Đã khắc phục sự cố về điện cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng nay, sự cố điện đã được khắc phục cơ bản góp phần cho các trạm bơm vận hành tiêu úng cứu lúa.
Đã khắc phục sự cố về điện cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa ảnh 1Gặt lúa ngập nước ở Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến sáng nay, sự cố điện đã được khắc phục cơ bản tại các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam góp phần cho các trạm bơm vận hành tiêu úng cứu lúa.

Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam nêu rõ, tính đến 17 giờ ngày 28/7 công tác khắc phục sự cố hệ thống điện đã khắc phục xong lưới 500KV Thường Tín–Nho Quan và đường dây 220KV Ninh Bình–Bỉm Sơn.

Lưới điện phân phối cũng đã khắc phục xong 321/493 tuyến đường dây bị sự cố. Trong số đó, Hà Nội đã khắc phục 131/152 tuyến; Thái Bình 48/94 tuyến; Nam Định 23/85 tuyến; Hà Nam 20/56 tuyến; Ninh Bình 39/44 tuyến; Hải Phòng 60/62 tuyến.

Đặc biệt, ngày và đêm 28/7 ngành điện lực đã tập trung khắc phục các sự cố và đến sáng ngày 29/7 tất cả các trạm bơm thuộc các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam đã được vận hành, riêng còn trạm bơm Cốc Thành, dự kiến ngày hôm nay sẽ được vận hành.

Đã khắc phục sự cố về điện cho các trạm bơm tiêu úng cứu lúa ảnh 2Công nhân Công ty Điện lực Nam Định khắc phục các sự cố về điện do cơn bão số 1 gây ra. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cũng nêu rõ, trọng tâm hiện nay là chỉ đạo việc tiêu úng cứu lúa. Đồng thời các địa phương phải rà soát lại những diện tích phải gieo trồng lại, diện tích nào còn cứu được và đề xuất ngay chính sách hỗ trợ cho các địa phương.

“Điều này rất quan trọng vì thiệt hại ở vùng trọng điểm lúa phía Bắc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc lấy lại đà tăng trưởng những tháng cuối năm của nông nghiệp,” Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng nói.

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng lưu ý, hiện nay phía Đông vùng biển Philippines đang xuất hiện áp thấp. Dự báo, vùng áp thấp này sẽ mạnh lên thành bão trong vài ngày tới và khả năng bão sẽ vượt qua đảo Luzon, (Philippines) để đi vào Biển Đông. Sẽ xuất hiện lũ trên các sông, vì vậy các địa phương đồng bằng và trung du  Bắc bộ phải thường xuyên kiểm tra đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Mặt khác, mưa lớn cục bộ và kéo dài trong những ngày qua đã khiến nhiều khu vực đất bị ngập nước vì vậy các địa phương miền núi phía Bắc không chủ quan trong ứng phó, tiếp tục kiểm tra đề phòng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét./.

Theo thống kê sơ bộ, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 16 giờ ngày (28/7) do bão số 1 và hoàn lưu của bão đã làm 2 người chết; 1 người mất tích và 10 người bị thương (Hà Nội 5 người, Thái Nguyên 3 người, Hòa Bình 1 người, Nam Định 1 người).
- Khoảng 215.289ha lúa bị ngập úng; 55.283ha rau màu bị hư hại; 8.306ha cây trồng lâu năm và cây ăn quả bị gãy, đổ giảm năng suất và khoảng 34.093 cây xanh bị đổ, gãy.
- Về chăn nuôi khoảng 13.922 gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Khoảng 826ha và 59 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
- Về nhà ở có 8 nhà bị đổ sập hoàn toàn; 4.384 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 19 nhà bị ngập nước.
- Về tàu thuyền: 12 tàu cá bị chìm, 4 tàu vận tải bị hư hỏng do sóng đánh xô vào nhau; 75 bè mảng bị chìm.
- Có khoảng 17.026 cột điện bị gãy, đổ và 150m đường giao thông nông thôn bị sạt lở, hư hỏng. Đê kè bị sạt lở với tổng số 9 đoạn/831m, 170m kênh mương bị hư hỏng./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục