Đua thưởng ở V-League

Cuộc đua lương-thưởng leo thang ở V-League

Quỹ lương-thưởng ở V-League đang leo thang - một tín hiệu khả quan cho bóng đá Việt Nam khi cầu thủ có thể sống tốt bằng nghề.
Quỹ lương-thưởng ở V-League đang leo thang và dường như chưa có điểm dừng, đây được xem là một tín hiệu khả quan cho nền bóng đá Việt Nam để từ đó cầu thủ, huấn luyện viên có thể sống tốt với nghề.

Một trận thắng của T&T Hà Nội và SHB Đà Nẵng, đồng nghĩa với 600-700 triệu đồng gửi vào tài khoản câu lạc bộ (400 triệu thưởng chính và 200-300 triệu thưởng thêm). Tất nhiên, còn phải tính những khoản thưởng cho những bàn thắng, giữ sạch lưới và những cá nhân xuất sắc.

Sau khi huấn luyện viên Hữu Thắng về dẫn dắt T&T Hà Nội, thì cách chia thưởng có điều chỉnh chút ít, theo 3 mức 10-8-6 (đá chính, dự bị, và không ra sân) cho khoảng 35 con người trên đội 1. Cầu thủ đá chính, sẽ nhận khoảng 30-35 triệu/trận. Nhân viên tạp vụ, đầu bếp ở nhà ăn hay chị lao công làm việc trong đại bản doanh của đội bóng cũng được chút đỉnh. Hữu Thắng nhận được sự đồng thuận rất lớn.

Tiền là một phạm trù tương đối nhạy cảm. Có lẽ vì thế mà cũng có người không muốn công khai. Ở Hoàng Anh Gia Lai, bất cứ thành viên nào của đội bóng tiết lộ về khoản thu-nhập-không-thường-xuyên này, lần đầu sẽ bị nhắc nhở, lần thứ hai kỷ luật luôn. Điều tương tự cũng được thiết lập ở một số đội bóng.

Thể Công từ khá lâu cũng không còn công khai mức thưởng với giới truyền thông, ngoại trừ mức thưởng cố định dành cho 11 cầu thủ đá chính và huấn luyện viên trưởng là 18 triệu/người/trận thắng. Các cầu thủ dự bị hoặc ngồi trên khán đài nhận ít hơn. Còn tiền thưởng thêm thì bí mật!

Ximăng Hải Phòng vẫn được xem là nhà vô địch Việt Nam về khoản thưởng, mỗi cầu thủ sẽ nhận không dưới 40 triệu đồng/trận thắng. Thế nên, mỗi trận đấu với cầu thủ Hải Phòng được ví như một trận chiến. Ai cũng đấu tranh để được vào sân, cả ngoại binh lẫn nội binh, và xung trận là băm bổ như thể sẵn sàng hy sinh ngay được.

Đá bóng vì tiền, là một nhu cầu chính đáng. “Gói kích cầu” tiền đã phát huy tối đa tác dụng ở Ximăng Hải Phòng, để họ làm nên 2 mùa bóng thành công ngoài mong đợi ở giải hạng Nhất 2007 và V-League 2008. Giải năm nay, sau những trận thua liểng xiểng, cầu thủ Hải Phòng ước tính mỗi người phải nhận thiệt hại nhiều trăm triệu đồng, chứ chẳng chơi.

Tại Bình Dương, cầu thủ cũng phải chịu hệ lụy bởi chuỗi thành tích nghèo nàn trên mặt trận V-League. Nhưng kết thúc vòng bảng AFC Cup 2009, lãnh đạo Becamex Bình Dương đặt nguyên bị tiền trị giá 1.2 tỷ đồng ở Gò Đậu, để tưởng thưởng anh em. Đó là số tiền thưởng kỷ lục cho đến thời điểm này.

Chưa hết, Becamex Bình Dương tiếp tục gây choáng váng phần còn lại, với 1 tỷ đồng tiếp theo nữa, cho việc họ vào đến tứ kết giải đấu châu lục. Người ta không ngần ngại công khai các con số, bởi ở Bình Dương, khoản thuế cho quỹ lương-thưởng được câu lạc bộ gánh hết. Nói theo huấn luyện viên Lê Thụy Hải ngày còn làm ở đây, thì “cứ đá thắng đi, chúng ta sẽ có rất nhiều tiền”.

Có ý kiến cho rằng về cơ bản, huấn luyện viên và cầu thủ đều là những người đi làm thuê. Và mục đích cuối cùng của người làm thuê là gì, nếu không phải là tiền và danh hiệu?

Đã có những điều chỉnh để hợp thời hơn tại Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Khatoco Khánh Hòa, cũng không dưới 450 triệu đồng/trận thắng, đủ khiến cầu thủ xứ Thanh và xứ Nghệ phải nhìn qua chúng bạn với ánh mắt thèm thuồng.

Hôm rồi, sau trận thắng Hoàng Anh Gia Lai, cầu thủ Nghệ An được treo thưởng 120 triệu đồng (trước thuế). Đó đã là một kỷ lục của Sông Lam Nghệ An ở mùa giải năm nay, khi khung thưởng được thống nhất từ đầu mùa là 70 triệu đồng (trước thuế). Trận thắng Quân khu 4 ở Cúp Quốc gia, Sông Lam Nghệ An nhận những… 36 triệu đồng (sau khi trừ thuế). Trong bối cảnh khó khăn, đội bóng chưa tìm được nhà bảo trợ tài chính, thì cầu thủ phải biết cắn răng mà đá.

Mọi so sánh đều khập khiễng, khi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng dường như, khi Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa cũng tăng tốc tiền thưởng, thì cuộc chiến “đua tiền” sẽ thực sự bắt đầu./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục