Cuộc khủng hoảng người tị nạn có nguy cơ làm tan rã châu Âu

Tờ báo của Hà Lan De Telegraaf ngày 18/11 cho biết một số quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nghĩ về một châu Âu hậu Schengen, nếu không nói là châu Âu hậu EU.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn có nguy cơ làm tan rã châu Âu ảnh 1Người di cư từ Liberia, Maroc, Pakistan, Sri Lanka và Sudan tại khu vực Gevgelija ở biên giới Macedonia - Hy Lạp ngày 19/11. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tờ báo của Hà Lan De Telegraaf ngày 18/11 cho biết một số quốc gia thành viên liên minh châu Âu (EU) bắt đầu nghĩ về một châu Âu hậu Schengen, nếu không nói là châu Âu hậu EU.

Theo báo này, nội các Hà Lan gần đây đã thảo luận kế hoạch soạn thảo một phiên bản nhỏ hơn của Hiệp ước Schengen, sẽ chỉ bao gồm Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Đức và Áo.

Mặc dù Ngoại trưởng Hà Lan bác bỏ một phần thông tin của bài báo này này khi nói rằng không hề có kế hoạch lập một phiên bản nhỏ hơn của khu vực Schengen, song thừa nhận chính phủ của ông đang xem xét thành lập một liên minh "các quốc gia cùng chí hướng" để giảm bớt dòng người xin tị nạn vào Bắc Âu.

Bình luận về diễn biến trên, mạng tin Stratfor (Mỹ) ngày 19/11 cho rằng nhóm những nước mà nội các Hà Lan nhắc tới đều là những quốc gia phát triển và thời gian gần đây phải đón nhận một lượng lớn người nhập cư.

Ở tất cả những quốc gia này, các đảng dân túy ngày càng được lòng dân và đang chỉ trích gay gắt cách thức EU giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn.

Hậu quả là, bất kỳ kế hoạch nào nhằm hạn chế dòng người di cư nước ngoài và cải thiện những biện pháp kiểm soát biên giới đều được đón nhận tích cực tại các quốc gia kể trên.

Một liên minh gồm những chính phủ mà De Telegraaf nhắc đến thậm chí sẽ không chỉ liên kết với nhau trong vấn đề người tị nạn.

Những quốc gia này thường có quan điểm tương đồng với nhau trong các vấn đề tài chính và kinh tế.

Họ cũng phản đối ý tưởng coi EU như một liên minh "từ thiện" mà ở đó các nước giàu ở phương bắc bao cấp cho những nước nghèo hơn ở miền Nam.

Một số nhà kinh tế và chính khách đã lập luận rằng nếu khu vực đồng euro sụp đổ, tốt nhất hãy để cho những nền kinh tế này tự tạo ra đồng tiền chung của riêng họ.

Các đảng như "Sự lựa chọn cho nước Đức" từng đề xuất thiết lập một "khu vực đồng euro Bắc Âu" với thành phần gồm những quốc gia kể trên.

Trên thực tế, không phải vô cớ mà xuất hiện danh sách này, mà đây là một nhóm nước có những mối liên hệ về văn hóa và lịch sử lâu đời. Tấm bản đồ mà chính phủ Hà Lan được cho là đang ấp ủ về cơ bản giống với Đế chế La Mã vào cuối thế kỷ 18.

Thông tin về các cuộc thảo luận trong nội bộ nội các Hà Lan xuất hiện cùng thời điểm một nhóm quốc gia khác cũng đang cân nhắc việc thắt chặt quan hệ.

Cuộc tranh cãi xung quanh việc EU có nên đề ra hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn đã thổi luồng sinh khí mới cho nhóm Visegrad gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia.

Chính phủ mới đắc cử của Ba Lan đã tuyên bố đặt ưu tiên cho việc duy trì quan hệ chặt chẽ với các đối tác trong Visegrad và Warsaw cũng sẽ tiếp tục phát huy quan hệ đối tác chiến lược với Romania để lập ra một trục chính trị (và có thể là một liên minh quân sự) từ Biển Baltic tới Biển Đen.

Tuy nằm ngoài các liên minh, song nước Anh cũng đang hối thúc việc cơ cấu lại EU. Theo quan điểm của London, EU nên là một cấu trúc dựa trên các hiệp định chính trị và thương mại, chứ không nhất thiết phải dựa trên việc cho phép người dân tự do đi lại hay trên cam kết nhường chủ quyền quốc gia cho những quan chức không qua bầu cử ở Brussels. Hà Lan và các nước ở Bắc Âu ủng hộ quan điểm này, song ở những mức độ khác nhau.

Tuy nhiên, điều đáng nói nhất là kế hoạch của Hà Lan không có tên Pháp. Là một quốc gia thuộc cả vùng Địa Trung Hải lẫn Bắc Âu, Pháp lâu nay vẫn phải vật lộn để cân bằng giữa mong muốn xây dựng một vùng ảnh hưởng dọc Địa Trung Hải và những lợi ích chiến lược của họ ở phía bắc.

Nếu kế hoạch của Hà Lan thành hiện thực, Pháp sẽ bị đặt vào tình thế phải chọn lựa giữa tham gia "liên minh phương bắc" hay tạo vùng ảnh hưởng riêng của mình, có thể bao gồm cả Tây Ban Nha và Italy.

Đây sẽ là liên minh các quốc gia Địa Trung Hải có những lợi ích chiến lược tương đồng khi quan hệ với các nước ở Bắc Phi và có chung những quan điểm kinh tế về những vấn đề như lạm phát hay chi tiêu công.

Đức cũng sẽ bị đặt vào tình huống khó xử. Một số chính khách Đức bảo thủ bảo vệ ý tưởng về một châu Âu hai tốc độ, nơi mà một số nước hòa nhập nhanh hơn những nước kia. Quan điểm của Đức là một số quốc gia nên liên kết với nhau chặt chẽ hơn và mặc kệ những nước tụt lại phía sau.

Tuy nhiên, đề xuất của Hà Lan có thể gây rắc rối do một vài lý do: Thứ nhất, nó đồng nghĩa với việc phải "thiết kế lại" khu vực Schengen và khai trừ hầu hết những thành viên hiện nay của khu vực này. EU khó có thể tồn tại nếu như đưa ra một quyết định như vậy. Thứ hai, chưa chắc Berlin sẽ ủng hộ một kế hoạch không bao gồm Paris.

Tuy nhiên, mọi việc sẽ khác nếu như kế hoạch của Hà Lan được thực thi trong bối cảnh các nước đều nhất trí cho rằng hiệp ước Schengen đã thất bại.

Nếu như, thay vì quyết định đơn phương của một nhóm vài nước, cả EU đều nhất trí rằng cần phải hủy bỏ khu vực Schengen, thì khi đó Pháp và các quốc gia khác có thể đi đến quyết định rằng đây là cách tốt nhất để giành lại quyền kiểm soát biên giới trong khi Đức có thể quyết định ký kết những hiệp định biên giới mới với các quốc gia phương Bắc.

Tuy nhiên, ngay cả khi "tiểu Schengen" là kết quả của một hiệp ước của toàn châu Âu, thì xem ra nó cũng khó có thể trở thành hiện thực nếu không có những biện pháp bổ sung nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế ở miền bắc và các nền kinh tế ở miền Nam.

Xét ở điểm này, ý tưởng trên chỉ là một tin đồn trên báo chí Hà Lan, hoặc có thể là một trong nhiều vấn đề được chính phủ Hà Lan thảo luận sau vụ khủng bố ở Paris.

Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đang diễn ra ở Bắc Âu và Đông Âu cho thấy không chỉ có mình Hà Lan nghĩ đến những phương án lựa chọn nếu như trật tự chính trị, kinh tế và an ninh hiện nay ở châu Âu thay đổi.

Nói rộng hơn, đây có thể là điềm báo về nguy cơ châu Âu sẽ tan rã thành những khối nhỏ có chung nền văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục