Đa dạng việc tuyên truyền tới đồng bào vùng sâu

Các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử, đặc biệt là tuyên truyền đến bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Tiến tới bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tỉnh Lạng Sơn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là tuyên truyền bằng tiếng dân tộc đến bà con các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Tại 1.882 điểm bầu cử trên địa bàn toàn tỉnh, chính quyền và người dân tích cực tham gia trang trí trang trọng nơi sẽ đặt hòm phiếu để các cử tri đến thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 của Lạng Sơn đúng luật, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.

Sở Tư pháp tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức biên soạn 130 bộ đề cương tuyên truyền Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cung cấp cho các báo cáo viên, biên tập và phát hành 260 đĩa CD về tuyên truyền pháp luật bầu cử gửi cho 226 xã, phường, thị trấn. Ngành văn hóa đã lắp hơn 1200m2 panô tranh cổ động trên một số trục đường chính, khu vực cửa khẩu…

Với đặc thù là tỉnh miền núi, điều kiện đi lại của một số xã vùng cao gặp khó khăn, nhiều cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số nên tỉnh Lạng Sơn đã lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ. 23 đội tuyên truyền và đội chiếu bóng lưu động của 11 huyện, thành phố đã xuống tới tận từng thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với nhiều hình thức như: tuyên truyền cổ động bằng loa ở tại các buổi họp phiên chợ, đến trung tâm thôn bản biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lồng ghép tuyên truyền về bầu cử; cử cán bộ xuống tận các gia đình để tuyên truyền...

Đến nay, các đội tuyên truyền đã tổ chức được hơn 400 buổi, phục vụ hơn 150.000 lượt người là bà con dân tộc tại các thôn bản đến xem và nghe.

Cùng với đó, Phòng văn hóa và thông tin ở 11 huyện, thành phố cũng đã hướng dẫn, chỉ đạo hơn 1.420 câu lạc bộ, đội văn nghệ quần chúng ở thôn bản, khối phố; xã phường, thị trấn tổ chức các hoạt động tuyền truyền lồng ghép như gặp mặt, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về bầu cử; tổ chức hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, giao lưu thể thao... để chào mừng ngày hội bầu cử.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo tiểu ban tuyên truyền kết hợp với 2 ban bầu cử và các huyện, thị tăng cường cổ động chiều rộng, tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức các hình thức cổ động trực quan sinh động tạo không khí sôi nổi tập trung các xã vùng dân tộc ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm.

Tại huyện Trà Ôn, Ủy ban bầu cử huyện Trà Ôn và tiểu ban tuyên truyền bầu cử tập trung tuyên truyền công tác bầu cử trong đồng bào dân tộc Khmer ở 2 xã Tân Mỹ và Trà Côn, chú trọng tổ chức tuyên truyền ở các điểm chùa, các chức sắc tôn giáo, thông qua các vị thượng tọa, sãi cả để thông tin về công tác bầu cử đến các cử tri là đồng bào dân tộc, tổ chức cho các cử tri tìm hiểu, mạn đàm về tiểu sử ứng cử viên.

Huyện Trà Ôn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chiều sâu kết hợp tăng cường cổ động trực quan, tổ chức hơn 1.700 cuộc tuyên truyền về bầu cử với gần 86.000 lượt người tham gia, tổ chức cấp phát 35 tài liệu hỏi-đáp về bầu cử và 1.400 tờ rơi, ápphích, phát hành 650 tờ tin về công tác bầu cử cho các xã, thị trấn; tổ chức treo 20 băngrôn, tranh cổ động và 10 cụm panô tại các khu vực đông dân cư tạo không khí sôi nổi chuẩn bị cho ngày bầu cử.

Đài truyền thanh huyện Trà Ôn mở chuyên mục tuyên truyền bầu cử, kiểm tra sửa chữa hệ thống 53 loa truyền thanh, 125 loa không dây đảm bảo phát sóng phủ kín các xã, ấp và bố trí tăng cường tại các điểm chùa liên tục phát các thông tin về bầu cử, tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên.

Phòng văn hóa thông tin các huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Tam Bình xây dựng chương trình văn nghệ tổng hợp, liên hoan văn nghệ tuyên truyền bầu cử của các xã, thị trấn; tổ chức đội thông tin lưu động và đội đờn ca tài tử biểu diễn phục vụ cử tri tại các cụm xã, các điểm chùa.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các xã đã nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa cuộc bầu cử trong cử tri người dân tộc.

Tại các điểm tiếp xúc cử tri cụm xã Bình Ninh, Ngãi Tứ, Loan Mỹ (huyện Tam Bình), Trà Côn, Tân Mỹ (huyện Trà Ôn), Trung Thành (huyện Vũng Liêm) mỗi điểm thu hút từ 300-400 cử tri đến gặp gỡ và nghe ứng cử viên trình bày chương trình hành động.

Nhiều cử tri người dân tộc đóng góp ý kiến, kiến nghị với Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các xã vùng dân tộc, mong muốn các ứng cử viên quan tâm sâu sát đến đời sống người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc và thực hiện tốt chương trình hành động khi trúng cử./.

Thái Thuần-Huỳnh Kim Phượng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục