Cuộc song hành của thơ và ngôn ngữ đồ họa

Một lần nữa, Lê Thiết Cương và Đoàn Ngọc Thu lại song hành trong một cuốn sách mà ở đó ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ đồ họa/minh họa dường như không thể tách rời...
Cuộc song hành của thơ và ngôn ngữ đồ họa ảnh 1Họa sỹ Lê Thiết Cương và nhà thơ Đoàn Ngọc Thu trong buổi ra mắt tập thơ "Vé một lượt." (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại sân thơ Văn miếu Quốc Tử Giám trong Ngày Thơ 2014, giữa một "rừng sách" có một tập thơ bỗng nhiên nổi bật lên, không chỉ bởi cái màu bìa khá đặc biệt: xanh cốm mà còn ở cái khổ "không giống kiểu gì" ngang phè, vừa đúng như một trang A4 nằm ngang...

Lạ nữa là dù to đùng đoàng thế, nhưng "Vé một lượt"- tên tập thơ và tên tác giả - Đoàn Ngọc Thu, lại rất "khiêm tốn" nằm nhỏ bé như một cọng cỏ trong cánh đồng xanh mênh mông...

Chẳng cần lật trang ra để xem, thì cũng biết, phong cách trình bày tối giản độc đáo đó không thể của ai khác ngoài họa sỹ Lê Thiết Cương.

Và vậy là một lần nữa, Lê Thiết Cương và Đoàn Ngọc Thu (bạn văn vẫn gọi là Thu Không) lại song hành trong một cuốn sách mà ở đó ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ đồ họa/minh họa dường như không thể tách rời...

Lê Thiết Cương, gã họa sỹ nổi tiếng về tài, về "dị," về khó tính và quá... kỹ tính, chưa nhận lời thiết kế trình bày cho tập thơ của ai hai lần. Thế nhưng, anh lại dành ưu ái đặc biệt cho nhà thơ Đoàn Ngọc Thu đến lần thứ ba với “Vé một lượt," sau "Muộn""Quá giang."

“Nếu chỉ là người làm thơ rất hay thì cũng chưa chắc tôi đã làm thiết kế cho người ta đến những ba quyển. Nếu chỉ là bạn bè thôi thì cũng chẳng cần làm nhiều đến như thế. Ở đây nó là cả hai điều đó cộng lại. Tôi không đánh giá thơ Thu hay hay dở vì tôi không phải là nhà bình luận thơ. Nhưng là người đọc thì thơ của Thu đúng là kiểu mà tôi thích, hợp với tạng của tôi,” Lê Thiết Cương chia sẻ về mối lương duyên của mình với người phụ nữ có cá tính mạnh cả trong thơ lẫn ngoài đời như vậy.

Rõ ràng, họ đã "gặp" nhau giữa muôn vàn dòng chảy trong đời sống. Khi thế giới đầy trừu tượng của một họa sỹ và thế giới ảo đấy mà đời đấy của một nhà thơ đã vô tình chạm đến cái đẹp trong nhau rồi... tụ lại.

Thơ Thu giản dị, không lên gân nhưng giống như con tằm nhả kén. Mỗi lời đều như rút ruột gan, thấm thía, trữ tình... Xuyên suốt từ "Thầm thì sông trăng," " Chuyến hoang tưởng chiều mưa," rồi đến "Muộn,” “Quá giang” và giờ là “Vé một lượt” độc giả sẽ thấy hiển hiện chân dung một người đàn bà yêu với đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Chân dung ấy lại càng được khắc họa rõ nét bởi sự "dị" đến cực đoan của cách trình bày xuyên suốt bám chặt vào thơ cũng như tính cách thơ Thu của Lê Thiết Cương.

Ba tập thơ mà chẳng cuốn nào không dị biệt. Dị biệt với tất cả các cuốn sách có trên thị trường thời điểm đó cũng như cho đến tận bây giờ. Dị biệt cả giữa ba tập thơ của Thu, dẫu từ cuốn đầu "Muộn" - 2001 đến "Vé một lượt" - 2013 là một quãng thời gian không hề ngắn.

Lê Thiết Cương bảo, các tập thơ anh nhận thiết kế cho Đoàn Ngọc Thu giống như những “món ăn” khác nhau mà anh muốn mời khách quý thưởng thức mỗi lần đến nhà. Với tư cách họa sỹ, Lê Thiết Cương đã vô cùng cầu kỳ, chi tiết để giúp cô bạn nhà thơ của mình thêm trọn vẹn trong cuộc "chơi chữ" và cũng là tạo cho mình một tác phẩm đồ họa hoàn hảo như ý của anh.

“Tập thơ ‘Muộn’đầu tiên tôi chọn cách trình bày kiểu đồ họa chữ, tức là thay vì vẽ minh họa thì tôi dùng chính bản thân bài thơ để biến nó thành tác phẩm đồ họa. Tập thơ đầu tiên giống như cuộc triển lãm ra mắt của một họa sỹ, như là lần ra album đầu tiên của một người ca sỹ, như một chén rượu đầu tiên, như là những khoảnh khắc yêu đương nhăng nhít đầu tiên... Tất cả những gì đầu tiên, hay hay dở thì vẫn là “lần đầu,” vô cùng quan trọng nên tôi muốn nó phải thật đặc biệt.”

Đó là cách mà anh đã tâm tình và đồng điệu với bạn, với những “cơn bão” trong thơ Thu. Cương bảo, vào thời điểm đó, anh không phải là người đầu tiên làm kiểu đồ họa chữ như thế nhưng cũng rất ít người làm, ít người chú trọng.

Mọi người thường chỉ chọn cách in mực đen trên giấy trắng đơn giản, thế là xong. Anh thì khác. Bởi Cương luôn là gã họa sỹ chẳng giống ai, chẳng cần giống ai. Và làm sách với Cương thì cũng cần bản lĩnh "dám chơi" đó.

"Muộn" in khổ vuông to ngoại cỡ, bìa đen, chữ đỏ, ruột màu vàng nhạt. Các bài thơ bài chữ to, bài chữ nhỏ, có bài đến 3-4 cỡ chữ, font chữ khác nhau. Ví dụ như bài "Thằng gù,"Cương thiết kế cong y như hình tượng Quasimodo. 

Hay ở "Cỏ" thì lại nhọn sắc như chính những ngọn cỏ tình đang đâm lên làm đau nhói kẻ bội bạc...

Cuộc song hành của thơ và ngôn ngữ đồ họa ảnh 2"Quá Giang" của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

"Quá giang"được chọn tranh của Cương làm bìa. Minh họa trong tranh anh cũng đã bán hết.

"Quá giang" được Cương làm như một con đò chở đi những nỗi niềm Thu gửi trong thơ, nặng lắm mà nhẹ lướt qua cõi ba đào, trong trắc trở của duyên, của phận.

“Hai tập đầu tôi không được tham gia hoàn thiện sản phẩm từ đầu đến cuối (anh chỉ thiết kế và copy vào USB rồi đưa cho tác giả đi chọn giấy và in ấn-PV), chính điều bất lợi này phần nào làm cho sản phẩm chưa có sự thống nhất hoàn toàn,” họa sỹ chia sẻ.

Rút kinh nghiệm, lần thứ ba anh giao hẹn nếu Thu không để mình thực hiện từ “A đến Z” nhất định sẽ không làm. Vì thế chính anh là người đã đọc bản thảo, sau đó nghĩ ra “concept” chung cho thiết kế bìa, minh họa, thiết kế trang trong, thiết kế bìa gấp rồi đến chọn giấy.

Khâu quan trọng nhất với một cuốn sách là đọc dò, gia công để hoàn thiện sách anh cũng phải sát sao rất chi ly. Bởi, với sự cầu toàn duy mỹ, anh muốn “Vé một lượt” của nhà thơ Đoàn Ngọc Thu không chỉ là tác phẩm thơ mà nó còn là tác phẩm đồ họa hoàn chỉnh.

Trong “Vé một lượt” in khổ ngang với rất nhiều khoảng nghỉ, các cột chữ được dồn về một bên khá khiêm tốn so với các khoảng giấy trắng xuyết suốt cả tập thơ... rất giống với tinh thần tối giản trong hội họa của anh. Dường như lần minh họa này cũng chính là cách anh thể hiện tối đa sự đồng điệu tâm hồn với tác giả.

Lê Thiết Cương cho hay: “Tôi vẽ tranh theo quan niệm hội họa tối giản và quan niệm nghệ thuật ấy theo trong tất cả những gì tôi làm. Quan niệm nó đã là cái tạng, là máu thịt của mình. Và theo tôi đó cũng là cái Thu cần, độc giả yêu thơ Thu cần. Những khoảng lặng, không gian thoáng đãng, an lành để tĩnh tâm, sống chậm và tận hưởng đến tận cùng hơi thở của cuộc sống, của tình nhân ái, của văn hoá truyền thống Việt...

Hỏi anh có định sẽ tiếp tục đồng hành cùng nhà thơ Đoàn Ngọc Thu ở tập thơ thứ tư nữa không, anh cười bảo: “Tôi chỉ sợ Thu không làm nữa thôi. Đâu phải dễ để có thể ra được một tập thơ. Ra một tập thơ giống như người họa sỹ ra một cuộc triển lãm, khó lắm!”

Còn Đoàn Ngọc Thu, chị bảo, nếu ra sách, nhất định phải là Cương làm thiết kế, không thì thôi, bởi, không ai thẩm thơ Thu như cách của Cương. Anh đọc, ngẫm, hiểu rồi mới làm sách. Bất chấp khen chê của giới văn chương vốn bảo thủ và đơn giản về hình thức, tôi thật sự "yêu" tác phẩm của Cương làm cho mình.

Và tôi thì tôi tin, họ sẽ còn đồng hành với nhau bởi, Thu sẽ còn viết, còn yêu đắm say để "đổ" vào thơ. Và Cương - như cái cách anh nói về bài "Bão" trong "Vé một lượt" thì nhất định anh sẽ lại tìm thấy một kiểu trình bày khác lạ trên nỗi niềm của Thơ. Để Thơ không chỉ là thơ mà còn là một tác phẩm hội họa, và hội họa đã chọn được một chất liệu không mới nhưng rất nhiều đất dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục