Cựu chiến binh Hải Dương tương trợ nhau phát triển kinh tế

Thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng đã và đang được các cấp Hội Cựu chiến binh Hải Dương triển khai tích cực.
Cựu chiến binh Hải Dương tương trợ nhau phát triển kinh tế ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo là một trong những nội dung quan trọng đã và đang được các cấp Hội Cựu chiến binh Hải Dương triển khai tích cực.

Từ phong trào này, khơi dậy trong hội viên ý thức tự lực, vượt khó vươn lên cũng như sự đoàn kết, tương thân tương ái, gắn bó nghĩa tình đồng đội.

Tự lực và năng động

Ở xã Hiệp Cát (Nam Sách, Hải Dương), nơi Hội Cựu chiến binh khá hùng hậu với 453 hội viên, có nhiều mô hình cựu chiến binh tiêu biểu trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Một trong nhiều gương sáng có thể kể đến là ông Phạm Văn Tin (sinh năm 1958). Ông Tin đi bộ đội từ năm 1978-1982. Trở về quê hương đúng vào thời điểm khó khăn, phát huy phẩm chất người lính, ông bắt tay vào công cuộc lấp vùng trũng, làm nhà, làm vườn, chăn nuôi lợn, gia cầm, đào ao nuôi cá.

Gia đình ông luôn duy trì đàn lợn thịt 50 con. Từ đầu năm đến nay, ông đã xuất chuồng 10 tấn lợn thịt, mang lại nguồn thu trên 50 triệu đồng.

Ông Tin còn chịu khó học hỏi kỹ thuật chăn nuôi và đầu tư áp dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Thu nhập từ chăn nuôi lợn, gà, đào ao thả cá đã mang lại cho ông mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Không ngừng học hỏi, ông Tin luôn tận dụng tham gia tất cả các lớp tập huấn do Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh xã tổ chức lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Ông chú ý hơn đến việc đầu tư xử lý môi trường ao để cá không bị dịch bệnh. Có thêm nhiều kiến thức chăn nuôi, ông Tin ngày càng chú trọng đến xử lý chất thải trong chăn nuôi lợn.

Từ năm 2000, ông đã đầu tư xây bể biogas. Quy mô chuồng trại mở rộng, năm 2013, ông đầu tư tiếp bể thứ hai. Nhờ vậy, ông đã tiết kiệm được đáng kể cho việc đun nấu đến sưởi ấm vật nuôi mùa rét.

Không chỉ riêng ông Tin, ở Hiệp Cát còn nhiều cựu chiến binh tiêu biểu trong vượt khó làm giàu, như cựu chiến binh Nguyễn Văn Thìn, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Diệt (thôn Kinh Dương), cựu chiến binh Nguyễn Văn Ngạp và cựu chiến binh Nguyễn Văn Quang (thôn Kim Độ). Mỗi năm, thu nhập từ các mô hình sản xuất, kinh doanh của những hộ này đều đạt trên 100 triệu đồng.

Hiệu quả từ nhiều cách hỗ trợ

Theo ông Trịnh Bá Quân - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiệp Cát, Hội đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động để cựu chiến binh giúp các hội viên làm kinh tế, cụ thể triển khai tới sáu Chi hội việc gây dựng Quỹ hội viên.

“Việc gây quỹ này đã duy trì được đều đặn từ năm 1990 đến nay. Hiện mỗi hội viên đóng góp 350.000 đồng/nhiệm kỳ. Có Chi hội đời sống hội viên khá giả, mức đóng góp còn lên đến 450.000 đồng/người,” ông Quân phấn khởi.

Theo ông Phạm Văn Tin, vì nguồn quỹ có hạn nên những hội viên khá giả như ông đã vay ngân hàng, nhường suất vay cho các hội viên có điều kiện khó khăn hơn mình.

Từ nguồn Quỹ Hội viên, các chi hội triển khai ưu tiên cho các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn mượn hoặc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Nhờ vậy, đời sống và thu nhập của các gia đình hội viên từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, mỗi năm, Hội Cựu chiến binh kết hợp cùng Hội Nông dân xã tổ chức hai đợt chuyển giao khoa học kỹ thuật, tập huấn cho hội viên cách chăn nuôi, hướng dẫn cách phòng dịch bệnh đối với đàn gia súc, gia cầm... “Lớp học nào hội trường xã cũng thu hút đông hội viên dự học,” ông Quân kể.

Cách làm của cựu chiến binh xã Hiệp Cát chỉ là một trong nhiều cách hội cựu chiến binh các cơ sở ở tỉnh Hải Dương triển khai hiệu quả phong trào cựu chiến binh thi đua giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo trong thời gian qua.

Theo Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương, các cấp Hội đã vận động các hộ gia đình hội viên cựu chiến binh gương mẫu thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng kinh tế hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất.

Tỉnh Hội đã đứng ra tín chấp các nguồn vay ngân hàng cho hội viên vay, dư nợ tính đến hết tháng 9/2014 đạt 376 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 5 năm qua, đã thành lập được Hội Doanh nghiệp cựu chiến binh tỉnh và các huyện, thị, thành phố có câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh, cựu quân nhân với 563 hội viên.

Các hội viên Hội Cựu chiến binh thi đua làm kinh tế đã góp phần làm giàu cho gia đình, quê hương, làm tốt các hoạt động tình nghĩa. Tỷ lệ hội viên Hội Cựu chiến binh nghèo đã giảm từ 4,1% (năm 2009) xuống còn 2,63%, tỷ lệ hội viên cựu chiến binh khá, giàu đạt gần 68%.

Trong 5 năm qua (2009-2014), các cấp Hội đã ủng hộ các hoạt động từ thiện, tình nghĩa lên đến trên 12 tỷ đồng.

Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương xác định từ nay đến năm 2020, nội dung thi đua giúp nhau làm kinh tế, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chăm lo quyền, lợi ích chính đáng cho hội viên vẫn sẽ là nhiệm vụ quan trọng của các cấp Hội.

Tỉnh Hội đề ra mục tiêu mỗi năm giảm từ 1-2% tỷ lệ hộ cựu chiến binh nghèo, có 70% số hội viên khá và giàu, hoàn thành cơ bản việc xóa nhà dột nát cho cựu chiến binh.

Để đạt được mục tiêu đó, các cấp Hội tổ chức phát động thi đua, thi đua theo cụm, thường xuyên đôn đốc các tổ chức Hội, gắn các chỉ tiêu thi đua với việc triển khai thực hiện việc hội viên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; nhân rộng điển hình, kết hợp thi đua với động viên khen thưởng các điển hình kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục