Đã đến lúc đánh giá lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương?

Một chính sách ngoại giao khôn ngoan sẽ ngăn chặn nỗ lực làm sống lại cái cũ mà thay vào đó là nỗ lực thiết lập cái mới. Mỹ có những lợi ích quan trọng trong NATO và sẽ sai lầm khi rút khỏi khối này.
Đã đến lúc đánh giá lại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương? ảnh 1Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: EPA)

Theo trang mạng Washington Post, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 3/4 đã có bài diễn văn trước Quốc hội Mỹ, trong đó lập luận về tầm quan trọng của liên minh này.

Tuy nhiên, bài diễn văn đã bỏ qua mức độ sức ép mà những lợi ích quốc gia khác biệt sẽ tiếp tục đặt ra và thay đổi NATO- và có lẽ dẫn đến sự sụp đổ của khối.

Quan điểm của nhiều người ở Washington và những nước khác là mọi thứ đều ổn đối với NATO cho tới khi Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất hiện.

Chắc chắn là nhiều nước châu Âu đã không dành đủ 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng, mức tối thiểu mà liên minh đề ra năm 2006.

Mặc dù vậy, nhìn chung cam kết của Mỹ và đóng góp của châu Âu đều ngang nhau.

Vấn đề là ở chỗ Mỹ và nhiều nước châu Âu đối mặt với những mối đe dọa riêng biệt và thường diễn giải những mối đe dọa này theo cách khác nhau.

Không giống như thời điểm thành lập NATO năm 1949, khi tất cả thành viên đều đối mặt với một mối đe dọa chung là Liên Xô.

Giờ đây, các thành viên lại có những quan điểm khác biệt đối với Moskva và đối mặt với những mối đe dọa từ những khu vực khác nhau trên thế giới.

Điều này dẫn đến những mối quan tâm khác biệt mà trong một thế giới có nguồn tài nguyên hạn hẹp cần thay đổi giá trị tương đối mà người ta kỳ vọng vào liên minh.

[Những 'om xòm' trong lòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương]

Bài phát biểu của ông Stoltenberg đã tìm cách tái định hình mối đe dọa từ Nga vốn được nhiều thành viên biết đến.

Sự trỗi dậy của Nga là đáng lo ngại, song vấn đề là các đồng minh NATO lại nhìn nhận mối đe dọa này theo những cách khác nhau.

Các nước láng giềng của Nga như Na Uy, thì hết sức lo lắng về tính quyết đoán của Moskva. Và không có gì ngẫu nhiên khi 4 trong số 7 thành viên NATO chi gần 2% GDP cho quốc phòng lại là những nước vệ tinh của Liên Xô trước đây và có chung biên giới với Nga.

Các nước láng giềng hoặc gần kề với Nga như Na Uy, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chi hơn mức trung bình của NATO là 1,36% GDP cho quốc phòng.

Trong khi đó, các nước Trung Âu có cách nhìn nhận khác về mối đe dọa của Nga nên họ cũng hành động khác.

Trừ cựu cường Pháp, mỗi nước thành viên NATO ở Trung và Tây Âu đều chi tiêu ở mức trung bình hoặc dưới trung bình theo quy định của NATO. Các nước này không cảm thấy bị đe dọa bởi Nga và không muốn chi thêm tiền để hỗ trợ các đồng minh của mình.

Thực ra, nhiều nước thậm chí còn không muốn bảo vệ các đồng minh của họ trước một cuộc tấn công từ Nga. Một cuộc thăm dò năm 2017 của Pew cho thấy chỉ 40% người Đức ủng hộ việc sử dụng quân đội của nước mình để bảo vệ một đồng minh nếu bị Nga xâm lược.

Do đó, Đức kiên quyết từ chối tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng của mình, sẵn sàng thách thức các đồng minh và thúc đẩy một dự án khí đốt ở Biển Baltic mà giới chỉ trích cho rằng sẽ khiến châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào việc cung cấp khí đốt từ Nga.

Mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn cũng tác động đến liên minh, cho dù ai là ông chủ Nhà trắng.

Cơ quan Tình báo quốc phòng của Mỹ gần đây cảnh báo rằng sự lớn mạnh trong năng lực quân sự của Trung Quốc đã đe dọa vai trò bá quyền của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.

Mặc dù nhiều đồng minh NATO muốn hợp đồng hiệp lực trở lại để chiến đấu như xưa, song Mỹ sẽ phải ứng phó với cuộc xung đột trên 2 mặt trận.

Khi ấy, Mỹ sẽ không được trang bị tốt để đối phó mà không gia tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng như mức thời Chiến tranh Lạnh.

Do khả năng gia tăng chi tiêu quốc phòng đáng kể như vậy khó có thể xảy ra nên chắc chắn là cam kết của Mỹ với các liên minh khác sẽ thu hẹp trong tương lai, bất chấp những bên tham gia tỏ rõ thiện chí như thế nào.

Một chính sách ngoại giao khôn ngoan sẽ ngăn chặn nỗ lực làm sống lại cái cũ mà thay vào đó là nỗ lực thiết lập cái mới. Mỹ có những lợi ích quan trọng trong liên minh xuyên Đại Tây Dương hùng mạnh này và Trump đã sai lầm khi cho rằng Mỹ cần rút khỏi NATO.

Tuy nhiên, tin tức về việc Mỹ rút khỏi khối cũng có thể đóng vai trò như “cú hích” để duy trì sự tồn tại của liên minh “gạo cội” này mà trong đó, một số thành viên đã không phát huy được giá trị của mình như trước kia.

Một chính sách ngoại giao mới như vậy sẽ bao gồm một số biện pháp đa tầng nấc áp dụng cho các nước châu Âu tùy thuộc vào bản chất của việc chia sẻ những lợi ích chung với Mỹ.

Những nước có cùng lợi ích với Mỹ trong cuộc chiến trực tiếp với sự gân hấn của Nga có thể thuộc tầng nấc thứ nhất, với cam kết đầy đủ của Mỹ trong việc bảo vệ họ trước mọi hình thức tấn công.

Tầng nấc này có thể sẽ gồm các nước Đông Âu, Na Uy, Anh, Canada và có thể thêm một vài nước khác. Mỹ sẽ tái thiết lập các căn cứ quân sự của họ đến những nước nói trên để khí tài của Mỹ được triển khai ở những nơi được chào đón và có thể phục vụ tốt nhất trong trường hợp xảy ra xung đột.

Tầng nấc thứ hai có thể là sự mở rộng an ninh hạt nhân của Mỹ để bảo vệ các nước trước nguy cơ bị tấn công hóa học hoặc hạt nhân, song sẽ không có cam kết song phương về hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra xung đột thông thường.

Việc không ngừng chia sẻ thông tin tình báo và những nỗ lực chống chiến tranh mạng cũng có thể là một phần của các hoạt động hỗ trợ thuộc tầng nấc này.

Sự tiếp cận này có thể sẽ thu thút nhiều thành viên hiện tại của NATO, đặc biệt là các nước như Đức, Italy và Tây Ban Nha vốn không thấy mối đe dọa nào đối với sự toàn vẹn quốc gia của họ, song lại coi khủng bố và chiến tranh mạng không đối xứng là một vài đe dọa đối với an ninh trong nước.

Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không cảm thấy mối đe dọa từ Nga cũng như không cùng chia sẻ di sản của phương Tây về nền dân chủ tự do, có thể sẽ không tham gia tầng nấc nào.

Bất kỳ mối mối liên hệ nào của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các nước khác sẽ được xử lý ở cấp độ song phương, giống như Mỹ xử lý với các đồng minh khác còn lại trên thế giới.

Trên đây chỉ là một khả năng. Phạm vi của một sự sắp đặt mới có thể được thực hiện theo bất kỳ cách thức nào khác. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là cần phải đánh giá lại hiện trạng của NATO.

Nhưng sự thiết lập chính sách đối ngoại sẽ chống lại đề nghị này. Như cựu Tổng thống Ronald Reagan từng viết năm 1964: “Bản chất của con người là chống lại sự thay đổi…”

Tuy nhiên, sự thiết lập chính sách mới này không thể quay trở lại năm 1989. Thời gian và mối đe dọa đã thay đổi, và cấu trúc liên minh toàn cầu vốn bảo vệ các nền dân chủ của thế giới này cũng cần thay đổi.

Mọi chuyên gia chính sách đối ngoại đều biết đến châm ngôn kinh điển của sử gia Hy Lạp Thucydides: “ Người khỏe làm điều họ có thể, kẻ yếu chịu điều họ phải chịu.”

Phương Tây cần cải cách khi vẫn còn mạnh nếu không sẽ phải chịu hậu quả khi trở nên yếu thế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục