Cuộc khủng hoảng chính trị của Italy tưởng chừng tạm lắng đã bùng phát trở lại sau khi Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte từ chức chỉ 5 ngày sau khi được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ đứng ra thành lập một chính phủ liên minh.
Kết cục này một lần nữa cho thấy tình thế bấp bênh và chia rẽ trên chính trường Italy, đặc biệt khi cuộc bầu cử Italy ngày 4/3 vừa qua đã dẫn đến một "Quốc hội treo", không có đảng hoặc chính đảng nào giành được đa số phiếu cần thiết để tự thành lập chính phủ.
Ông Conte từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ liên minh giữa đảng Phong trào 5 Sao (M5S) và đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) sau khi Tổng thống Mattarella “phủ quyết” và không chấp thuận việc đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, nhân vật có quan điểm hoài nghi châu Âu, làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Quyết định của Tổng thống Mattarella phần nào thể hiện quan điểm kiên quyết của ông tìm mọi cách tránh cho Italy kịch bản có một chính phủ phản đối và hoài nghi châu Âu, song cũng khoét sâu thêm những bất đồng giữa các phe phái ở Italy.
Lãnh đạo M5S M5S Luigi Di Maio và người đứng đầu đảng Liên đoàn phương Bắc Matteo Salvini chỉ trích quyết định phủ quyết của Tổng thống là "chịu ảnh hưởng của nước ngoài". Ông Maio đã kêu gọi luận tội Tổng thống Mattarella theo điều 90 của Hiến pháp, trong khi ông Salvini cảnh báo sẽ tổ chức tuần hành quy mô lớn nếu như bầu cử sớm không được tiến hành.
Về phần mình, Tổng thống Mattarella kiên quyết từ chối nhượng bộ những mong muốn của M5S và LN mà ông cho là đi ngược lại lợi ích của đất nước, đồng thời khẳng định đã làm hết sức để hỗ trợ việc thành lập chính phủ mới, trừ việc chấp nhận một bộ trưởng có tư tưởng đưa Italy ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng chính trường hiện nay tại Italy đã được báo trước bởi kết quả cuộc bầu cử ngày 4/3 đã đẩy nền kinh tế lớn thứ 3 trong Eurozone vào thế bế tắc chính trị mà giới phân tích cho rằng phải mất tới vài tháng mới có thể gỡ bỏ. Ngay cả việc đảng LN và đảng M5S ký thỏa thuận thành lập một liên minh cầm quyền hôm 18/5 vừa qua, dẫn tới ông Conte được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ, cũng chỉ là lối thoát tình thế.
Trước đó, Tổng thống Mattarella đã chủ trì 3 vòng tham vấn với các chính đảng về việc thành lập một chính phủ liên minh sau bầu cử, song đều thất bại bởi các bên không đạt được đồng thuận. Tổng thống Mattarella cũng từng đề xuất thành lập một chính phủ "trung lập" để điều hành đất nước cho đến hết năm nay, ý tưởng bị cả đảng cực hữu LN lẫn đảng dân túy M5S phản đối, và đây là nguyên nhân khiến hai đảng này xúc tiến thỏa thuận liên minh.
[Italy: Liên đoàn phương Bắc và M5S để ngỏ khả năng liên minh]
Giới phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng lần này chỉ là phần nổi, còn mấu chốt vấn đề vẫn là sự "bế tắc" cố hữu trong hệ thống chính trị của Italy. Thậm chí, ngay trước cuộc bầu cử ngày 4/3, Giáo sư ngành chính trị học tại Đại học LUISS ở Rome, Roberto D'Alimonte, từng cảnh báo: “Cho dù cuộc bầu cử diễn ra như thế nào, tình hình sẽ vẫn u ám và mong manh”. Trong vòng 70 năm qua kể từ khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai, Italy đã trải qua không dưới 65 chính phủ, số lượng chính phủ có thể duy trì hoạt động ít nhất là một nhiệm kỳ trọn vẹn, có nghĩa là 5 năm kể từ sau một cuộc bầu cử quốc hội cho đến khi một quốc hội mới được bầu ra, thực sự hiếm hoi.
Ngày 28/5, Tổng thống Sergio Mattarella cũng đã triệu tập ông Carlo Cottarelli, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trao quyền thành lập chính phủ kỹ trị. Tuy nhiên, động thái này cũng chưa thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. Lãnh đạo đảng Liên đoàn phương Bắc tỏ ý hoài nghi "về tính pháp lý" trong quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella chỉ định ông Carlo Cottarelli làm thủ tướng tạm quyền. Bản thân ông này cũng khó được Quốc hội thông qua. Hầu hết các chính đảng ở Italy đều khẳng định sẽ không ủng hộ một chính phủ kỹ trị khi bỏ phiếu tại Quốc hội.
Tuy nhiên, kể cả khi vị thủ tướng mới nhận được sự ủng hộ của cơ quan lập pháp, không có gì đảm bảo rằng M5S và đảng LN có thể hoàn tất việc thành lập chính phủ liên minh một cách suôn sẻ. Trên thực tế, M5S và đảng LN là những đối thủ chính trị với các ưu tiên rất khác nhau, và hai đảng chỉ giành được thế đa số cực kỳ mong manh tại Thượng viện, khiến nguy cơ đi tới thất bại và mâu thuẫn là rất lớn.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, hai đảng đã đưa ra những cam kết mang đậm màu sắc hoài nghi về sự hội nhập châu Âu, kêu gọi cải tổ toàn bộ các hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) về liên minh tiền tệ và vấn đề nhập cư, thậm chí họ còn đưa các nội dung trên cả vào chương trình nghị sự. Mặc dù vậy, M5S và đảng LN đang bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề, từ các dự án kinh tế ưu tiên tới ngân sách năm 2019. Đảng LN muốn cắt giảm thuế để thỏa mãn các cử tri của mình ở vùng phương Bắc giàu có, trong khi M5S lại tập trung hơn vào người dân ở vùng phía Nam nghèo đói. Những bất đồng chủ chốt như vậy khiến mục tiêu thành lập một chính phủ đồng nhất trở nên xa vời.
Giám đốc Viện nghiên cứu chính sách Nomisma, Andrea Goldstein, nhận định với những hoài nghi xung quanh các chính sách, cùng mâu thuẫn trong các chương trình, chính phủ mới sẽ khó vận hành hiệu quả đến cuối năm. Nếu như M5S và đảng LN không thể thành lập chính phủ liên minh, điều này sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử sớm vào mùa Thu tới. Trong thời gian đó, M5S và đảng LN có thể sẽ từ chối bỏ phiếu cho chính phủ “lâm thời” do tổng thống chỉ định và điều này sẽ tiếp tục đẩy Italy vào tình trạng bất ổn./.