Cứu các làng nghề thoát cơn bĩ cực

Các làng nghề đang rơi vào tình thế khó khăn giống như người trong cơn bệnh nặng. Muốn cứu làng nghề thoát khỏi tình trạng nguy kịch này cần hai “vị thuốc”: vốn và thị trường.

Các làng nghề đang rơi vào tình thế khó khăn giống như người trong cơn bệnh nặng. Muốn cứu làng nghề thoát khỏi tình trạng nguy kịch này cần hai “vị thuốc”: vốn và thị trường.

"Tiếp máu" khẩn cấp

Đồng vốn được ví như “máu”' của nền kinh tế, nhưng “máu”' của các làng nghề đang bị cạn kiệt.  Việc hình thành một chính sách hỗ trợ tài chính, tín dụng riêng cho các làng nghề đang đặt ra bức bách. Nhiều kiến nghị nêu ra tại cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các làng nghề, do Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 11/2, phần nào hé mở nội dung của chính sách này.

Theo ông Đinh An Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Trường Tiến, nên đưa Quỹ tín dụng nhân dân ở các xã vào diện được hỗ trợ lãi suất, bởi vốn vay của các cơ sở sản xuất tại nhiều làng nghề chủ yếu dựa vào "kênh" này. Trong số 17.000 tỷ đồng kích cầu mà Chính phủ công bố, nên dành một tỷ lệ đáng kể để cứu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại các làng nghề.

"Hỗ trợ bằng miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không hiệu quả, vì doanh nghiệp đang không có lãi. Cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dựa trên các tiêu chí như doanh số của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; quy mô sử dụng lao động; quỹ lương trả cho người lao đong”, ông Trung đề xuất.

Còn ông Lê Văn Khoa, một chủ doanh nghiệp thêu tay ở Hà Nội, kiến nghị nên có cơ chế khoanh nợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề. Trong lúc nguy cấp này mà yêu cầu họ phải trả xong nợ cũ mới cho vay thì chắc chắn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không có cơ hội tiếp cận với vốn.

Trong cơ chế tín dụng, tài chính hỗ trợ làng nghề có thể tính đến việc mở rộng các hình thức tín chấp thay vì bắt buộc phải thế chấp hiện nay. Cũng nên xem xét phương án hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian nhất định, nhằm giúp các cơ sở sản xuất có điều kiện sớm tiếp cận với vốn. Dồn các nguồn vốn xóa đói giảm nghèo, dạy nghề cũng như nhiều khoản tín dụng khác trong các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ làng nghề lúc này cũng là một hướng gỡ bí về vốn.

Khơi thông "đầu ra"


Có vốn khôi phục sản xuất, nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm sẽ càng đẩy các làng nghề vào cảnh khó khăn chồng chất. Bởi vậy, đồng thời với mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho các làng nghề, cần có giải pháp khơi thông đầu ra.


Theo ông Lê Văn Khoa, nhà nước cần hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới thông qua các chuyên đề cụ thể như trên cơ sở tính toán mặt hàng nào do các làng nghề làm ra vẫn còn khả năng tiêu thụ, mang lại giá trị lớn, giải quyết nhiều việc làm, thì ưu tiên tìm đầu ra trước. Đã ít kinh phí mà làm dàn trải, không trọng tâm thì vừa tốn tiền lại không hiệu quả. Chính phủ cũng cần chỉ đạo các bộ, ngành đơn giản hóa ngay thủ tục xuất khẩu những mặt hàng do làng nghề làm ra.

Kinh nghiệm cho thấy, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở các làng nghề có được hợp đồng trị giá hàng triệu USD từ khách hàng nước ngoài qua thông tin đăng tải trên website của làng nghề. Việc làm này không quá phức tạp, lại ít tốn kém, nên các làng nghề chớ bỏ lỡ cơ hội xúc tiến thương mại thông qua “chợ” điện tử.

Để tạo thêm nguồn lực giúp các làng nghề sớm tìm được thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo Cục chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối rà soát ngay để có thể cắt giảm một số chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài chưa thực sự cấp bách, nhằm có kinh phí hỗ trợ làng nghề tìm đầu ra. Trong các chương trình xúc tiến thương mại của Bộ, ưu tiên lồng ghép việc quảng bá, tiếp thị cho các sản phẩm làng nghề.

Bộ cũng đề nghị Bộ Tài chính xem xét dành một khoản kinh phí giúp các làng nghề tìm kiếm thị trường, sớm khơi thông đầu ra.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để tăng hiệu quả cho việc tìm kiếm thị trường trong thời gian sớm nhất, các hiệp hội ngành nghề tích cực phối hợp với Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tóm tắt Đề án xúc tiến thương mại cho làng nghề. Phấn đấu vào cuối tháng 2 này hoàn tất để có thể sớm triển khai.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ 38 tỉnh, thành, hiện đã có 9 làng nghề chính thức phá sản, 124 làng nghề đang sản xuất cầm chừng do gặp khó khăn (chiếm khoảng 10% tổng số các làng nghề).

Các làng nghề phá sản trước mắt đã làm ít nhất hơn 2.170 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh bị phá sản theo, trong đó có tới gần 1.400 hộ sản xuất thuộc các ngành nghề nông thôn, hơn 460 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng (chiếm 16%). 


Tính đến hết tháng 12/2008, tổng số dư nợ của làng nghề, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất tại 38/63 tỉnh, thành gần 2.170 tỷ đồng.

(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục