Cuộc khủng hoảng lương thực ở Nam Sudan đang rất nghiêm trọng

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu rõ tình hình an ninh lương thực tại Nam Sudan hiện đang ở mức "nguy hiểm nhất trên thế giới."
Cuộc khủng hoảng lương thực ở Nam Sudan đang rất nghiêm trọng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN))

Cuộc khủng hoảng lương thực tại Nam Sudan hiện đang ở mức độ nghiêm trọng nhất thế giới và đang cần hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng quốc tế.

Trong một tuyên bố ngày 25/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nêu rõ tình hình an ninh lương thực tại Nam Sudan hiện đang ở mức "nguy hiểm nhất trên thế giới" và quốc gia châu Phi này đang đứng trước ngưỡng cửa của một nạn đói trên diện rộng nếu tình hình xung đột không sớm chấm dứt.

Hội đồng Bảo an cũng kêu gọi các quốc gia thành viên đã cam kết hỗ trợ 618 triệu USD cho Sudan tại một hội nghị ở Oslo (Na Uy) hồi tháng 5 vừa qua làm đúng cam kết và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Nguồn kinh phí trên sẽ cung cấp sự hỗ trợ mang tính sống nhằm cải thiện tình hình đói kém nguy hiểm tại Nam Sudan.

Bên cạnh đó, 15 quốc gia ủy viên Hội đồng Bảo an cũng lên án cuộc tấn công của phiến quân Nam Sudan vào thị trấn quan trọng Nasir, ở bang Thượng Nile, gần biên giới Ethiopia. Tuyên bố hối thúc các bên "tôn trọng và bảo vệ người dân, tránh các hành động bạo lực trực tiếp vào người dân, tạo điều kiện để các hỗ trợ nhân đạo đến với người dân kịp thời và đầy đủ theo đúng luật pháp quốc tế."

Theo Liên hợp quốc, hiện có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan trong tình trạng thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng và cần tiếp nhận chăm sóc y tế. Ngoài ra, khoảng 3,9 triệu người, có nguy cơ lâm vào cảnh thiếu đói trầm trọng.

Bạo lực bùng phát tại Nam Sudan từ trung tuần tháng 12/2013 sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với ông Riek Machar âm mưu đảo chính. Xung đột nhanh chóng lan rộng khắp Nam Sudan, khiến hàng nghìn người thiệt mạng, 1,5 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy đất nước đến bờ vực thiếu đói tồi tệ nhất châu Phi kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

IGAD - làm nhiệm vụ trung gian hòa giải, đã hối thúc hai bên xung đột thực thi trách nhiệm, nhanh chóng quay lại đàm phán để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục