Đã có nhiều người chết, mất tích trong cơn bão số 8

Bão số 8 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương trong cả nước như tại Nghệ An đã có 7 người chết và mất tích.
Bão số 8 đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản tại các địa phương trong cả nước.

Tính đến tối 20/9, tại Nghệ An, do ảnh hưởng của bão số 8 đã có 7 người chết và mất tích.

Ngoài 5 người bị nước lũ cuốn trôi vào lúc 17 giờ 45 phút ngày 19/9 (cùng xe ôtô) khi đi qua cầu tràn Khe Ang, xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn thì chiều 20/9 còn có thêm 2 người chết và mất tích tại huyện Nghi Lộc và huyện Yên Thành bị nước lũ cuốn trôi.

Cụ thể, vào lúc 14 giờ ngày 20/9, em Nguyễn Sỹ Phúc, sinh 1996, trú tại xã Nghi Công Bắc, huyện Nghi Lộc khi đi xe máy qua tràn Nghi Công-Nghi Mỹ thì bị nước cuốn trôi. Lúc 16 giờ ngày 20/9, cháu Nguyễn Thị Trà My, 6 tuổi, trú tại xóm Đông Thành, xã Quang Thành, huyện Yên Thành cũng bị chết đuối do nước lũ cuốn trôi tại xã Quang Thành.

Đến tối 20/9, tại một số tuyến đường trên địa bàn Nghệ An vẫn bị ách tắc do mưa lũ. Đường tỉnh 531 ách tắc ở 5 vị trí, có nơi ngập sâu 2,2 m; đường 534 tại Km 14+350 đến Km14+550 và tại Km16+100 đến Km16+700 nước ngập 10 cm; tại Km71+750 trên Quốc lộ 46 bị sạt lở taluy dương gây ách tắc giao thông; cầu tràn Hiếu tại Km52+350 nước ngập 1m; cầu tràn Dinh Km56+900 nước ngập 0,5m…

Hiện nay, tại những vị trí bị ngập nước, gây ách tắc giao thông hoặc sạt lở, ngành giao thông đã cắm cọc tiêu, biển báo, rào chắn và bố trí người trực 24/24 giờ không cho người xe qua lại. Tại Km71+750 trên Quốc lộ 46, Công ty đường bộ 470, Khu Quản lý đường bộ 4 đang huy động người, phương tiện triển khai dọn đất sạt lở để đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất vì đây là tuyến đường rất quan trọng.

Tỉnh Nghệ An đang huy động 85 cán bộ chiến sỹ, 11 thợ lặn, 4 xuồng máy, 4 máy dò mìn công binh của Bộ chỉ huy quân sự Nghệ An và Quân khu 4 cùng các lực lượng chức năng, phương tiện khác để tìm kiếm những người bị mất tích.

Chiều 20/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Đường đã đi thăm hỏi các gia đình nạn nhân và hỗ trợ mỗi nạn nhân 7,5 triệu đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Sinh - Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định cho biết lực lượng của đơn vị này đã cứu được hai thuyền viên sau gần 2 ngày gặp nạn trên biển, hai thuyền viên khác rơi xuống biển trước đó đã bơi được vào bờ nhờ phao cứu sinh. Hiện cả 4 thuyền viên đã được đưa về gia đình trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Chiều 18/9, Tàu TB 1548 do ông Trần Ngọc Ruynh (35 tuổi, trú tại thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, Nam Định) làm thuyền trưởng cùng 3 thuyền viên khác cùng quê, chở 1.400 tấn ximăng túi hành trình từ tỉnh Ninh Bình đi Quảng Ninh. Do sóng to, gió lớn, tàu bị mắc cạn và đắm một phần tại tọa độ 20,13 độ Vĩ Bắc - 106,36 độ Kinh Đông, cách cửa Ba Lạt khoảng 3 Hải lý về hướng Đông Nam, 2 thuyền viên là Ninh Văn Khao (42 tuổi) và Nguyễn Văn Sơn (21 tuổi) bị rơi xuống biển, còn ông Trần Ngọc Ruynh và thuyền viên Nguyễn Văn Trình (28 tuổi) bám lại được trên tàu.

Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã cử đoàn công tác do Đại tá Nguyễn Văn Sinh, Phó Chỉ huy trưởng, xuống trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ. Trong khoảng thời gian từ 6 giờ 15 phút đến 15 giờ 30 phút ngày 19/9, tổ công tác của Bộ đội Biên phòng Nam Định đã trưng dụng tới 5 tàu có công suất từ 24 đến 100 CV cùng nhiều ngư dân, cán bộ chiến sỹ nỗ lực ra cứu hộ. Tuy nhiên, do sóng to, gió mạnh, lực lượng vẫn không thể tiếp cận được tàu bị nạn. Đến 7 giờ 30 phút ngày 20/9, đơn vị tiếp tục trưng dụng thêm 2 mảng hỗ trợ tàu cứu nạn nhưng mọi nỗ lực đều chưa thể cứu được 2 thuyền viên trên tàu.

Trước tình huống khó khăn, đến 13 giờ 30 phút ngày 20/9 Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định đã phải nhờ đến trực thăng của Bộ Quốc phòng từ Hòa Lạc tới hỗ trợ, nhưng do sóng to, gió lớn trực thăng không đến gần được tàu gặp nạn. Trực thăng đã phải thả phao cứu sinh, sau đó hai thuyền viên được tàu ra đón lúc 14 giờ 30 phút ngày 20/9.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương chỉ đạo các huyện, đơn vị theo dõi tình hình thiệt hại do mưa lũ trong những ngày qua và kịp thời giúp đỡ nhân dân khắc phục thiệt hại do mưa lũ để ổn định sản xuất, sinh hoạt.

Đến chiều 20/9, tại Quảng Bình mưa đã dứt nhưng do triều cường và nước thượng nguồn đổ về nên hơn 1.000 hộ dân ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa bị vẫn bị ngập chìm trong nước từ 0,5 đến 3m. Tuyến đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Phú Nhiêu, xã Thượng Hóa huyện Minh Hóa nước đã rút nhưng với lượng bùn nhiều nên các phương tiện giao thông đường bộ vẫn không thể qua lại được.

Khoảng 15 giờ ngày 20/9, tại cầu Khe Rinh (huyện Minh Hóa), ông Cao Xuân Phận, 72 tuổi, ở thôn 1, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa khi bơi qua dòng nước lũ đã bị cuốn trôi và mất tích. Ủy ban Nhân dân huyện phối hợp với lực lượng công an, biên phòng và gia đình ông Phận đang tiến hành tìm kiếm xác nạn nhân.

Cũng tại địa điểm trên, tối 19/9, 3 người dân ở thôn Liêm Hóa 2 xã Trung Hóa gồm anh Cao Văn Việt (31 tuổi), chị Cao Thị Bông (58 tuổi), chị Cao Thị Phượng (45 tuổi) trên đường đi làm rẫy về khi vượt qua suối đã bị nước đẩy đi làm họ mắc kẹt giữa dòng lũ.

Nhận được tin báo, Ban chỉ huy Phòng chống bão lụt và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa đã huy động lực lượng Công an huyện Minh Hóa đến ứng cứu và sau nhiều giờ vật lộn với dòng nước lũ đã đưa 3 người dân vào bờ an toàn.

Tại huyện Minh Hóa, mưa to, gió lớn đã khiến 5 căn nhà ở xã Trọng Hóa bị tốc mái; bờ kè tại xã Hóa Sơn bị sạt lở nghiêm trọng, ước tính thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Đến thời điểm này, đồng bào Rục ở các bản Ón, Mò O Ồ Ồ, Yên Hợp vẫn đang ở trong tình trạng bị chia cắt do lũ lụt, có 10 nhà bị ngập, 1 nhà tốc mái.

Với phương châm không để đồng bào khó khăn khi mùa mưa lũ nên trước khi bị lũ chia cắt, Ủy ban Nhân dân huyện Minh Hóa đã chuyển vào hơn 2 tấn gạo cho đồng bào Rục. Đồn Biên phòng 585 cử cán bộ xuống từng bản để giúp đỡ, hướng dẫn đồng bào vệ sinh thôn, bản, chằng chống lại nhà cửa bị tốc mái.

Tỉnh Đắk Lắk đã hoãn các cuộc họp không cần thiết tập trung cán bộ chủ chốt về giúp các địa phương bị thiệt hại nặng, để sớm khắc phục hậu quả do trận lũ lụt vừa qua.

Trước mắt, tỉnh Đắk Lắk tổ chức các đoàn đi thăm hỏi các gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản, đồng thời, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ gia đình có người chết 5 triệu/người; bị thương 3 triệu đồng/người.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp cùng với các cơ quan ban ngành về tận các thôn, buôn bị thiệt hại nặng hỗ trợ tiền, mỳ tôm, nước uống cho các gia đình có nhà cửa bị cuốn trôi, sập. Huyện Ea H’leo đã trích ngay ngân sách hỗ trợ khẩn cấp mỗi gia đình có nhà bị trôi, sập 2 triệu đồng. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã hỗ trợ kịp thời cho đồng bào các dân tộc bị thiệt hại nặng do lũ ở huyện Ea Súp 20 triệu đồng.

Hiện nay, tỉnh cũng tiếp tục phân công cán bộ về phối hợp cùng với các đơn vị chức năng, địa phương ở huyện Ea Súp tổ chức tìm kiếm 6 người dân ở lại trên rẫy bị lũ cuốn còn mất tích. Cán bộ chủ chốt ở tỉnh cũng về cùng với các địa phương kiểm tra, rà soát cụ thể từng thôn, buôn, từng đối tượng có nhu cầu cứu trợ để kịp thời hỗ trợ cho đồng bào các dân tộc ở các vùng bị thiên tai, nhằm không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, bị rét do mưa lũ gây ra. Tại các thôn, buôn, nước lũ rút đến đâu, tổ chức lực lượng giúp các hộ gia đình sửa chữa dựng lại nhà cửa, xử lý môi trường, phòng ngừa dịch bệnh xảy ra sau lũ lụt.

Tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê thiệt hại về hoa màu, tài sản, cây, con giống, các công trình cơ sở hạ tầng…, nhằm có kế hoạch hỗ trợ cây, con giống cho các hộ gia đình bị thiệt hại nặng để nhanh chóng ổn định cuộc sống, bắt tay ngay vào sản xuất vụ đông xuân sắp tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục