Cuộc sống của bà con Việt kiều Công giáo ở Chanthaburi

Bà con Việt kiều theo Công giáo đã trở thành một cộng đồng trụ cột, đóng góp nhiều cho sự phát triển về mọi mặt của Chanthaburi (Thái Lan).
Cuộc sống của bà con Việt kiều Công giáo ở Chanthaburi ảnh 1Thánh đường Chanthaburi. (Ảnh: Hà Linh/Vietnam+)

Chanthaburi lâu nay vẫn được biết đến như một trung tâm đá quý và là vườn trái cây của cả Thái Lan. Nhưng điều thật sự cuốn hút du khách tới đây lại chính là vẻ đẹp quyến rũ của Thánh đường thiên Chúa giáo và một cộng đồng người Việt Nam từng góp phần xây dựng nên Thánh đường này.

Chanthaburi cách thủ đô Bangkok hơn 200km về phía Đông. Tỉnh này nằm sát biên giới với Campuchia và từng bị người Pháp chiếm đóng và cuối thế kỷ 19. Những ảnh hưởng của họ đã được gắn với nét kiến trúc của nhiều công trình trong tỉnh, đặc biệt là Thánh đường thiên Chúa giáo lớn nhất Thái Lan này, nơi gắn liền với cuộc sống của bà con Việt kiều từng di cư sang Thái Lan trong thế kỷ 20.

Cách đây hơn 300 năm, một nhóm khoảng 130 người Việt Nam đầu tiên đã vượt biển đến an cư lập nghiệp tại đây. Họ đã gắn bó với mảnh đất này để hình thành nên một cộng đồng người Việt vững mạnh với gần 9.000 thành viên.

Hiện nay, bà con Việt kiều theo Công giáo tại đây đã trở thành một cộng đồng trụ cột, đóng góp nhiều cho sự phát triển về mọi mặt của Chanthaburi. Những người Việt cùng người dân bản địa sống quây quần bên nhau dọc theo bờ sông Chăn và ở quanh Thánh đường thiên Chúa giáo. Nhiều phong tục, tập quán văn hóa hòa trộn với nhau tạo cho khu làng cổ của người Việt trở thành một không gian hữu nghị, thân thiện và bình yên.

Anh Apichart Kitthanathat, hướng dẫn viên tại Thánh đường Chanthaburi, cho biết: "Bà còn người Việt ở đây hàng ngày vẫn đi lễ Nhà thờ hai buổi vào 6 giờ sáng và 7 giờ tối. Riêng ngày Chủ Nhật, Nhà thờ mở thêm một buổi nữa vào 8 giờ 30 để đón người vào lễ. Đây là những hoạt động bình thường. Ngoài ra, nhà nào có đám cưới hay đám ma cũng đều mang vào Nhà thờ tổ chức. Phần lớn người Việt sống tập trung xung quanh Nhà thờ vì ở đây có cả trường học cho trẻ con. Hiện tại, bà con người Việt ở đây làm rất nhiều nghề, nhưng chủ yếu vẫn là nghề đá quý bởi Chanthaburi được coi là trung tâm đá quý nổi tiếng của thế giới."

Những người Việt ở khu vực này vì nhu cầu cuộc sống và mưu sinh nên họ phải hội nhập với cộng đồng lớn hơn, mạnh hơn do đó đã làm giảm bớt việc giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đến thế hệ hiện nay hầu như không còn ai nói được tiếng Việt, ngoài một số người cao niên chỉ nghe và nói được vài từ.

Tuy nhiên, họ vẫn luôn hướng về quê hương đất nước Việt Nam. Có người còn mở quán ăn Việt Nam như một sự thể hiện truyền thống, cốt cách người Việt trên quê hương thứ hai của họ. Vào những ngày lễ hội, người dân ở đây nói rằng họ vẫn lấy các bộ áo dài dân tộc ra mặc và làm các món ăn Việt Nam để thể hiện tình yêu quê hương.

Anh Wisnu Pardissilp, chủ quán ăn Việt Nam, nói: "Quán chúng tôi mở phần lớn phục vụ người Thái ở mọi nơi qua đây chơi, thăm quan Thánh đường Chanthaburi và cộng đồng người Việt sống quanh nơi này. Ngoài ra, còn có cả một số người nước ngoài, trong đó có người Việt Nam, đi buôn bán đá quý tại Chanthaburi cũng ghé qua đây và tới quán này để thưởng thức các món ăn hương vị Việt Nam.

Các món ăn ở đây được nấu hoàn toàn theo kiểu Việt Nam. Nguyên liệu làm thức ăn chủ yếu được mua ở đây, chỉ có một số gia vị được nhập từ Việt Nam hoặc nhờ người Việt Nam qua đây cầm theo. Trước khi mở quán này, gia đình chúng tôi vẫn làm các món ăn Việt Nam trong các dịp lễ tết. Việc mở quán này là sự khẳng định rằng mặc dù đã xa quê hương rất lâu rồi, nhưng chúng tôi vẫn nhớ về Việt Nam."

Những người Việt theo Công giáo sang đây định cư đã trở thành nền móng cho sự phát triển Thiên Chúa giáo tại Thái Lan, một xứ sở của Phật giáo. Thánh đường này của họ được thiết kể theo kiểu Gothique, trông gần giống các nhà thờ ở Hà Nội, với cửa kính được nhập thẳng từ Pháp về. Trần nhà được mô phỏng hình dạng đáy thuyền để ghi nhớ việc người Việt vượt qua biển cả đến đây và định cư tại Chanthaburi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục