Đã có trên 10.000 người nhiễm cúm A/H1N1

Theo các số liệu công bố sáng nay 20/5 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính phủ, trong 24 giờ qua trên thế giới đã xác nhận thêm hơn 1.000 người mắc virus cúm A/H1N1, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus này lên trên 10.000 người ở trên 43 nước và vùng lãnh thổ.

Theo các số liệu công bố sáng nay 20/5 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính phủ, trong 24 giờ qua trên thế giới đã xác nhận thêm hơn 1.000 người mắc virus cúm A/H1N1, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus này lên trên 10.000 người ở trên 43 nước và vùng lãnh thổ.

Đã có 83 người tử vong vì căn bệnh này, chủ yếu vẫn tại Mexico.

Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm A/H1N1, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi người dân và chính phủ các nước trên toàn thế giới tiếp tục nâng cao cảnh giác đối với dịch cúm A/H1N1.

Đài Loan đã trở thành vùng lãnh thổ mới nhất có người nhiễm cúm A/H1N1 khi các quan chức y tế hòn đảo này sáng 20/5 thông báo phát hiện trường hợp mắc bệnh đầu tiên. Bênh nhân là một đàn ông người nước ngoài 52 tuổi, vừa từ Hồng Công đến. Tuy nhiên, bệnh nhân này đang phục hồi tốt và trong tình trạng sức khoẻ ổn định.

Về diễn biến dịch cúm A/H1N1 tại Nhật Bản, tính đến sáng 20/5, số trường hợp nhiễm virus chết người này đã lên 236 người. Các quan chức y tế Nhật Bản cho biết có tới 86% số ca nhiễm cúm A/H1N1 ở Nhật Bản là học sinh ở lứa tuổi từ 10-19. Nhật Bản đã phải cho đóng cửa trên 4.000 trường học các cấp để hạn chế virus cúm lây lan.

Tại Mexico, Bộ Y tế nước này ngày 19/5 cho biết có thêm 4 trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 tử vong, đưa tổng số người chết do dịch cúm này ở nước này lên 74, và thêm gần 100 người nhiễm bệnh với tổng số là 3.734 trường hợp. Bộ này cho biết dịch cúm A/H1N1 đã lan ra 31 trên tổng số 32 bang nước này. Các quan chức y tế Mexico cho rằng dịch cúm A/H1N1 ở nước này đang có chiều hướng giảm so với thời điểm bùng phát dịch cuối tháng 4 vừa qua và hy vọng những biện pháp phòng chống đang được triển khai tiếp tục phát huy tác dụng.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo virus A/H1N1 đã xuất hiện ở 47 bang với 5.469 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh và 7 người đã tử vong vì cúm này. Trong ngày 19/5, ở Mỹ, ngoài nạn nhân thứ 7 còn có một người nữa chết được nghi là do virus cúm A/H1N1 và hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành xét nghiệm thêm. Nếu được xác nhận, đây sẽ là trường hợp thứ 8 ở Mỹ chết vì dịch bệnh nguy hiểm này.

Virus cúm A/H1N1 vẫn tiếp tục lan rộng tại nhiều nước Mỹ Latinh khác. Chile ngày 19/5 xác nhận thêm 5 trường hợp mới nhiễm virus cúm A/H1N1, nâng tổng số người bị nhiễm bệnh lên 10, trong đó 1/2 là trẻ em. Columbia cũng xác nhận thêm một trường hợp cúm A/H1N1, nâng tổng số người mắc bệnh lên 12, chủ yếu vừa trở về từ nước ngoài.

Australia sáng 20/5 thông báo xác nhận trường hợp cúm A/H1N1 thứ hai ở nước này. Bệnh nhân là một bé trai 9 tuổi vừa trở về từ Mỹ song đang phục hồi tốt.

Ngày 19/5,  Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan đã có cuộc gặp đại diện 30 công ty dược phẩm trên thế giới nhằm đảm bảo sự tiếp cận bình đẳng với vắcxin phòng dịch mới.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, bà Chan cho biết triển vọng sản xuất tối đa 4,9 tỷ liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 mỗi năm là "rất lạc quan". WHO đang xem xét sản xuất 94,3 triệu liều/tuần trong trường hợp phải thực hiện kế hoạch sản xuất quy mô thương mại trong tương quan với tổng dân số thế giới hiện nay là 6,8 tỷ người.

Các chuyên gia về vắcxin có mặt tại cuộc gặp xác nhận sử dụng 2 liều vắcxin mới đủ để con người miễn dịch với cúm A/H1N1. Các công ty dược tuyên bố đã sẵn sàng sản xuất khi cần thiết, một số công ty cam kết hợp tác để đảm bảo nguồn cung cấp vắcxin cho các nước nghèo.

Tuy nhiên, các chuyên gia vắcxin cho biết sẽ phải mất vài tháng nữa mới cho ra đời liều vắcxin phòng cúm A/H1N1 đầu tiên, và sẽ phải mất vài tháng tiếp theo mới có thể sản xuất với khối lượng lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục