Cuốn sách 'Nói hay Đừng': Di sản của cây bút bình luận Trần Đức Chính

Cuốn sách tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự… được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo của "cây bút" gạo cội Trần Đức Chính tức Lý Sinh Sự.

Buổi ra mắt sách của nhà báo Trần Đức Chính tức Lý Sinh Sự. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Buổi ra mắt sách của nhà báo Trần Đức Chính tức Lý Sinh Sự. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngày 18/6, tại Hà Nội, đồng nghiệp và gia đình nhà báo Trần Đức Chính (Lý Sinh Sự) giới thiệu cuốn sách “Nói hay Đừng” tập hợp hơn 100 bài viết ở các thể loại bình luận, tiểu phẩm báo chí, phóng sự… được lựa chọn từ hơn 6.000 bài báo của ông.

Cuốn sách được xuất bản đúng dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm tri ân những đóng góp to lớn của nhà báo Trần Đức Chính, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Lao động, nguyên Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận, trong suốt 40 năm cống hiến cho nền báo chí Việt Nam.

Sách dày 472 trang, chia thành 4 phần, tập hợp 68 bài bình luận, tiểu phẩm báo chí đã đăng trên mục “Nói hay Đừng” của báo Lao Động từ năm 1995 đến 2012 (bút danh Lý Sinh Sự); 12 phóng sự với bút danh Trần Chinh Đức; 57 bài viết tản mạn “chuyện dọc đường” với bút danh Hà Văn.

_TT_3046.JPG
Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Buổi ra mắt cuốn sách vắng mặt tác giả vì lý do sức khỏe, nhưng bạn bè, đồng nghiệp đã cùng nhau chia sẻ những câu chuyện đẹp và ấm áp về ông.

Nhà báo Lưu Quang Định, nguyên Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, chủ biên của cuốn sách, cho hay ý tưởng thực hiện cuốn sách đến từ tình cảm của những người được nhà báo Trần Đức Chính hướng dẫn và dìu dắt trong nghề.

“Ông sinh ra để làm báo, viết như không, viết như chơi, sâu sắc và dí dỏm. Ông cũng là một trong những người hoạt ngôn nhất mà tôi từng gặp,” nhà báo Lưu Quang Định nói.

_TT_3291.JPG
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhà báo Lưu Quang Định (thứ nhất và thứ hai từ trái sang), thành viên nhóm biên soạn cuốn sách. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, một thành viên của nhóm soạn thảo cho hay nhà báo Trần Đức Chính là người dạy anh viết phóng sự, là một người thầy có ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của anh rất nhiều.

Với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, điều anh tâm đắc nhất khi cùng bạn bè, đồng nghiệp thực hiện cuốn sách là “chúng tôi muốn nói gì và học hỏi gì từ ông.” Mong muốn lớn nhất của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng và nhóm biên soạn là giữ được những bài báo của ông, có những bài từ thời chưa có báo điện tử, để giúp các nhà báo thế hệ sau học hỏi.

“Chúng tôi muốn giữ gìn và lan tỏa giá trị của các bài báo này, những bài báo sâu sắc, hóm hỉnh đúng chất báo chí. Tôi vẫn thường trích dẫn bài viết của tác giả Lý Sinh Sự khi trao đổi nghiệp vụ với sinh viên và các phóng viên trẻ,” nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nói.

Cuốn sách do Nhà xuất bản Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt ấn hành./.

Nhà báo Trần Đức Chính sinh năm 1944 tại Hà Nội. Ông là sinh viên Khoa Văn khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từ 1968-1972, ông là phóng viên chiến trường tại Vĩnh Linh (Quảng Trị) và đường mòn Hồ Chí Minh. Ông từng học Đại học Văn hóa Leningrad (Liên Xô cũ). Ông công tác tại báo Lao Động từ cuối năm 1967. Năm 1994, trên mục “Nói hay Đừng” của báo Lao Động bắt đầu xuất hiện cái tên Lý Sinh Sự gắn liền với những bài bình luận theo phong cách “thích gây sự” - dám tuyên chiến với thói hư tật xấu ở đời. Những bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của một vài tờ báo khác.

Tác giả Lý Sinh Sự chính là nhà báo Trần Đức Chính. Ông đã giữ chuyên mục “Nói hay Đừng” trong suốt 20 năm. Cho đến khi đã về hưu, ở tuổi 70, ông vẫn đều đặn viết bài cho chuyên mục này với văn phong vô cùng ổn định, sắc bén.

Trong cuốn “Hãy viết tiểu phẩm” (Nhà xuất bản Thông tấn, 2007), nhà báo Trần Đức Chính cho rằng khi người đọc đã “no xôi chán chè" các loại thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và thường là trùng lặp nhau giữa các báo, thì tiểu phẩm báo chí mang lại phút thư giãn, một chút kích thích “tính chiến đấu” của mọi công dân trước thói hư tật xấu ở đời, chống tiêu cực nói chung và xoáy mũi nhọn vào bọn tham nhũng. Và ông chốt lại: “Tất cả các tờ báo nên có chuyên mục này.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục