Đã đến lúc EU thúc đẩy chính sách tài chính chung?

Sự “lười biếng” của EU trong việc vạch ra chính sách tài chính chung cho khối là lý do căn bản khiến các nước như Trung Quốc tận dụng cơ hội để nhảy vào và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Đã đến lúc EU thúc đẩy chính sách tài chính chung? ảnh 1(Nguồn: swissinfo)

Theo trang mạng asiatimes.com, đã đến lúc Liên minh châu Âu (EU) thảo luận một cách nghiêm túc và tập trung hơn về đường hướng tương lai của họ trên trường quốc tế.

Các câu hỏi - như điều gì cần thực hiện để đạt được sự cân bằng quyền lực trong khu vực, tại sao khối EU đang thất bại trong cuộc chơi của họ và quan trọng nhất là liệu EU có cần thiết hay không - phải được giải quyết.

Đối với EU, có vẻ như các cuộc khủng hoảng không phải do ban lãnh đạo mà là do thiếu sự đoàn kết và hướng đi chung.

Khu vực này đã trở thành “sân chơi” của Đức, Pháp và Anh, giúp các nước giàu có về kinh tế và ổn định về chính trị thúc đẩy các lợi ích quốc gia của riêng họ, bất chấp các lợi ích tập thể của EU.

Độc lập vẫn luôn “có lợi” hơn phụ thuộc lẫn nhau, và các thành viên trong EU đang nhận ra tầm quan trọng của nó: sự thịnh vượng đi kèm với tự do. Bởi hiện không có kế hoạch nào để thúc đẩy đường hướng được vạch ra trong các nguyên tắc nền tảng thành lập EU, nên những nước thành viên tìm kiếm các triển vọng kinh tế tốt hơn sẽ lựa chọn đi theo cách này hay cách khác.

Ngày 30/3, Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone) - đã bắt tay với Trung Quốc để chính thức tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Hai nhà lãnh đạo đã ký kết tổng cộng 29 nội dung trong biên bản ghi nhớ “không ràng buộc.”

Theo các thỏa thuận “cùng thắng” này, Trung Quốc và Italy sẽ tìm cách thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực ngân hàng, giữa công ty xây dựng của Trung Quốc và các hải cảng Italy, giữa các hãng truyền thông và trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, bên cạnh các lĩnh vực khác.

[Đức cảnh báo nguy cơ Italy có thể bị phụ thuộc vào Trung Quốc]

Gói thỏa thuận xuất khẩu cam từ Italy sang Trung Quốc cũng nằm trong biên bản ghi nhớ này.

Theo các hãng truyền thông, giá trị của các thỏa thuận song phương này ước tính khoảng 2,8 tỷ USD và được dự đoán sẽ tăng lên 22,6 tỷ USD trong tương lai.

Mặc dù cam của Italy (và nhiều mặt hàng khác trong tương lai) sẽ được tiếp cận thị trường Trung Quốc - điều sẽ giúp điều chỉnh sự mất cân bằng thương mại giữa 2 nước theo lời Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Italy Luigi Di Maio - nhưng đồng thời các khoản cho vay hàng tỷ USD dưới danh nghĩa đầu tư vào cơ sở hạ tầng sẽ được đổ vào nền kinh tế nước này.

Khoản tiền này sau đó sẽ được sử dụng để nhập khẩu trang thiết bị và lao động Trung Quốc, điều chắc chắn làm gia tăng thâm hụt thương mại của Italy với Trung Quốc dài hạn.

Về tổng thể, thỏa thuận này sẽ đẩy quốc gia đang chìm trong nợ nần này vào cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Đứng thứ 2 sau Hy Lạp trong Eurozone, tỷ lệ nợ công so với GDP của Italy đã lên mức 131%, với khoản nợ công lớn nhất EU, lên tới 2,3 nghìn tỷ euro.

Sản lượng của quốc gia này sẽ chỉ tăng 0,6% trong năm 2019. Trong bối cảnh không có chỉ số vĩ mô nào cho thấy sự tăng trưởng dương, Italy sẽ đối mặt với các hậu quả nghiêm trọng nếu họ không thể chi trả các khoản vay khổng lồ.

Mô hình mở rộng ảnh hưởng trên khắp thế giới của Trung Quốc là rất dễ hiểu: Cung cấp các khoản vay cho các nền kinh tế có nợ cao như Pakistan, Kenya, Sri Lanka và các nền kinh tế khác, yêu cầu họ sử dụng các tài sản quốc gia quan trọng (như cảng, đường ray, đường sá, các đường ống dẫn) là tài sản thế chấp trong trường hợp họ vỡ nợ bởi bản chất “trấn lột” của các thỏa thuận này, và cuối cùng chiếm lấy các tài sản đó khi họ thực sự vỡ nợ.

Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC), với 63,8% cổ phần do một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nắm giữ, được giao nhiệm vụ “quản lý các cảng Genoa và Trieste của Italy.

“Sáng kiến Vành đai và Con đường” là cách gọi tắt của “Sáng kiến Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21.”

Mục tiêu của Trung Quốc là trở thành một cường quốc hàng hải. Các hải cảng này cuối cùng sẽ cho phép Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tiếp cận tới các khu vực trên thế giới.

Hiện tại, các tàu hải giám của Trung Quốc vẫn “tới thăm hữu nghị” các hải cảng này, liệu có ai biết được đến khi nào họ sẽ tới đây với các ý định “không hữu nghị” nữa?

Trung Quốc đã tiếp quản cảng Hambantota của Sri Lanka và sẽ sớm làm vậy với cảng Mombasa nếu Kenya không thể chi trả các khoản vay BRI, theo một báo cáo của kiểm toán nhà nước Kenya.

Ngoài việc đầu tư vào các cảng ở Hy Lạp, Trung Quốc còn là cổ đông lớn của cảng CSP Zeebrugge của Bỉ, cảng container Noatum của Tây Ban Nha và hàng chục cảng khác ở châu Âu.

Thật là một cú sốc khi chứng kiến một đồng minh lớn của Mỹ và quốc gia thành viên quan trọng trong EU phớt lờ các quan ngại của Brussels và Washington trong khi giành sự ưu tiên hơn cho Trung Quốc.

Sự “lười biếng” của EU trong việc vạch ra chính sách tài chính chung cho khối là lý do căn bản khiến các nước như Trung Quốc tận dụng cơ hội để nhảy vào và mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Ở đỉnh điểm cuộc khủng hoảng nợ châu Âu năm 2010-2011, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland, Italy và Tây Ban Nha đã đứng bên bờ vực vỡ nợ.

Chính việc chi tiêu không kiểm soát khiến thâm hụt ngân sách của họ tăng vọt, cùng thời điểm tăng trưởng trì trệ khắp châu Âu sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 càng đẩy họ tới sự sụp đổ kinh tế.

Việc Ngân hàng Trung ương châu Âu, EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân một loạt gói cứu trợ hàng tỷ euro đã cứu giúp các nền kinh tế này không đổ vỡ.

Thật không may rằng nhiều thành viên EU vẫn đang mắc nợ lớn. Tình hình có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra một lần nữa? Vai trò của Trung Quốc trong tình huống đó sẽ ra sao?

Nếu không có sự đoàn kết, đường hướng chung và giành ưu tiên cho các lợi ích của khối hơn các lợi ích của từng quốc gia cũng như lập ra và thực thi chính sách tài chính hợp lý và ổn định, sẽ rất khó để EU ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Nếu ban lãnh đạo EU không thể tạo ra đồng thuận giữa các nước thành viên để thúc đẩy một chính sách tài chính chung cho khối, mọi chuyện có lẽ sẽ trở nên quá muộn.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục