Cựu chiến binh tự mở bảo tàng kỷ vật chiến tranh

Gần 5 năm nay, ông Vũ Đình Lưu lặn lội từ Bắc vào Nam để đi tìm những kỷ vật của đồng đội để giữ gìn và mở ra một bảo tàng tư nhân.
Chiến tranh đã đi qua nhưng có những con người vẫn từng ngày, từng giờ tìm kiếm những mảnh ghép của quá khứ để giữ gìn và truyền lại cho thế hệ mai sau về một thời hào hùng của dân tộc và ông Vũ Đình Lưu, một cựu chiến binh hiện đang sinh sống ở thành phố Nam Định là một con người như thế.

Gần 5 năm nay, ông đã lặn lội từ Bắc vào Nam để đi tìm những kỷ vật của đồng đội, những kỷ vật của một thời chiến tranh bom đạn để giữ gìn và mở ra một bảo tàng tư nhân với cái tên “Bảo tàng kỷ vật chiến tranh” tại số 9/17 đường Đặng Việt Châu, thành phố Nam Định.

Hành trình tìm kiếm kỷ vật chiến tranh của người cựu chiến binh

Sinh năm 1945, vào bộ đội năm 1967, ông Vũ Đình Lưu đã từng tham gia 3 chiến dịch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Lào. Năm 1974 ông phải trở về quê hương với thương tật loại 2. Sau khi xuất ngũ, ông đi học ở Liên Xô rồi tiếp tục theo học ở trường Đảng chính trị Nguyễn Ái Quốc. Đến năm 1982, ông làm việc tại Nhà máy đồ hộp xuất khẩu Nam Định. Sau đó, ông chuyển sang công tác tại Liên hiệp Nông - Công nghiệp rau quả Quảng Nam - Đà Nẵng bao gồm một Nhà máy chế biến đồ hộp ABICA và 3 Nông trường quốc doanh vào năm 1985. Năm 1991 ông làm Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Nam Hà cho tới năm 2002 ông về hưu.

Cuối tháng 4/2007, tình cờ trong một chuyến đi cùng các đồng đội cũ vào thăm lại chiến trường xưa ở Quảng Trị. Chứng kiến đồng đội khóc khi nhìn thấy chiến trường xưa, thấy những kỷ vật mà những đồng đội đã hy sinh để lại, ông đã cảm thấy rất xúc động trước tình cảm của người lính.

Lúc đó, ông đã nảy ra ý tưởng tại sao không xây dựng một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật chiến tranh về một thời kháng chiến oanh liệt, những khó khăn, vất vả của người lính " Bộ đội Cụ Hồ" trong các cuộc chiến tranh. Nó cũng là bức tranh về một thời kỳ đạn bom khói lửa nhưng anh hùng của cả dân tộc để mọi người có thể lui tới thăm quan, tìm hiểu về đất nước trong những năm tháng đó.

Đồng thời cũng là nơi để các đồng đội, những người đã bước ra từ chiến tranh có thể lui tới, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Từ ý tưởng đó, trước sự động viên và ủng hộ nhiệt tình của đồng đội, ông Vũ Đình Lưu đã bước vào hành trình dài tìm kiếm những kỉ vật chiến tranh của mình.

Ban đầu, khi bảo tàng chưa ra đời, những kỷ vật đầu tiên ông tìm được ông đều trang trọng cất giữ và bảo quản trong chính ngôi nhà của mình. Đó là những kỷ vật như chiếc ba lô, đôi dép, miếng vải dù hoa, chiếc biđông ...do các bác cựu chiến binh đồng đội cũ đem tặng. Trong đó, có ông Phạm Văn Hợp và ông Trần Ngọc Phương (thành phố Nam Định) đã hiến tặng trên 50 kỷ vật.

Đến cuối năm 2007, ông đã tìm kiếm và thu thập được trên 400 kỷ vật các loại từ khắp mọi miền đất nước. Khi số kỷ vật cứ ngày một tăng lên tới mức ngôi nhà của ông không còn chỗ để trưng bày, ông đã nhờ Bảo tàng tỉnh Nam Định giúp ông làm thủ tục pháp lý để mở một bảo tàng tư nhân.

Trong quá trình chờ Ủy ban Nhân dân tỉnh đồng ý phê duyệt mở bảo tàng ông vẫn vừa phải đi tìm kỷ vật, vừa phải tìm mua đất, xây dựng bảo tàng, đóng tủ, giá đựng kỷ vật và làm các bản thuyết minh, làm hồ sơ lý lịch và phân loại từng kỷ vật xem đó là loại kỷ vật gì? Chất liệu gì? Thuộc loại cũ hay mới? Kích thước từng kỷ vật... Trước những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của ông, ngày 22/12/2007 bảo tàng đã chính thức được mở cửa trong niềm vui của các cựu chiến binh, những người đã hết lòng cho bảo tàng, cho sự ra đời của bảo tàng.

Tiếng lành về một bảo tàng cách mạng tư nhân đặc biệt đã ngày càng được lan rộng không chỉ trong địa bàn tỉnh Nam Định mà còn ở các tỉnh lân cận và trên cả nước. Hàng năm, đã có tới hàng trăm đoàn khách tới thăm bảo tàng từ các tỉnh Hoà Bình, Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa tới Đà Nẵng, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh...Ngoài các đoàn trong nước, rất nhiều người nước ngoài cũng rất quan tâm tới bảo tàng của ông như các đoàn tham quan đến từ các nước: Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hàn Lan, Bỉ...

Đến với bảo tàng, tận mắt chứng kiến sự hoạt động của bảo tàng, tiếp xúc với ông, biết được mong muốn cũng như công việc ông đang làm, nhiều người sau đó khi phát hiện ra kỷ vật đều gọi điện thông báo cho ông. Cũng có nhiều người khi đến bảo tàng có ý định tài trợ, đóng góp cho bảo tàng nhưng ông đều không nhận, ông không muốn hình ảnh đẹp của bảo tàng cũng như công việc ông đang làm bị hiểu sai lệch.

Những mảnh ghép chiến tranh


Kể về hành trình 5 năm đi tìm kỷ vật của mình, ông Vũ Đình Lưu vẫn còn nhớ như in từng mảnh đất ông đã đặt chân, từng con người ông đã tiếp xúc. Dấu chân ông đã in khắp mọi miền Tổ quốc từ Bắc vào Nam. Ông chia sẻ: Từ đèo Hải Vân trở ra tôi đều đi bằng xe máy còn lại những nơi xa quá tôi đi bằng ôtô hoặc tàu tuỳ thuộc vào hoàn cảnh khác nhau. Những kỷ vật được trưng bày trong bảo tàng của ông đều rất đặc biệt, có hồn và rất sống động. Bởi đối với mỗi kỷ vật ông đều tìm hiểu thật kỹ về nó như nằm ở đâu, ai sử dụng, nằm ở chiến trường nào?...Chính vì vậy, mỗi kỷ vật đều có ở đằng sau nó một câu chuyện hết sức cảm động.

Trong quá trình tìm kiếm kỷ vật, ông nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội là cựu chiến binh sinh sống ở nhiều tỉnh trên cả nước. Và quan trọng nhất là sự giúp đỡ của mọi người khắp mọi miền đất nước khi họ biết được công việc của ông. Tuy nhiên, do tuổi đã cao, lại mang thương tật trong người nên công cuộc tìm kiếm kỷ vật ở những vùng đất xa xôi, hẻo lánh như Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang, Nghệ An, Thanh Hóa...rất vất vả. Bên cạnh đó, đất nước đã trải qua thời kỳ chiến tranh mấy chục năm, kỷ vật nằm trong người dân cũng bị thất lạc nhiều nên việc tìm kiếm là vô cùng khó khăn. Nhiều kỷ vật quý may mắn được tìm thấy thì cũng đã bị hỏng. Không những vậy, kinh phí cho việc đi lại tìm kiếm cũng là vấn đề khó khăn vì ông đều phải tự túc lo tất cả.

Gần 5 năm đi thu thập kỷ vật chiến tranh, đến nay bảo tàng của ông đã có 957 kỷ vật; trong đó được phân chia ra làm 3 thời kỳ là thời kỳ kháng chiến chống Pháp khoảng 100 kỷ vật, kháng chiến chống Mỹ 557 và thời kỳ bao cấp là 300 kỷ vật. Điều đặc biệt ở bảo tàng của ông là mỗi kỷ vật đều có một câu chuyện đằng sau nó. Đó có thể là câu chuyện về tình đồng đội, tình mẫu tử, về mối tình của một anh bộ đội và một cô dân quân, hay những câu chuyện về tình người, về lòng tốt của con người trong thời kỳ bao cấp...Trong đó có nhiều kỷ vật gắn với những câu chuyện hết sức cảm động như chiếc lọ thủy tinh đựng những hạt đỗ của mẹ Việt Nam anh hùng Tạ Thị Uôn ở Trung Thành, Vụ Bản, Nam Định.

Ông Lưu kể: Khi người con trai thứ 3 của mẹ vào bộ đội, mỗi ngày mẹ đều bỏ vào lọ một hạt đỗ để tính xem bao giờ con về, nhưng mẹ mới chỉ bỏ được nửa lọ thì nhận được tin con trai đã hy sinh. Hay chiếc giáo búp đa của ông Lê Văn Hoàng ở Kim Bản, Hà Nam. Ngày 23/8/1945 ông đã dùng chiếc giáo này cùng nhân dân vùng lên cướp chính quyền để bàn giao chính quyền cho cách mạng...

Theo ông Lưu hiện nay việc bảo quản kỷ vật gặp rất nhiều khó khăn. Như kim loại thì phải có biện pháp chống rỉ, vải phải chống mục nát và giấy tờ, máy chữ chống ẩm, mốc, nát. Ông tâm sự: Trước đây, khi chưa có bảo tàng, những ngày trời nắng tôi đều phải đem những kỷ vật như quần áo, giấy tờ ra phơi để tránh ẩm mốc.

Sau khi xây dựng được bảo tàng tôi đã phải trang bị một số máy hút ẩm, máy sấy, điều hòa để tránh cho các kỷ vật bị hư hại. Ông cũng cho biết thêm Cục Di sản Văn hóa và Bảo tàng tỉnh cũng thường xuyên cho các cán bộ, chuyên gia tới giúp ông bảo quản các kỷ vật. Điều làm ông trăn trở là hiện nay vẫn còn khoảng trên 100 kỷ vật ông đã tìm thấy phải để lại ở đèo An Khê, Nghĩa Bình và ở Binh đoàn Tây Nguyên, Buôn Mê Thuột do chưa có điều kiện vào và cũng do bảo tàng giờ đã quá chật chội với gần 1000 kỷ vật trên diện tích 40m2.

Những năm tháng chiến tranh đã đi qua nhưng dư âm của nó thì vẫn còn lại tới muôn đời sau. Hàng ngày, trên chiếc xe máy cũ, ông Lưu vẫn một mình kiên trì, bền bỉ trên hành trình dài bất tận tìm kiếm những kỷ vật chiến tranh để nâng niu, giữ gìn, để cho thế hệ mai sau biết được những hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước để có được ngày hôm nay và ghi nhớ về một thời kháng chiến oanh liệt của cả dân tộc./.

Thùy Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục