50 hộ một số nhà

Cười ra nước mắt chuyện 50 hộ chung một số nhà

19 năm trời sống trong cảnh nhà “không số”, người dân tổ 23A Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội đã phải chịu bao chuyện bi hài.
19 năm trời sống trong cảnh nhà “không số”, hàng ngày phải chịu đựng mùi hôi thối ngày một khó chịu từ hồ Ba Mẫu, người dân tổ 23A, phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) bao năm qua còn phải cõng thêm một núi rác thải ngay sát sườn.

Đó chỉ là một phần những câu chuyện dở khóc dở cười mà dự án cải tạo hồ Ba Mẫu đã “đem lại” cho bà con suốt gần 2 thập kỷ qua.

Tìm nhà khó bằng… lên trời

Con đường nhỏ dẫn vào tổ 23A phường Phương Liên những ngày mưa lõng bõng bùn đất. Khó khăn lắm, chúng tôi mới tìm được nhà của bà Nguyễn Thị Liên – Tổ trưởng tổ dân phố 23A phường Phương Liên.
 
Thở dài chỉ về phía hồ Ba Mẫu trước nhà, bà Liên tâm sự: “19 năm trước, dự án cải tạo hồ Ba Mẫu làm bà con nơi này ai cũng khấp khởi. Công việc cũng được xúc tiến nhanh lắm, mấy trăm hộ dân lại càng mừng. Nhưng chẳng hiểu sao, đang làm dở thì dự án bỗng ngừng giữa chừng, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng cả chục năm rồi”.

“Với nhà thầu, việc dừng công trình thì dễ lắm nhưng để rồi trăm cái khổ lại đổ lên chúng tôi cả thôi”, bà Liên ngao ngán tiếp lời.

Về câu chuyện số nhà, bà Liên nhớ lại: “Trước đây, tổ này có hơn 100 hộ dân đều chung địa chỉ là tổ 23A. Kêu gọi mãi, đầu năm nay, một nửa số hộ được đánh số nhà riêng, còn lại một nửa thì vẫn phải chờ, thành ra muốn tìm được nhà trong tổ dân phố này mà không có người dẫn đường thì chịu chết”.

Hỏi chuyện bà tổ trưởng tổ dân phố, chúng tôi được nghe những câu chuyện thật như đùa. Bà kể, cứ đến mùa thi đại học là cả khu lại “nhộn nhịp” hẳn lên. Chuyện giấy báo dự thi “lạc nhà” là bình thường. Nhiều nhà chờ mãi không được, sốt ruột quá lên tận trường hỏi thì mới hay nhà trường đã gửi giấy báo thi tới 2 lần nhưng đều bị trả lại vì không tìm được địa chỉ.

Bà Liên còn nhớ rõ câu chuyện cười ra nước mắt rằng: Có một ông già quê xa lên tìm họ hàng. Quanh co trong ngõ tới tận tối xẩm vẫn không sao tìm ra nhà người quen, may có đứa bé đi qua thấy vậy mới dắt ông sang nhà bà Liên nhờ bà chỉ nhà cho. Ở tổ dân phố này, đường vào từng nhà chỉ có bà Liên là tỏ tường.

“Bởi thế, thành ra tôi kiêm luôn công việc hoa tiêu của tổ dân phố. Từ chị thu tiền điện thoại tới anh thu tiền nước hay khách ở nơi xa đến, tất tật tôi đều phải chỉ đường giúp. Có người chỉ rồi vẫn không sao tìm được nhà, tôi lại phải dắt người ta tới tận nơi”, bà Liên cười tếu táo.

Ngay cả chủ tịch phường sở tại, ông Bùi Minh Hoàng cũng thừa nhận với chúng tôi ông đã “bó tay” với ma trận nhà khu vực này.

“Mỗi lần phải xuống làm việc với tổ 23A, chúng tôi đều phải nhờ cô Liên dẫn đi”, ông Hoàng nói.

Điệp khúc lấn chiếm và đợi chờ

Hiện nay, ngoài hiện tượng 50 hộ chung 1 số nhà, tại khu vực nói trên còn phát sinh rất nhiều nhà tạm, thậm chí… không mang số. Trước kia, đây đều là những bãi đất hoang chờ cải tạo thành dự án công viên quanh hồ Ba Mẫu. Tuy nhiên, do thời gian “treo” quá lâu, nhiều người dân tứ xứ đã liều mình “nhảy dù” dựng nhà ở tạm.

Đi một vòng quanh khu vực này, chúng tôi gặp không ít ngôi nhà xiêu vẹo dựng tạm bợ với đôi hàng gạch thô và vài tấm bạt cũ đã ngả màu trắng bợt.

Bà Liên cho biết, mặc dù gọi là ở tạm nhưng tính đến nay, những ngôi nhà như thế cũng đã tồn tại được gần chục năm rồi.

“Những ngày nắng thì còn đỡ chứ mưa xuống thì nhìn mấy bức tường dựng tạm bợ cứ như sắp đổ ập xuống đầu người qua lại. Người già như tôi đi qua thì cứ phải né sát sang phía bên kia con đường, kẻo mất mạng lúc nào chẳng hay”, bà Liên kể.

Theo quan sát của chúng tôi, tổ 23A hiện nay đã phình to ra hơn so với ban đầu của nó. Xuất hiện bên cạnh hơn 100 ngôi nhà cũ là một loạt cửa hàng vật liệu xây dựng, thu mua sắt vụn… được rào chắn tạm bợ bằng tôn, sắt đã rỉ sét lâu ngày.

Ngay cả con đường dẫn vào tổ dân phố do lâu ngày không cải tạo nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Chắn ngay trước đó là một bãi rác khổng lồ mà theo phản ánh của bà Liên là đã có tuổi thọ “gần 20 năm”.

“Có hôm, người ta đốt rác giữa đêm khiến cả xóm không ai ngủ được. Sáng ra dội nước cả ngày cũng không sao dập dứt điểm được”, bà Liên than thở.

Về vấn đề này, chủ tịch phường Phương Liên, ông Bùi Minh Hoàng cũng tỏ ra không mấy lạc quan. Ông cho biết, hiện dự án cải tạo hồ Ba Mẫu đã qua 6 lần sửa bản vẽ thiết kế và 4 lần thay đổi chủ đầu tư. Cán bộ địa chính của phường hàng ngày phải xử lý một loạt giấy tờ chuyển nhượng viết bằng tay.

“Chúng tôi cũng mong mỏi thành phố sớm giải quyết hiện trạng còn tồn tại ở khu vực này. Ít nhất cũng nên giải quyết vấn đề số nhà cho dân”, ông Hoàng nói.

Đó cũng chính là ước mong đơn giản nhưng khó thực hiện của hàng trăm cư dân sống tại tổ dân số 23A phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội./.

Dũng Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục