Đã có 12 người chết và mất tích do trận mưa lũ ở Quảng Ninh

Đã có 12 người chết và mất tích trong trận mưa lũ ở Quảng Ninh

Tính đến 9 giờ ngày 28/7, tổng số người chết và mất tích do trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại tỉnh là 12 người, trong đó, tại thành phố Hạ Long có 9 người chết và mất tích.
(Ảnh: Văn Đức/Vietnam+)

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh cho biết, tính đến 9 giờ ngày 28/7, tổng số người chết và mất tích do trận mưa lũ lớn nhất trong vòng 40 năm qua tại tỉnh là 12 người, trong đó, tại thành phố Hạ Long có 9 người chết và mất tích do mưa lũ đêm 27 rạng sáng 28/7.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Ninh, trận mưa lớn nhất trong vòng 40 năm qua trên địa bàn tỉnh đã bước sang ngày thứ tư với lượng mưa vượt ngưỡng 500mm.

Tính đến 6 giờ ngày 28/7, lượng mưa đo được ở Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả) đạt mức 828,1mm; Cô Tô đạt 796,7mm; Quảng Hà (huyện Hải Hà) 587,8mm; Bãi Cháy (thành Hạ Long) đạt 580,9mm; thành phố Móng Cái đạt ngưỡng 574,8mm...

Ngoài thiệt hại về người, mưa lớn còn gây ra thiệt hại về vật chất nặng nề cho người dân Quảng Ninh. Tính đến 9 giờ ngày 28/7, toàn tỉnh đã có 8 ngôi nhà bị đổ, 2.835 ngôi nhà bị ngập lụt, hơn 660m tường bị đổ sập, 143ha diện tích lúa, hoa màu ngập úng hư hỏng hoàn toàn, 880 lồng bè nuôi trồng hải sản bị chết. Ước tổng thiệt hại toàn tỉnh lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Huyện Vân Đồn là địa phương thiệt hại nặng nề nhất. Toàn bộ 880 lồng bè nuôi hải sản của Vân Đồn bị thiệt hại hoàn toàn với giá trị lên tới 88 tỷ đồng. Hồ chứa nước Lòng Dinh (xã Quan Lạn) bị sạt lở hai bên mái đập, thân đập, huyện đang chỉ đạo nhà thầu tập trung phương tiện máy móc, thiêt bị để khắc phục chống sạt lở.

Dự báo từ nay đến hết tháng Bảy tiếp tục có mưa, có nơi mưa rất to, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã yêu các Giám đốc các Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thủy lợi, Giám đốc các Trung tâm Thủy lợi, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các địa phương tăng cường công tác quản lý hồ chứa.

Đối với các hồ chứa nhỏ đã chứa đến mực nước dâng bình thường nhất thiết phải có người canh gác 24/24 và phải có phương án, vật tư dự phòng như bạt dứa, bao tải để chủ động hạ thấp mức nước khi hồ có nguy cơ tràn.

Ngành giao thông chủ động phương tiện máy móc để đảm bảo thông đường khi bị sự cố sạt lở hay ngập lụt. Đối với các vị trí thoát nước còn nhỏ về khẩu độ, không đủ khả năng tiêu lũ, gây ngập lụt cần tháo dỡ cho thoát nước.

Lực lượng quân đội, công an sẵn sàng cơ động để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tập đoàn Than TKV, Tổng Công ty Đông Bắc chủ động rà soát kiển tra hầm lò, khai trường của mình đảm bảo an toàn; chủ động phối hợp với các địa phương có liên quan trong việc tổ chức, triển khai, khắc phục hậu quả khi có sự cố xảy ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục