Cựu Bộ trưởng Y tế Nhật trở thành thị trưởng Tokyo

Ông Yoichi Masuzoe đã nhận được hơn 2,11 triệu phiếu trong cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo hôm 9/2, đánh bại hai ứng cử viên nặng ký khác.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Yoichi Masuzoe đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử thị trưởng Tokyo hôm 9/2, đánh bại hai ứng cử viên nặng ký phản đối điện hạt nhân, trong đó có cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa.

Ông Masuzoe, 65 tuổi, đã nhận được hơn 2,11 triệu phiếu trong cuộc bầu cử, giúp ông đảm bảo chắc chắn vị trí người đứng đầu thủ đô của Nhật Bản, nơi có số dân hơn 13 triệu người.

Cựu Bộ trưởng Y tế Nhật trở thành thị trưởng Tokyo ảnh 1Tân thị trưởng Tokyo Yoichi Masuzoe. (Nguồn: AFP?TTXVN)

Con số này nhiều hơn tổng số phiếu của hai ứng cử viên Kenji Utsunomiya, 67 tuổi, cựu Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Nhật Bản - người đứng thứ hai bị bỏ lại khá xa, và ông Hosokawa, 76 tuổi, về thứ ba.

Là ứng cử viên độc lập được liên minh cầm quyền do đảng Dân chủ Tự do (LDP) đứng đầu ủng hộ, ông Masuzoe cho biết ông sẽ biến Thế vận hội Tokyo 2020 thành kỳ thế vận hội tuyệt vời nhất trong lịch sử Olympic.

Ông cũng cam kết sẽ vận dụng kinh nghiệm là người đứng đầu Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi giai đoạn 2007-2009 để đưa Tokyo trở thành thành phố số một thế giới trong các lĩnh vực như ngăn chặn thảm họa, phúc lợi xã hội, kinh doanh và giáo dục.

Ông còn đề ra những cam kết tranh cử khác như xử lý triệt để tình trạng một số lượng lớn các em nhỏ bốn tuổi phải chờ đi học mẫu giáo, cũng như tăng tỷ lệ năng lượng tái sinh trong tổng lượng điện năng sử dụng lên 20% so với 6% như hiện nay.

Cuộc bầu cử lần này được cho là một cuộc trưng cầu dân ý gián tiếp về tương lai chính sách năng lượng của Nhật Bản khi cựu Thủ tướng Hosokawa bước vào cuộc đua sau khi thành lập một liên minh hiếm hoi với cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi để tìm cách chấm dứt việc sản xuất năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, các cử tri rõ ràng đã tập trung sự chú ý nhiều hơn vào các vấn đề khác như biện pháp đối phó với tình trạng lão hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp.

Cả ứng cử viên Hosokawa và Utsunomiya đều bày tỏ ý định chấm dứt sử dụng điện hạt nhân vốn được các chính đảng đối lập ủng hộ. Ông Hosokawa đặc biệt nhấn mạnh quan điểm chống điện hạt nhân, trong khi ông Utsunomiya lại coi vấn đề năng lượng hạt nhân ngang bằng với các vấn đề khác.

Theo Ủy ban bầu cử Tokyo, số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu lần này đạt 46,14%, giảm so với 62,6% trong cuộc bầu cử trước đó hồi tháng 12/2012 và là mức thấp thứ ba trong lịch sử thành phố Tokyo.

Trận mưa tuyết kỷ lục đổ bộ vào Tokyo và nhiều nơi khác ở Nhật Bản hôm 8/2 khiến người dân ngại đi bầu cử vào ngày hôm sau.

Tỷ lệ phiếu thấp dẫn đến xu hướng một ứng cử viên có thể nhận được sự ủng hộ của các nhóm cử tri với độ chênh lệnh tương đối. Ông Masuzoe đã nhận được sự ủng hộ không chỉ của hai đảng cầm quyền mà của cả Tổng Liên đoàn Lao động Nhật Bản, hay còn gọi là Rengo.

Tổng cộng có 16 ứng cử viên tham gia tranh cử lần này nhằm lựa chọn gương mặt đại diện cho Tokyo thay thế người tiền nhiệm Naoki Inose từ chức hồi tháng 12/2013 vì đã nhận 50 triệu yen từ Tập đoàn chuỗi bệnh viện Tokushukai, doanh nghiệp dính líu đến một vụ gian lận bầu cử khác.

Ông Inose đã nhận được 4,33 triệu phiếu hồi tháng 12/2012, số phiếu kỷ lục và là chiến thắng đánh dấu nỗ lực thành công của Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội mùa Hè 2020./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục