D8 nâng thương mại nội khối lên 300 tỷ USD vào 2018

D8 gồm tám nước thành viên Hồi giáo đang phát triển đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại nội khối lên 300 tỷ USD vào năm 2018.
Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (D8), bao gồm tám nước thành viên Hồi giáo đang phát triển là Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigeria, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại nội khối lên 300 tỷ USD vào năm 2018.

Phát biểu với giới truyền thông sau cuộc tiếp kiến Tổng thống Indonesia ngày 22/5 tại Jakarta, Tổng thư ký ký D8, Sayed Ali Mohammed Mousavi, cho biết kim ngạch thương mại giữa các thành viên mới chỉ đạt 25 tỷ USD năm 1997 (khi tổ chức này được thành lập), nay đã tăng mạnh lên 150 tỷ USD, và D8 muốn đưa con số này lên gấp đôi trong 5 năm tới.

Bên cạnh thương mại, D8 sẽ chú trọng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giao thông vận tải, hàng không dân dụng, công nghiệp, hải quan, đơn giản hóa cấp thị thực, cũng như các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA), nhằm thúc đẩy hơn nữa kết nối trong khối.

Ông Sayed Ali Mohammed Mousavi cũng đã đề xuất sáng kiến thành lập Hiệp hội các cơ quan thông tin D8, bao gồm các phương tiện truyền thông từ tám quốc gia thành viên, để trao đổi, cung cấp thông tin, các sản phẩm hay công nghệ mới trong sản xuất tin, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác nội khối.

Về phần mình, Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono, đã đánh giá cao tầm quan trọng của D8 cũng như tiềm năng hợp tác giữa các nước thành viên - một khối kinh tế có dân số tới 800 triệu người. Ông cũng hoan nghênh sáng kiến và nỗ lực của Tổng thư ký D8 nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác toàn diện trong khối.

Tiến sỹ Seyed Mohammad Ali Mousavi, người Iran, đã được Hội nghị Thương đỉnh D8 năm 2012 tại Islamabad (Pakistan) phê chuẩn giữ chức Tổng thư ký D8 nhiệm kỳ tới năm 2017, thay cho người tiền nhiệm Indonesia Widi A. Pratikto.

D8 có trụ sở Ban thư ký tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), được thành lập theo Tuyên bố ngày 15/6/1997 của các nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh D8 ở Istanbul, nhằm mục tiêu cải thiện vị trí các quốc gia thành viên trong nền kinh tế toàn cầu, đa dạng hóa và tạo ra những cơ hội mới trong quan hệ thương mại, tăng cường sự tham gia vào việc ra quyết định ở cấp quốc tế, cải thiện mức sống, và dành ưu tiên hợp tác cho 5 lĩnh vực, bao gồm thương mại, nông nghiệp và an ninh lương thực, hợp tác công nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), giao thông vận tải, năng lượng và khoáng sản./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục