Cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu: Nhà chiến lược - một người hành động

Ấn tượng của nguyên đại sứ Việt Nam tại Singapore về ông Lý Quang Diệu

Cựu đại sứ Việt Nam tại Singapore chia sẻ ấn tượng sâu đậm nhất của ông về vị Thủ tướng đầu tiên của nước Singapore độc lập: Lý Quang Diệu vừa là một nhà chiến lược vừa là một người hành động.
Ấn tượng của nguyên đại sứ Việt Nam tại Singapore về ông Lý Quang Diệu ảnh 1Ông Lý Quang Diệu được nhiều nước trên thế giới tôn vinh nhờ những đóng góp to lớn cho Singapore. (Ảnh: AP)

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên VietnamPlus về tầm nhìn, khả năng lãnh đạo kiệt xuất cũng như sức ảnh hưởng của cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Singapore (9/2003-7/2007) nhấn mạnh: Sự thành công của Singapore là kết quả tất yếu của chính sách trọng dụng nhân tài.

Trong việc xây dựng và thực thi chính sách này, dấu ấn của vị Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore độc lập là điều không thể phủ nhận.

- Thưa phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng, với tư cách là cựu Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ấn tượng của ông về cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là gì?

Phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng: Trong thời gian tôi là Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ông Lý Quang Diệu là cố vấn cấp cao của chính phủ Singapore và tôi đã có nhiều lần được gặp trực tiếp ông. Tôi thực sự thán phục sự phát triển, thành công của Đảo quốc Sư tử cũng như tài năng lãnh đạo của ông Lý Quang Diệu.

Ông Lý Quang Diệu vừa là một nhà chiến lược vừa là một người hành động. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi về ông.

Ông là một nhà chiến lược tài ba bởi ông không những hiểu rõ được thực trạng của đất nước Singapore khi bắt đầu độc lập cho đến sau này mà ông còn hiểu được sâu sắc “bàn cờ” chính trị thế giới và khu vực.

Singapore là một quốc gia có nhiều điểm đặc thù về vị trí địa lý, diện tích (khoảng 700km2), lịch sử, dân cư và thể chế (Singapore là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ và đa tôn giáo).

Chính những điều đó buộc các nhà lãnh đạo Singapore mà trước hết là ông Lý Quang Diệu phải suy nghĩ và định ra được một chiến lược phát triển đất nước, định ra được phương thức xây dựng nên nhà nước. Chiến lược - như tôi nói, là nhận thức được đầy đủ những gì thuộc về dân tộc, những gì thuộc về thế giới.

Ông là con người hành động bởi khi đã xác định được những điều cần làm cho đất nước, ông quyết đoán và kiên định để thực hiện bằng được những mục tiêu đó.

Thảnh quả như chúng ta đã thấy, trong hơn ba thập kỷ cầm quyền, ông Lý Quang Diệu đã có những quyết sách đầy tính chiến lược nhằm tạo nên một quốc gia Singapore hùng mạnh về kinh tế, một trung tâm tài chính và công nghệ cao lớn nhất khu vực.

Bên cạnh đó, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo biết trọng dụng nhân tài. Ông hiểu rằng một đất nước cần một lãnh tụ nhưng một người lãnh tụ lại cần phải có những người cộng tác. Bởi một lãnh tụ có ý tưởng, đưa ra chiến lược xây dựng nhưng để thực hiện chiến lược đó thì bắt buộc phải có con người.

Sự phát triển chung của Đảo quốc Sư tử được đánh giá chung là “thần kỳ Singapore.” Tuy nhiên, theo quan điểm của riêng tôi, sự thành công, thần kỳ nhất của Singapore nằm ở chính sách trọng dụng nhân tài, cách phát huy sự sáng tạo của con người.

Sự thành công của Singapore là kết quả tất yếu của chính sách này, trong đó, dấu ấn của ông Lý Quang Diệu vô cùng sâu sắc.

Ấn tượng của nguyên đại sứ Việt Nam tại Singapore về ông Lý Quang Diệu ảnh 2Phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng. (Ảnh: A.N/Vietnam+)

- Chính sách trọng dụng nhân tài, cách phát huy sự sáng tạo của con người được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng: Thứ nhất, ông Lý Quang Diệu đã tạo dựng được sự đoàn kết của người Singapore và dần dần xây dựng được bản sắc Singapore.

Tôi xin trở lại với vấn đề con người - nếu không giải quyết được vấn đề này thì sẽ không thể làm được gì. Khi mới giành độc lập (1965), Singapore gồm ba cộng đồng người chính: cộng đồng người Hoa (chiếm đa số), cộng đồng người Ấn Độ và cộng đồng người gốc Malaysia. Đó là ba cộng đồng sắc tộc với ba nền văn hóa, ba ngôn ngữ khác nhau.

Tương ứng với ba cộng đồng người là ba hệ thống giáo dục: hệ thống giáo dục của cộng đồng người Hoa, hệ thống giáo dục của cộng đồng người Ấn Độ và hệ thống giáo dục của cộng đồng người gốc Malaysia. Con cái của cộng đồng người nào đi đến trường của cộng đồng người đó.

Vậy, muốn xây dựng nhà nước, ông Lý Quang Diệu bắt buộc phải giải quyết các vấn đề sắc tộc và dân tộc đặt ra. Ông đã tạo ra sự thống nhất giữa ba cộng đồng đó thông qua vấn đề giáo dục.

Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa ra quyết sách: áp đặt tiếng Anh là ngôn ngữ giảng dạy và làm việc bắt buộc của người Singapore. Còn tiếng mẹ đẻ được dạy như một ngoại ngữ ở các trường học. Từ đó, ông tạo ra được sự thống nhất trong giáo dục, một ngôn ngữ chung cho tất cả người Singapore.

Bên cạnh đó, vị Thủ tướng đầu tiên của đất nước Singapore độc lập đã đưa một quyết sách quan trọng khác là: tuyển chọn nhân lực theo chế độ toàn tài, không phân biệt tôn giáo, văn hóa… Bất kỳ ai, nếu có tài thì đều được trọng dụng.

Không chỉ có vậy, ông Lý Quang Diệu còn đưa ra quyết sách về việc áp đặt ba tiêu chí đối với công chức: thái độ phục vụ, ý thức nghĩa vụ, đạo đức nghề nghiệp. Chúng ta vẫn nói, công chức là công bộc của nhân dân. Ở Singapore, thực tế đúng là như vậy. Có thể nói, hiện nay, bộ máy công chức của Singapore trong sạch nhất thế giới.

Cho tới bây giờ, giờ chính phủ Singapore vẫn tiếp tục kế thừa chính sách trọng dụng nhân tài, chiến lược dùng người mà ông Lý Quang Diệu đề ra. Theo quan điểm của cá nhân tôi, đó mới thực sự là điều “thần kỳ Singapore.”

Ấn tượng của nguyên đại sứ Việt Nam tại Singapore về ông Lý Quang Diệu ảnh 3Người dân Singapore đặt hoa tưởng nhớ cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu tại bệnh viện Singapore ngày 23/3. (Ảnh: AFP/TTXVN)

- Thưa ông, lĩnh vực hợp tác nào giữa Việt Nam-Singapore thể hiện đậm nét nhất dấu ấn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu?

Phó giáo sư-tiến sỹ Dương Văn Quảng: Việt Nam-Singapore có quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực; trong đó, nổi bật là quan hệ hợp tác về kinh tế.

Ở lĩnh vực hợp tác này, dấu ấn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu thể hiện đậm nét qua quá trình xây dựng và phát triển của Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) ở Bình Dương.

VSIP là “biểu tượng” hợp tác thành công nhất giữa Việt Nam-Singapore, một trong những khu công nghiệp hình mẫu của cả nước, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại; góp phần rất quan trọng cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Bình Dương, đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ Singapore.

Bên cạnh đó, dấu ấn của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu còn thể hiện ở việc thúc đẩy ký kết Hiệp định Kết nối Kinh tế Việt Nam-Singapore vào năm 2005. Đây là chương trình hợp tác toàn diện, tập trung vào các nội dung cụ thể: tài chính, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục