Cuộc khủng hoảng ở Venezuela: Điều gì sắp xảy ra?

Venezuela đã bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị giữa Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, gây chia rẽ cả người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.
Cuộc khủng hoảng ở Venezuela: Điều gì sắp xảy ra? ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: Reuters)

Theo trang mạng intpolicydigest.org, trong nhiều tuần qua, Venezuela đã bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng chính trị giữa Tổng thống đương nhiệm Nicolás Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó, gây chia rẽ cả người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế.

Cuộc xung đột hầu như không có dấu hiệu giảm bớt, cơ hội hai bên xuống thang cũng rất ít. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra lúc này là còn lựa chọn nào khả dĩ mà không cần sử dụng lực lượng quân sự hay không? Hiện tại, thật khó để nói.

Đã có sự leo thang xung đột giữa hai bên ở tất cả các cấp độ có thể. Nhìn từ bên trong, dân chúng đã bị chia làm hai phe, một bên ủng hộ Maduro, còn bên kia ủng hộ Guaidó.

Chính sự chia rẽ đó đã dẫn đến tình trạng bạo lực giữa các nhóm địa phương trong những năm qua. Kể từ năm 2017, đã có gần 130 trường hợp tử vong được báo cáo, trong đó nhiều người được xác định là những người chống chính phủ hiện nay ở Venezuela.

Mới đây nhất, những người biểu tình chống chính phủ đã tham gia cùng lực lượng an ninh ở biên giới Colombia; xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đã bị đốt và nhiều người ở cả hai phía bị thương.

Trên trường quốc tế, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã chọn ủng hộ bên nào. Nga và Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ Maduro, trong khi Mỹ ủng hộ Guaidó và việc nhân vật này tự phong là tổng thống lâm thời.

Chính quyền Trump và các đồng minh quốc tế khác của Guaidó đã cố gắng hậu thuẫn Guaidó bằng cách gửi viện trợ nhân đạo.

[Venezuela cáo buộc trợ lý của thủ lĩnh đối lập âm mưu gây hỗn loạn]

Tuy nhiên, quân đội - lực lượng hỗ trợ Maduro - đã ngăn chặn bất cứ hình thức viện trợ nào vào nước này, trong đó có việc đe dọa nổ súng vào một tàu của Puerto Rico khi tàu này đang tìm cách mang đồ tiếp tế vào Venezuela.

Mỹ có nên tiếp tục tìm cách gửi viện trợ?

Chắc là không. Maduro đã tuyên bố rằng viện trợ nhân đạo từ các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, là một "màn diễn" nhằm làm cho Venezuela yếu đi.

Bất chấp điều kiện trong nước mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm này, chẳng hạn như tình trạng siêu lạm phát, thiếu lương thực và thiếu nguồn cung cấp y tế, cảnh báo này vẫn vang vọng trong nước.

Trong lịch sử đã từng xảy ra các cuộc đảo chính và can thiệp quân sự dưới tác động của Mỹ tại các quốc gia như Nicaragua và Cuba (cả hai nước đều người ủng hộ Maduro), và nhiều người dân ở các quốc gia này phẫn nộ hoặc nghi ngờ sâu sắc trước các hành động của Mỹ trong khu vực.

Mặc dù thực tế là người dân Venezuela cực kỳ cần viện trợ nhân đạo, Mỹ có thể không phải là mạnh thường quân tốt nhất.

Sẽ là khôn ngoan hơn khi Mỹ sử dụng các kênh gián tiếp, chẳng hạn như các tổ chức quốc tế phi chính phủ, để gửi hàng viện trợ cho Venezuela.

Liệu hai bên ở Venezuela có thể tiến tới hòa bình mà không cần sự can thiệp của quân đội bên ngoài hay không?

Đến thời điểm này, cuộc xung đột vẫn còn khá "mới" mặc dù đã kéo dài hàng năm.

Cả Maduro và Guaidó, với sự ủng hộ từ bên ngoài, đều không có bất cứ dấu hiệu nào về việc rút lui. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột này, Mỹ chưa bao giờ loại trừ khả năng can thiệp quân sư.

Đầu tháng 2 vừa qua, Nga đã phản đối ý tưởng này. Tuy nhiên, hôm 25/3, các lực lượng quân đội Nga đã đến Caracas để "hoàn tất các hợp đồng quân sự kỹ thuật."

Với sự đổ bộ của nhóm quân nhân này, Nga đã làm trầm trọng thêm tình hình ở Venezuela, khiến Mỹ phải nghiêm túc xem xét can thiệp quân sự, điều nên tránh do những tranh cãi trong quá khứ.

Đã có hai nỗ lực riêng biệt để giải quyết những bất đồng giữa Chính phủ Venezuela và phong trào đối lập.

Năm 2016, Vatican đã cố gắng hòa giải giữa hai bên, nhưng không bên nào sẵn sàng thỏa hiệp về mục tiêu của họ và cuộc đàm phán đã thất bại.

Hai năm sau, Cộng hòa Dominican đã cố gắng dẫn đầu một liên minh gồm các chuyên gia hòa giải và mở các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Maduro và phe đối lập.

Tương tự như những nỗ lực trước đó, các bên đã rút lui vì không thể đạt được một giải pháp đầy đủ.

Cách tốt nhất để tạo ra các cuộc đàm phán hòa bình hiệu quả nằm ở bên trong đường biên giới Venezuela.

Sự tham gia liên tục của các bên quốc tế đã tạo thêm nhiều sức ép cho mỗi bên hành động thay vì xuống thang.

Nếu một nhóm hòa giải địa phương, có quan điểm trung lập, không nghiêng về bất cứ bên nào kể cả trong nước và quốc tế, được thành lập, điều đó có thể tạo động lực mạnh hơn để giải quyết các vấn đề then chốt của cả hai bên, đặc biệt là vì người Venezuela đã chứng kiến nhiều cuộc xung đột chính sách của chính phủ Maduro và phong trào đối lập của Guaidó.

Tuy nhiên, nếu nhóm hòa giải địa phương trên giả thuyết này muốn sao chép một khuôn khổ tích cực về giải quyết tranh chấp, họ chỉ cần trông sang Nicaragua.

Như đã nói ở trên, Nicaragua là một đồng minh của Maduro và tình hình nội bộ nước này có những đặc điểm rất giống với cuộc khủng hoảng ở Venezuela.

Tại Nicaragua, các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội hiện nay đã bắt đầu giữa Alianza Cívica Nicaragua và chế độ độc tài Ortega-Murillo.

Thậm chí trước khi tiến hành đàm phán, Chính phủ Nicaragua đã thả 100 tù nhân chính trị, theo yêu cầu của Alianza, như một dấu hiệu thể hiện sự thiện chí giữa hai bên.

Trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc khủng hoảng ở Nicaragua, một kế hoạch cho các hoạt động đàm phán đã được đề xuất và đa số các điểm nêu trong kế hoạch này đã được nhất trí.

Mặc dù đây chỉ là khởi đầu của các cuộc hòa đàm, triển vọng của các cuộc đàm phán trong tương lai có vẻ sáng sủa.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là thời gian có thể là một yếu tố khi cố gắng sao chép mô hình này; Nicaragua đã trải qua tình trạng bất ổn trong vài năm qua và giờ đây mới bắt đầu thiết lập khuôn khổ cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã diễn ra trong vài năm; có thể cần phải tiếp tục bất ổn để một trong các bên bắt đầu sử dụng chiến thuật hòa giải. Với diễn biến mới đây nhất là sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Venezuela, có thể không có cơ hội để xuống thang một cách hòa bình.

Tuy nhiên, nếu có bất cứ cơ hội nào để mang lại hòa bình, điều đó nằm trong đường biên giới của quốc gia Nam Mỹ này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục