Cuộc họp Ban chỉ đạo ARMAC 13 nhất trí sáng kiến của Việt Nam

Ngày 1/9, cuộc họp lần 13 Ban Chỉ đạo Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN diễn ra ở thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh.
Các thành viên tập trung thảo luận và bỏ phiếu tuyển chọn Giám đốc điều hành mới của Ban Thư ký Thường trực ARMAC nhiệm kỳ 2021-2023. (Ảnh: Trang Nhung/Vietnam+)
Các thành viên tập trung thảo luận và bỏ phiếu tuyển chọn Giám đốc điều hành mới của Ban Thư ký Thường trực ARMAC nhiệm kỳ 2021-2023. (Ảnh: Trang Nhung/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, ngày 1/9, cuộc họp lần thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung tâm Hành động bom mìn khu vực ASEAN (ARMAC) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh dưới sự chủ trì của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh.

Cuộc họp được tổ chức tại trụ sở ARMAC với sự THAM GIA của 10/10 đại sứ, đại biện các nước ASEAN, trưởng đoàn Campuchia, và một số thành viên các đoàn dự trực tuyến.

Các thành viên đã tập trung thảo luận và bỏ phiếu tuyển chọn Giám đốc điều hành mới của Ban Thư ký Thường trực ARMAC nhiệm kỳ 2020-2023; thảo luận và nhất trí thành lập Nhóm Những người bạn của ARMAC (FOA).

FOA là sáng kiến quan trọng của Việt Nam, được ARMAC hoan nghênh và nhất trí triển khai nhằm vận động sự ủng hộ rộng rãi từ các đối tác của ARMAC, bao gồm các nước đối tác của ASEAN và khu vực tư nhân.

[Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh qua lăng kính giới tính]

Cuộc họp còn đánh giá các hoạt động của ARMAC thời gian qua và đề ra các phương hướng hoạt động của Trung tâm từ nay tới cuối năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp.

Với tỷ lệ bỏ phiếu 10/10, ông Prum Suonpraseth, quốc tịch Campuchia, từng là Giám đốc điều hành lâm thời của ARMAC từ năm 2017 đến 2018, đã được tuyển chọn là Giám đốc điều hành mới của ARMAC nhiệm kỳ 2020-2023.

ARMAC là một tổ chức của ASEAN, được thành lập theo sáng kiến của Campuchia với mục đích giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức chung của người dân về tác hại của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và hỗ trợ các nạn nhân. Năm 2020, Việt Nam đã đóng góp 10.000 USD cho hoạt động của ARMAC.

ARMAC đã tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với những cơ quan hữu quan để thúc đẩy hỗ trợ thích đáng về mặt y tế và phục hồi cho các nạn nhân của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh theo đề xuất của những nước ASEAN bị ảnh hưởng bởi tình trạng này, cũng như hỗ trợ nghiên cứu và chia sẻ kinh nghiệm về các ảnh hưởng của vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục