Cuộc sống người dân trên “nóc nhà” ở tỉnh Cao Bằng

Núi Phja Dạ ở huyện Bảo Lạc được mệnh danh là nóc nhà của Cao Bằng, cuộc sống của dân dưới chân núi còn nhiều khó khăn thiếu thốn.

Núi Phja Dạ ở huyện Bảo Lạc được mệnh danh là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng, bởi độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển.

Người ta ít khi nhìn thấy đỉnh Phja Dạ bởi quanh năm mây phủ trắng núi. Đường xá xa xôi hiểm trở, cơ sở vật chất chưa được đầu tư, cuộc sống của người dân dưới chân Phja Dạ còn nhiều khó khăn thiếu thốn và những câu chuyện kể về Phja Dạ ly kỳ, lạ lẫm như chuyện từ mấy mươi năm về trước.

Là phóng viên thường trú nhiều năm tại địa phương, tôi đã đi gần hết những nơi thâm sơn cùng cốc của tỉnh Cao Bằng nhưng vẫn chưa một lần được đặt chân đến Phja Dạ. Điều đó cứ day dứt trong lòng như một món nợ khó trả cho đến một ngày cuối tháng 11 này, tôi quyết định một mình lên Phja Dạ.

Từ trung tâm thành phố Cao Bằng, ròng rã gần 2 ngày, chuyển đủ các loại phương tiện ôtô, xe máy, cuốc bộ băng rừng lội suối, chúng tôi mới đến được Phja Dạ.

Dọc đường đi, gặp một người đàn ông đi xe máy ngược chiều, tôi tìm đến hỏi đường, hóa ra anh là Ma Văn Thướng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Sơn Lập, đang trên đường ra huyện để họp. Thấy tôi chỉ có một mình lên Phja Dạ, anh Thướng bảo: "Đường đi khó lắm, nhà báo cứ tìm vào nhà dân xin nghỉ nhờ đã, để tôi gọi về cử cán bộ xuống đón."

Theo lời anh Thướng, tôi vào nhà dân xin nghỉ nhờ, đến gần trưa hôm sau, có cán bộ đến đón. Đó là chị Nông Thị Vi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị mở ba lô lấy áo mưa, cơm nắm, bông băng… ra và bảo tôi: "Những thứ này đem theo vì lên Phja Dạ đường rừng sẽ cần dùng đến." Nói rồi, chị phăng phăng đi trước dẫn đường.

Đường lên Phja Dạ quả là gian khó. Hết lội xuống khe sâu, lại ngược dốc, luồn vào rừng sâu hun hút. Đến Phja Pàn lên Khuổi Tâư, những dãy núi đá nhọn hoắt bỗng chuyển màu đen như dàn chông khổng lồ. Trời đang nắng bỗng tối sầm, đổ mưa. Lúc này, tôi mới nhận thấy chiếc áo mưa chị Vi đưa lúc nãy quả là quý giá. Hai chị em tìm gốc cây chăng áo mưa, nghỉ ăn cơm dưới cơn mưa rừng xối xả.

Chị Vi bảo, đường này đến ngựa thồ cũng khụyu chân, không đi nổi. Năm 2008, xã mới thành lập chỉ có 8 cán bộ vì nhiều người được phân công lên đây không đủ sức khỏe và sự chịu đựng gian khó. Từ cân muối, mỡ, gạo, dầu hỏa, cá mắm… đều cõng trên vai leo núi, ròng rã mấy năm rồi. Nhiều núi cao, vực sâu, nên đường vào xã thi công đã hơn 3 năm mà đến nay vẫn chưa hoàn thành…

Tạnh mưa, hai chị em tiếp tục lên đường. Đến xóm Phja Pàn - Khuổi Tâư, lối đi chỉ đặt vừa bàn chân, đá tai mèo nhọn hoắt lởm chởm. Có đoạn phải xoay ngang người bám theo vách đá, nếu một nửa bàn chân chệch choạc sẽ ngã xuống vực. Vách đá cao vút, nhiều khe nhỏ sâu hút xuống vực, muốn qua được khe, bà con phải gác cây gỗ, đẽo thành bậc để leo qua. Những cây gỗ đi nhiều, lên nước bóng nhoáng, trơn trượt khi nước mưa dội lên.

Chị Vi vai đeo đồ nặng trĩu nhưng bước chân vẫn đi thoăn thoắt, bước đi chính xác như có mắt ở chân, còn tôi nín thở dò từng bước chân trên cây gỗ bắc qua khe núi, sợ túa mồ hôi. Chị Vi nhắc tôi cẩn thận vì đã từng có nhiều người trượt ngã. Đã bao năm qua, những cây gỗ bắc qua khe núi sâu kia thay con đường “gồng gánh” hàng vạn lượt bước chân của bà con, cán bộ, giáo viên.

Đến chân Phja Dạ, trung tâm xã Sơn Lập, quang cảnh hiện ra giống như trụ sở xã của những năm thế kỷ trước. Trụ sở xã vẻn vẹn 3 dãy nhà gỗ tạm chật hẹp, phòng làm việc cũng là nơi nghỉ cho cán bộ. Trường học, nhà giáo viên, trạm y tế xã… đều là nhà tạm, cột gỗ, vách ken bằng nứa hở hoác, siêu vẹo.

Không có điện, chiều xuống, bản làng chìm dần trong rừng núi thâm u. Tối nhẹm mặt người, bà con vẫn đeo gùi, tay nải đến tìm cán bộ xã. Thấy lạ, tôi hỏi Vừ A Tủa, xóm Khuổi Tâư: "Sao muộn thế mà anh mới đến gặp cán bộ xã?" A Tủa thật thà đáp: "Nhà tao ở mãi tít trên núi. Chỉ khi có phiên chợ mới xuống núi, tranh thủ làm luôn việc với xã. Tối cũng được mà, cán bộ ở đây làm việc cả ngày cả tối mà."

"Cán bộ xã làm việc cả đêm à, lạ quá." Thắc mắc của tôi được chị Hiếu, cán bộ văn hóa xã xác nhận. Chị giải thích: Nhà xa quá nên cán bộ xã nghỉ luôn tại đây, không về nhà nữa, thứ Bảy, Chủ nhật cũng làm việc luôn. Nếu có việc cần tuyên truyền phổ biến, cán bộ xã phải vác gạo, muối đi mấy ngày đến bản mới tuyên truyền được cho bà con.

Buổi tối, tôi và các anh chị cán bộ xã quây quần bên bếp củi nướng cá mắm, xào rau rừng, nấu canh rau bí… Vừa nấu bữa tối, mọi người vừa treo điện thoại di động lên cao trên xà nhà để đón sóng. Chỉ có trên xà nhà điện thoại mới bắt được một vạch sóng mà nhận tin nhắn từ người thân. Sáng hôm sau, tôi mới gặp Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Phát, anh vừa vượt qua quãng đường hơn 60km để ra huyện họp. Cả đi và về 120km.

Anh Phát tâm sự, đã 5 năm từ ngày thành lập xã, mọi công việc ở đây vẫn vô cùng gian nan. Từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, xóa đói đói nghèo cho bà con... Sơn Lập như một vùng tách biệt với thế giới bên ngoài bởi núi cao rừng thẳm. Đường quá xa, nên cũng không mấy đứa trẻ được đi học. Vì thế người mù chữ còn nhiều lắm. Tìm người biết tiếng Kinh, biết chữ để làm trưởng xóm đã khó, tìm người học đến trung học phổ thông để làm cán bộ xã lại càng khó hơn.

Sơn Lập có 257 hộ/1.700 nhân khẩu, đồng bào dân tộc H'Mông, Dao chiếm 98%. Xã thành lập từ năm 2008, tách ra từ xã Sơn Lộ, là vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng. Nơi đây hơn 70% dân số thuộc diện nghèo đói, chưa có điện, đường, trường, trạm, chợ, sóng điện thoại… Cuộc sống du canh du cư, phá rừng làm nương rẫy, tập tục sản xuất lạc hậu, sinh đẻ nhiều con vẫn còn đeo bám nơi đây (nhiều hộ hộ sinh từ 5-9 con).

Từ khi tách xã, cán bộ xã đã tích cực vận động bà con định canh định cư, trồng giống ngô, lúa mới năng suất cao, làm ruộng nước bậc thang, mở chăn nuôi bò, lợn đen… Tập trung nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ giống cây, con, phân bón, làm nhà kiên cố… cho bà con ổn định cuộc sống.

Đến nay, bà con đã định cư, cái ăn tạm đủ. Bọn trẻ no cái bụng đã tích cực đi học hơn. Nhưng đời sống bà con vẫn tự cung tự cấp, cái khó cái nghèo vẫn gay gắt triền miên.

Chia tay Sơn Lập, câu nói của anh Phát cứ làm tôi day dứt mãi: Không biết đến bao giờ đường ô tô mới vào đến Sơn Lập nhỉ? Đúng vậy, chỉ khi nào đường đến nơi, cái khó, cái khổ của bà con nơi đây mới được đẩy lùi./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục