Cước vận tải của Việt Nam cao gấp ba lần so với Hàn Quốc

Giá cước vận tải ở Việt Nam về mức giá thì không cao nhưng tính trên thu nhập bình quân đầu người, cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc.
Cước vận tải của Việt Nam cao gấp ba lần so với Hàn Quốc ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)

Mặc dù giá nhiên liệu đầu vào giảm mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng các đơn vị kinh doanh vận tải vẫn chưa thực hiện kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải phù hợp gây bức xúc trong dư luận.

Đây chính là lý do chiều 13/11, tại Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức tọa đàm về chủ đề “Giá cước vận tải và giải pháp giảm giá cước vận tải” với sự tham gia của Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và các đơn vị liên quan.

Theo báo cáo của Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), từ đầu năm 2014 đến nay, Liên Bộ Tài chính-Công Thương đã 13 lần điều chỉ giá xăng và 19 lần điều chỉnh giá dầu (trong đó xăng 5 lần tăng giá, 8 lần giảm; dầu diezen 4 lần tăng giá, 15 lần giảm giá). Như vậy, qua các lần điều chỉnh, giá xăng dầu hiện nay đã giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2013.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho biết giá cước vận tải ở Việt Nam về mức giá thì không cao, mức giá cước phí vận tải hàng hóa ở Việt Nam là 0,148 USD/tấn/km, so với Hàn Quốc là 0,766 USD/tấn/km. Nhưng cước phí vận tải hàng hóa trên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là 0,012%, trong khi Hàn Quốc chỉ là 0,04%, tức theo thu nhập bình quân, cước phí vận tải của Việt Nam cao gấp 3 lần của Hàn Quốc.

Theo ông Khuất Việt Hùng, trong bối cảnh giá xăng giảm liên tiếp nhưng giá vận tải vẫn “bất động,” Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải phối hợp rà soát, kiểm tra cách tính giá của doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá cước cho phù hợp khi giá nhiên liệu giảm.

Cũng theo ông Khuất Việt Hùng, tổng chi phí vận tải của Việt Nam chiếm khoảng 11,8% GDP theo nghiên cứu của ngân hàng Thế giới trong khi đó của Mỹ vào khoảng dưới 4,5%, Singapore vào khoảng 4,8%, của EU khoảng 5,8% và của Nhật khoảng 6%. Vì vậy, nếu giảm được chi phí vận tải thì sẽ đóng góp rất nhiều cho chi phí sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết thông tư hướng dẫn của Liên Bộ Tài Chính-Công Thương về việc thực hiện giá cước vận tải bằng xe ôtô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ có hiệu lực thi hành từ này 1/12/2014, trong tháng 11/2014, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các cơ quan, đơn vị có liên quan về quản lý giá cước vận tải tại địa phương để tổ chức kiểm tra, rà soát một số đơn vị kinh doanh vận tải lớn trên địa bàn. Yêu cầu các đơn vị kê khai và thực hiện giá cước phù hợp với giá điều chỉnh nhiên liệu nhằm chấn chỉnh công tác quản lý giá cước vận tải bằng xe ôtô.

Theo đại diện của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), hiện tổng công ty đang phải cạnh tranh với hơn 30 hãng hàng không trên thế giới. Vì vậy, giá cước sẽ do thị trường quyết định. Đối với thị trường trong nước, Vietnam Airlines đang áp dụng chính sách đa dạng hóa giá vé với 7-8 mức giá phổ thông.

Đại diện Tổng công ty vận tải đường thủy thì cho rằng giảm giá nhiên liệu nhưng các chi phí khác thì lại tăng. Giá cước vận tải hiện nay chủ yếu là theo thị trường, rất nhạy cảm. Có thể nói, giá xăng dầu có rất nhiều lần tăng và giảm nhưng số ngày giảm thấp hơn số ngày tăng. Giá nhiên liệu giảm khoảng 9%; số ngày giảm rất ngắn.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết giá cước được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Tổng cục đường bộ rà soát về giá cước. Đối với các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh cần phối hợp với các đơn vị tăng cường quản lý giá cước trên địa bàn.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Sở Giao thông Vận tải trước 30/11 vận động các doanh nghiệp vận tải tại địa phương kê khai lại giá cước vận tải.

Ông Vương Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đã có 4/11 đơn vị taxi thực hiện kê khai; 6/6 đơn vị xe buýt thực hiện kê khai giá cước.

Với các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, ngay sau khi giá nhiên liệu tăng thì giá cước vận tải cũng không tăng ngay do sự cạnh tranh rất khốc liệt giữa các hãng để giữ hành khách. Mặc dù giá nhiêu liệu chiếm từ 30-40% giá vé, nhưng các chi phí khác lại rất khó xác định (vật tư, phụ tùng, nhân công...).

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, kiểm tra kê khai giá cước rất khó khăn. Vận tải hành khách tuyến cố định là phức tạp, không phải đơn thuần về giá mà còn ở chất lượng phục vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục