Cuộc đua đường trường

Thị trường Trung Đông tiềm năng và khắc nghiệt

Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển thừa nhận, Trung Đông là thị trường giàu tiềm năng nhưng không kém  phần khắc nghiệt.
Lựa chọn một thị trường khá xa xôi là Trung Đông để đầu tư, nhìn lại sau một thời gian khá dài, Tổng giám đốc Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển thừa nhận, đây là thị trường giàu tiềm năng, phát triển rất tốt, nhưng không kém khắc nghiệt.

Là một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp xe máy, sau thời gian phát triển khá tốt tại thị trường nội địa, cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất trong nước khác, các sản phẩm xe máy của T&T không chịu nổi áp lực cạnh tranh từ sản phẩm của các công ty liên doanh danh tiếng như Honda, Yamaha… nên dần bị thu hẹp thị trường.

Quyết đoán

Năm 2003, để tìm cửa thoát, T&T đã tính tới việc xuất khẩu sản phẩm. Trung Đông là thị trường được doanh nghiệp này nhắm đến bởi mức sống cũng như nhu cầu về sản phẩm khá giống người Việt Nam.

Sản phẩm của T&T khi đó được chấp nhận ở thị trường này khá nhanh chóng, nhưng tính ra không có lợi nhuận. Đơn giản là thị trường quá xa xôi, chi phí vận chuyển đã “nuốt” không chỉ lãi. Một phương án khá mới mẻ vào thời điểm đó được đưa ra, đầu tư nhà máy sản xuất tại thị trường này.

Có thể nói, thời điểm đó T&T là một trong số rất ít, nếu không muốn nói là doanh nghiệp đầu tiên, mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, lại tại một thị trường khá lạ, xa xôi với Việt Nam. Rất nhiều chuyến đi khảo sát của lãnh đạo Công ty đã được tổ chức.

Ông Hiển nhớ lại: “Nhiều người khi đó cho rằng chúng tôi mạo hiểm, phiêu lưu. Nhưng từ các cuộc khảo sát thực tế tôi nhận thấy rằng đây là một thị trường rất tiềm năng. Dân số đông, khá dễ tính, yêu cầu chất lượng sản phẩm không quá cao, sản phẩm chúng tôi định đầu tư chưa có nhiều nhà máy sản xuất… Có thể nói đầu tư nhất định sẽ thắng”.

Leo rào

Chắc thắng. Đó là tính toán của lãnh đạo T&T. Song giai đoạn này, T&T không tính tới những khó khăn về thủ tục hành chính trong đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam. Thủ tục cấp phép đầu tư vẫn mang nặng cơ chế xin cho với nhiều yêu cầu về hồ sơ dự án, chứng minh khả năng thực hiện, giấy phép… rất rườm rà, thời gian kéo dài.

Việc đi tiên phong đến một thị trường mới kéo theo nhiều khó khăn không dễ giải quyết. Suốt thời gian dài dự án đầu tư ra nước ngoài này của T&T giậm chân tại chỗ. Rốt cuộc, với quyết tâm đi đến cùng, cộng với sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường, sau cả năm trời T&T mới vượt qua được “hàng rào” về thủ tục cấp phép đầu tư.

Nhưng khó khăn mới lại xuất hiện, đó là những quy định khá cứng nhắc của ngân hàng, gây ra nhiều khó khăn trong thanh toán. Trung Đông là một thị trường khá xa Việt Nam, hoạt động thanh toán, chuyển tiền không thực hiện thẳng được mà phải qua một, thậm chí hai nước trung gian.

Không những thế, việc chậm, nợ thanh toán tiền hàng diễn ra rất phổ biến khiến nhiều doan nghiệp tuy thấy đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng đành bỏ cuộc.

Để tìm hướng thoát, T&T tìm tới giải pháp hàng đổi hàng. Thay vì chờ được thanh toán bằng tiền, T&T chấp nhận phương án nhận những hàng hóa mà thị trường Việt Nam có nhu cầu, dù chi phí vận chuyển cao, nhưng vẫn còn hơn là để đối tác chậm thanh toán.

Nam giải nhân sự

Bài toán đầu tư của T&T được tính toán rất kỹ. Cho đến nay Công ty cũng đã vượt qua rất nhiều gian nan. Tuy nhiên, giờ đây khi được hỏi về kết quả đầu tư, ông Hiển vẫn lắc đầu thở dài: “Chúng tôi đang gặp khó khăn về nhân lực. Vì đầu tư sản xuất nên T&T đang “đau đầu” trong việc tuyển nhân sự”.

Ông cho biết, công nhân có thể tuyển và đào tạo tại nước sở tại, nhưng cán bộ quản lý thì phải người của mình. Ông phân tích, cán bộ quản lý làm ở nước ngoài không đơn thuần chỉ giỏi nghiệp vụ chuyên môn, có ngoại ngữ, mà còn phải là người am hiểu phong tục tập quán nước bạn, có khả năng giao tiếp, mở rộng mối quan hệ… nên rất hiếm.

Mà hiện nay trong nước kiếm được một người giỏi đã khó, giờ lại muốn kiếm được người giỏi chịu xa nhà làm việc ở nước ngoài là điều càng khó hơn. Tiếng là làm việc ở nước ngoài nhưng thị trường Trung Đông khí hậu khắc nhiệt, địa bàn đi lại xa xôi, mức sống còn chưa cao nên rất ít người chịu sang đó làm việc.

Vậy nên đến thời điểm hiện nay, sau nhiều năm kiên trì theo đuổi dự án, hiệu quả đong đếm được bằng con số của T&T, theo ông Hiển, là “chưa đáng để khoe”. Kết quả đáng ghi nhận nhất là kinh nghiệm và kiến thức thu được từ một thị trường mới.

Chính vì vậy, vị Tổng giám đốc này khẳng định vẫn sẽ tiếp tục thực hiện dự án, bởi trong tương lai đây sẽ là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam./.

(Doanh nhân/Vietnam+)

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+

Tin cùng chuyên mục