Cứu hộ cá thể gấu chó sau 7 năm sống trong “nhà sắt” ở Nam Định

Sáng 18/8, Tổ chức Động vật Châu Á sẽ tiến hành cứu hộ một cá thể gấu chó nặng khoảng 50kg, sau 7 năm “sống mòn” trong cũi sắt của người dân tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Cứu hộ cá thể gấu chó sau 7 năm sống trong “nhà sắt” ở Nam Định ảnh 1Cá thể gấu chó bị nuôi nhốt trong lồng sắt trước khi được cứu hộ. (Nguồn: TCĐVCA)

Thông tin từ Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, sáng nay (18/8), tổ chức này đã tiến hành cứu hộ một cá thể gấu chó nặng khoảng 50kg, sau 7 năm “sống mòn” trong lồng sắt của người dân tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Cá thể gấu chó này đã được một chủ nuôi mua lại của một người không rõ danh tính với mục đích làm cảnh từ khi gấu con chỉ nặng có 1kg, và không có chip đăng ký.

Gần đây, do thay đổi nhận thức và được các cán bộ Kiểm lâm Nam Định cung cấp thông tin về pháp luật đầy đủ, gia đình chủ nuôi đã làm đơn tự nguyện chuyển giao gấu, mong muốn gấu được Tổ chức Động vật Châu Á cứu hộ và chăm sóc tại “ngôi nhà gấu” - Trung tâm cứu hộ gấu ở Vườn Quốc gia Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngay sau khi cứu hộ, cá thể gấu chó được đặt tên là Annemarie, theo tên của chuyên gia - cựu Giám đốc thú y của Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam Annemarie Weegenaar, người đã cống hiến cho công tác cứu hộ gấu Việt Nam trong suốt 8 năm qua.

Theo dự kiến, đoàn cứu hộ của Tổ chức Động vật Châu Á sẽ đưa cá thể gấu chó về đến “ngôi nhà gấu” lớn nhất Việt Nam tại Vườn Quốc gia Tam Đảo vào chiều nay (18/8). Tại đây, cá thể chó này sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khỏe, và tận hưởng cuộc sống ngoài khu bán tự nhiên.

Cứu hộ cá thể gấu chó sau 7 năm sống trong “nhà sắt” ở Nam Định ảnh 2Khu vực cá thể gấu chọ bị nuôi nhốt. (Nguồn: TCĐVCA)

Trước đó, vào ngày 2/8, Tổ chức Động vật Châu Á đã cứu hộ thành công một cá thể gấu ngựa sau hơn thập kỷ sống trong “nhà sắt” ở Lâm Đồng, được công ty Cổ phần Du lịch Đam B’ri, huyện Bảo Lộc, chuyển giao tự nguyện do không đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngay sau khi cứu hộ, cá thể gấu ngựa được đặt tên là Bảo Lâm, ghép từ hai chữ đầu trong địa danh được cứu hộ, đồng thời cũng có nghĩa là bảo vệ rừng. Tại thời điểm cứu hộ, gấu ngựa Bảo Lâm nặng khoảng 110 kg, cao khoảng 1,6 m.

Để đưa được gấu ra ngoài, các chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á đã gây mê và khám lâm sàng cho cá thể gấu này. Kết quả ban đầu cho thấy sức khỏe của Bảo Lâm khá yếu, thậm chí không thể đứng vững bởi khớp hai chi trước đều bị cứng, mắt trái bị đục thủy tinh thể và vỡ 3 cái răng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục