Cuộc tranh chấp Titanic: Sắp đến hồi kết?

Nhà đại dương học Mỹ tìm thấy Titanic năm 1985, ngay sau đó bắt đầu nổ ra cuộc tranh chấp quyết liệt con tàu và tài sản nằm trên tàu.
Từ Titanic một lần nữa lại xuất hiện trên trang nhất các tờ báo phương Tây. Nhưng mối quan tâm đến con tàu vượt đại dương không phải là do chuyện mới đây người ta đã rắc xuống nước Đại Tây Dương tro cốt của bà Millvina Dean, 98 tuổi, vị hành khách còn sống cuối cùng của Titanic, mà là do phiên tòa mới bắt đầu tiến hành ở Mỹ. Phiên tòa này sẽ đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh chấp kéo dài lâu nay về việc ai là chủ sở hữu con tàu đắm. Chính xác hơn, không phải sở hữu con tàu đang nằm ở dưới 4.000m nước biển mà là hàng nghìn cổ vật vô cùng quý giá nằm trên tàu. Nhà đại dương học Mỹ Robert Ballard tìm thấy Titanic năm 1985 dưới đáy Đại Tây Dương, ở cách đảo Newfoundland của Canada 650km về phía Đông-Nam. Ngay sau đó bắt đầu nổ ra cuộc tranh chấp quyết liệt con tàu và tài sản nằm trên tàu. Con tàu Titanic, đóng từ năm 1909 đến năm 1911 thì hoàn thành, ban đầu thuộc về White Star Line, hãng đóng tàu lớn nhất nước Anh thời bấy giờ. Tuy nhiên sau ngày con tàu đắm, 14/4/1912, hãng Cunard là đối thủ cạnh tranh và chuyên về các hành trình xuyên đại dương, đã mua lại White Star. Việc này dắt dây mọi sự rối rắm về pháp lý xung quan con tàu, đặc biệt là vào cuối thế kỷ trước, khi Сunard được sang nhượng cho tập đoàn Anh - Mỹ Сarnival Corporation. Kết cục, dường như hãng RMS Titanic Inc (RMST) của Mỹ đã giành được lợi thế trong cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm liền. Hãng này được trao quyền tổ chức tìm kiếm, tạm thời bảo quản và trưng bày 5.900 cổ vật được vớt lên qua 6 đợt lặn xuống tàu. Đợt đầu tiên được tiến hành năm 1987, còn đợt cuối cùng là vào năm 2004. Tuy vậy cả RMST lẫn công ty mẹ là Premier Exhibitions vẫn chưa được thừa nhận là chủ nhân thực sự của các cổ vật nằm trên tàu Titanic. Bây giờ RMST muốn để tòa án thành phố Norfolk, bang Virginia, Mỹ hiện đang xem xét vụ án, sẽ ra quyết định cuối cùng trao cho hãng các cổ vật đã vớt và sẽ vớt lên từ con tàu Titanic. Điều này cho phép RMST và Premier Exhibitions bán các cổ vật để bù đắp khoản chi phí kiếm tìm - trục vớt lên tới 225 triệu USD. Mọi việc phức tạp hơn khi Bộ Ngoại giao Mỹ và Cơ quan Quốc gia Mỹ về Đại dương và Khí quyển (NAOA) can thiệp vào công việc vốn đã không đơn giản liên quan đến con tàu đắm và kho báu dưới nước. Chính phủ liên bang dĩ nhiên không thể lệnh cho tòa án phải phán quyết thế nào nhưng điều này không cản trở họ coi Titanic là tài sản toàn dân (của Mỹ) và chống lại mọi quyết định chia năm sẻ bảy tài sản trên tàu cho các nhà sưu tập tư nhân, điều mà RMST và Premier Exhibitions đang hướng tới. Một số chuyên gia pháp lý cho rằng không nên coi Titanic là tài sản của một quốc gia nào mà thuộc về toàn nhân loại. Washington cũng muốn thiết lập tiền lệ quan trọng đối với những vật sẽ tìm thấy dưới biển trong tương lai bởi các vấn đề pháp lý liên quan đến những kho báu dưới nước vốn rất rối rắm. Nói thêm, Washington và London đã ký hiệp định song phương, theo đó Titanic phải được coi là kỷ vật lịch sử và phải được bảo vệ khỏi những người tìm kiếm kho báu lậu. Nhà đại dương học Robert Ballard muốn Titanic được để yên. Ông phản đối việc để cho các đoàn khách du lịch lặn xuống con tàu đắm, đặc biệt là tổ chức đám cưới cho một cặp uyên ương người Mỹ mới đây. Ông cũng chỉ trích vô số các chiến dịch tìm kiếm quanh con tàu. Nếu Titanic còn bị “quấy rối” thì lâu nhất là sau nửa thế kỷ nữa con tàu sẽ vỡ ra từng mảng.
 Tai nạn đắm tàu Titanic là một trong những thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử ngành hàng hải. Chiếc tàu Titanic đi từ châu Âu sang Bắc Mỹ đã va vào tảng băng trôi lúc 11 giờ 40 đêm ngày 14 tháng 4 năm 1912 và chìm hai tiếng sau vào lúc 2:20 sáng ngày 15 tháng 4 năm 1912. Trong số hơn 2200 hành khách và thủy thủ đoàn, hơn 1500 người đã chết vì nước lạnh. Vụ tai nạn đã là chủ đề của nhiều công trình nghiên cứu, phim ảnh, tiểu thuyết, thi ca từ lúc bị chìm cho đến nay. Khám phá quá trình xảy ra tai nạn, việc tổ chức đưa hành khách lên xuồng cứu sinh, chiến dịch cứu hộ, những người anh hùng và những bài học rút ra từ vụ đắm tàu là điều mà mọi người rất quan tâm.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục