đầy ý nghĩa với Chelsea.

Những ngôi sao màu xanh chợt tìm lại được niềm tin vào khả năng của mình. Họ vô địch Cúp FA, danh hiệu đầu tiên trong vòng hai năm và chỉ cách trận chung kết Champions League trong khoảnh khắc. Tổng 34 điểm từ 13 trận Premier League dưới thời Hiddink cũng là con số đáng ngưỡng mộ. Duy trì phong độ đó sẽ là mục tiêu hàng đầu của Ancelotti.

Không chỉ với một niềm tin mới, Chelsea có thể sẽ có cả một phong cách mới mà Ancelotti đang hướng tới sự thay đổi ở hàng tiền vệ, “trái tim” đội bóng. Nhiều khả năng mô hình khu vực này sẽ là hình thoi đem lại tầm hoạt động rộng hơn, tự do hơn cho Frank Lampard. Không giống Scolari, Ancelotti đang có một Michael Essien lành lặn và đầy năng lượng, một Didier Drogba “tái sinh” vừa đặt bút ký hợp đồng mới và một tân binh Yuri Zhirkov (được Hiddink tiến cử) đầy tiềm năng bên cánh trái.

Sự ổn định, chìa khóa cho thành công của Chelsea dưới thời Mourinho, tiếp tục được giữ vững. John Terry không sang Man City trong câu chuyện xôn xao kỳ chuyển nhượng này. Và người đá cặp trung vệ với anh sẽ lại là Ricardo Carvalho, cũng khởi đầu mùa Hè bằng những tin tức ra đi song giờ chấp nhận sẽ ở lại. Những cái tên khác như John Mikel Obi, Florent Malouda, Michael Ballack, Joe Cole, Ashley Cole đã hoặc sắp ký hợp đồng mới kéo dài thời gian ở Stamford Bridge.

Có một thực tế là đội hình Chelsea hiện nay vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh “quá chín”. Nhưng đấy vẫn là dàn sao đầy chất lượng và một khi họ tìm lại được sự tự tin như đã thể hiện dưới thời Hiddink, đừng gạt Chelsea khỏi bất cứ cuộc đua nào.

Cách mạng con người

Nếu Chelsea đang sống với một tâm trạng mới thì M.U đang làm quen với một đội ngũ mới. Không đến nỗi xáo trộn quá lớn về lực lượng song sự ra đi của Cristiano Ronaldo thực sự là thách thức lớn nhất cho Sir Alex trong hơn hai thập kỷ qua.

Chưa bao giờ Sir Alex tin và theo đuổi chính sách một đội bóng xoay quanh một ngôi sao. Nhưng vài mùa giải gần đây, chính ông cũng không phủ nhận được vai trò quá lớn của Ronaldo, không ngần ngại buộc Wayne Rooney phải đóng vai phụ.

Và khi Ronaldo ra đi, ông lại gây ngạc nhiên với những vụ chuyển nhượng “tầm tầm”. Thay vì mạnh tay từ một ngân sách chuyển nhượng phình to mà riêng vụ bán Ronaldo đã đem về 80 triệu bảng (Real Madrid thanh toán một cục), Sir Alex chỉ chi 17 triệu bảng cho Antonio Valencia từ Wigan, ba triệu bảng cho Gabriel Obertan từ Bordeaux cộng thêm lão tướng “miễn phí” Michael Owen.

Không ít người cho rằng Sir Alex đang chấp nhận một giai đoạn chuyển giao ở M.U. Sau những năm vinh quang gần đây, dường như đã đến lúc “Quỷ đỏ” đứng lại và cách tốt nhất lúc này là đầu tư vào thế hệ trẻ để hướng tới một chu kỳ mới.

Nhưng liệu một huấn luyện viên luôn hừng hực quyết tâm như Sir Alex có chấp nhận “rút lui” đơn giản như vậy khi thời gian nghỉ hưu đang đến gần với ông? Giả dụ M.U mua về một tên tuổi lớn chẳng hạn thay thế cho Ronaldo, những nghi ngờ trên sẽ tan biến. Song để làm gì khi Sir Alex đang tin rằng ông có trong tay đội ngũ đủ để một lần nữa cười nhạo vào nhận định “không ai vô địch được bằng những đứa trẻ”?

Khi Ronaldo là không thể thay thế được như chính Sir Alex thừa nhận, ông chọn cách không cố tìm kiếm một phiên bản mới mà thay vào đó là việc xây dựng một đội hình mới. Đó là công việc quá quen thuộc với ông trong bao năm qua và là một tiến trình mà Sir Alex bền bỉ vun đắp từng giờ, từng ngày.

Premier League năm ngoái sửng sốt trước màn trình làng đầy thành công của Frederico Macheda mới 17 tuổi ở giai đoạn cuối. Anh em nhà Silva chững chạc ở tuổi 19 khiến người ta phải so sánh với anh em nhà Neville trước đây. Trong hệ thống đào tạo ở Old Trafford không thiếu những viên ngọc như thế và giờ là lúc Sir Alex quyết định tung ra cuộc cách mạng trẻ như đã làm năm 1994.

Mất Ronaldo nhưng M.U vẫn còn đó bộ khung vững vàng trong phòng ngự, một khu vực tiền vệ đông đảo sức trẻ khiến sự thoái lui dần dần của Paul Scholes không tạo ra khoảng trống nào. Mất Carlos Tevez thì hàng công đã có một Owen tinh quái, vẫn đầy bản năng sát thủ một khi không bị chấn thương ám ảnh. Quan trọng hơn, ở đó còn một Rooney luôn hết mình và sẽ càng lợi hại hơn khi được trao trả vị trí chủ công quen thuộc.

Cuối tuần này, một M.U mới sẽ gặp một Chelsea mới để mở màn cho một mùa giải mới. Cuộc cách mạng niềm tin hay cuộc cách mạng con người sẽ thành công? Câu hỏi đó chỉ có thể trả lời vào mùa hè năm sau. Nhưng hãy tin rằng sẽ có một cuộc đua quyết liệt và nóng bỏng từ Old Trafford đến Stamford Bridge mà khởi đầu tại Wembley./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục