Cuộc tranh giành ảnh hưởng Nga-Mỹ mở rộng sang Địa Trung Hải

Liệu Nga và Mỹ có thể thành công trong việc mở rộng liên minh và tầm ảnh hưởng vốn có, hoặc thúc đẩy các liên minh và tầm ảnh hưởng mới trong lúc vẫn ngáng chân đối thủ của mình hay không?
Tàu thăm dò dầu khí Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Bắc quận Paphos của CH Cyprus, ngày 24/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu thăm dò dầu khí Fatih của Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai ở vùng biển ngoài khơi phía Tây Bắc quận Paphos của CH Cyprus, ngày 24/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng asiatimes.com, tháng 3/2019, Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp và Israel đã ký tuyên bố ba bên về việc tăng cường hợp tác an ninh khu vực, tập trung vào tự chủ năng lượng và phối hợp trong một dự án vận chuyển khí tự nhiên từ phía Đông Địa Trung Hải đến châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đánh giá tuyên bố này là “cực kỳ đúng thời điểm” và là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Nga nhằm chia cắt Trung Đông giờ đây đang mở rộng sang Địa Trung Hải.

Động thái tiếp theo trong cuộc chiến quyền lực địa chính trị này diễn ra một tháng sau đó tại Washington, với việc ban hành Đạo luật An ninh Đông Địa Trung Hải và Quan hệ Đối tác Năng lượng 2019 (kể từ đó được gọi là sáng kiến hợp tác 3+1).

Đây là dự luật được lưỡng đảng ủng hộ, theo đó hỗ trợ toàn phần cho tuyến đường ống vận chuyển năng lượng và tăng cường hợp tác an ninh với 3 nước tại khu vực này.

Tháng 6/2019, Thượng viện Mỹ đã thông qua việc sửa đổi Đạo luật Cấp thẩm quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA), gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã tồn tại nhiều thập kỷ với Cộng hòa Cyprus.

Sau đó, trong tháng này, Moskva đã “khuấy động” truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ về tiềm năng hợp tác giữa các công ty của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại các mỏ khí đốt ở Đông Địa Trung Hải.

Hầu hết các chuyên gia về dầu mỏ và khí đốt đều thống nhất quan điểm rằng Dự án Tuyến đường ống Đông Địa Trung Hải chỉ là một “giấc mộng viển vông.”

Dự án có kinh phí khoảng 7 tỷ USD và Cộng hòa Cyprus, Hy Lạp, Israel không thể hy vọng thu lại được số tiền đó bằng việc bán khí đốt cho châu Âu vì họ không thể cạnh tranh được với giá bán của Nga.

[Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Israel và Mỹ tăng cường hợp tác năng lượng]

Vấn đề chưa được giải quyết giữa Cộng hòa Cyprus và Thổ Nhĩ Kỳ khiến các công ty dầu khí không muốn tham gia, dẫn đến việc dự án không hề mang tính khả thi về mặt thương mại.

Tuy nhiên, sự ủng hộ nhiệt tình của Mỹ không phải là nhằm tập trung phát triển tuyến đường ống vận chuyển mà vào việc tập hợp các đồng minh, tận dụng tầm ảnh hưởng và bảo vệ nguồn cung năng lượng.

Tháng 3/2019, ông Pompeo đã cảnh báo về việc “các quốc gia theo chủ nghĩa xét lại như Iran, Nga và Trung Quốc đang giành vị trí quan trọng ở cả phía Đông và phía Tây.”

Ông nói thêm rằng đối với Mỹ, Israel, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp là “các nước đối tác lớn và then chốt với an ninh và thịnh vượng.”

Mỹ đã tìm cách hạn chế nguồn cung khí đốt của Nga cho châu Âu bằng cách đe dọa trừng phạt với các công ty của châu Âu tham gia phát triển dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic.

Giờ đây, Mỹ đang tìm cách lôi kéo Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus - 2 quốc gia có mối quan hệ gần gũi, lâu năm với Nga - vào phạm vi ảnh hưởng của Mỹ thông qua sáng kiến 3+1.

Dự luật được đề xuất này đưa ra nhiều ưu đãi, như khoản viện trợ quân sự hàng triệu USD cho quân đội của 2 nước và gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Cộng hòa Cyprus.

Đổi lại, Mỹ muốn Cộng hòa Cyprus phá vỡ một thỏa thuận hồi năm 2015 cho phép chiến hạm của Nga cập bến cảng của Cộng hòa Cyprus.

Mỹ hiện có một căn cứ quân sự ở vịnh Souda trên đảo Crete nhưng vẫn muốn mở rộng sự hiện diện trên lãnh thổ Hy Lạp.

Một hạm đội máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đã được điều đến căn cứ quân sự của Anh ở đảo, nhằm sẵn sàng dàn trận ở Syria.

Trong khi đó, Nga đã tiến hành các hành động “ve vãn” địa chính trị, thúc đẩy mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc hợp tác xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ và tới các nước phía Nam châu Âu, và gần đây nhất là việc bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

[Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiếp tục các hoạt động ở Địa Trung Hải]

Tại Liban, công ty Novatek của Nga là 1 trong 3 công ty giành được quyền khai thác khí đốt ở ngoài khơi bờ biển Liban.

Tính đến tháng 1/2019, công ty này đã kí kết một hợp đồng 20 năm với chính phủ Liban để duy trì và mở rộng lắp đặt mỏ dầu ở thành phố Tripoli.

Nga tiếp tục đề xuất các thỏa thuận và viện trợ quân sự với Liban (dù chưa được chính phủ Beirut chấp thuận) và gần đây muốn đứng ra làm trung gian hòa giải về tranh chấp biên giới trên biển giữa Liban và Syria.

Nga cũng tập trung hành động ở Ai Cập và Israel - 2 đồng minh trung thành của Mỹ - bằng cách kí kết nhiều thỏa thuận vũ khí với Ai Cập và duy trì hiện diện ở mỏ khí đốt Zohr, nằm dưới vùng biển của Ai Cập và là mỏ khí đốt lớn nhất của Địa Trung Hải được phát hiện, tính tới thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, cuộc chiến Nga-Mỹ không chỉ dừng lại ở đất liền, trên biển, các đường ống dẫn hay các thỏa thuận quân sự mà còn liên quan tới Giáo hội Chính thống.

Trong lịch sử, giáo hội đã gắn kết Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus với Nga nhưng gần đây họ có xu hướng ngả về phía Mỹ.

Liệu Nga và Mỹ có thể thành công trong việc mở rộng liên minh và tầm ảnh hưởng vốn có hoặc thúc đẩy các liên minh và tầm ảnh hưởng mới trong lúc vẫn ngáng chân đối thủ của mình hay không vẫn cần chờ xem.

Trong khi đó, các động thái “điều binh khiển tướng” của hai bên vẫn tiếp tục diễn ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục