Đà Lạt trên con đường thành trung tâm du lịch sinh thái nông nghiệp

Không chỉ phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, văn hóa sinh thái mang phong cách xứ ôn đới, Đà Lạt cũng đang được xây dựng để trở thành điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam.
Đà Lạt trên con đường thành trung tâm du lịch sinh thái nông nghiệp ảnh 1Du khách nước ngoài thưởng thức ''Con đường mưa Đà Lạt.'. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Đà Lạt, thành phố xinh đẹp của cao nguyên Lâm Viên, vùng đất với dãy núi Lang Biang huyền thoại, đang tiếp tục những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa của đất nước và tỉnh Lâm Đồng.

Đã bước vào tuổi 122 (tính từ khi bác sỹ Alexandre Yersin khám phá ra vùng đất này vào năm 1893), nhưng Đà Lạt vẫn là một thành phố trẻ, năng động và giàu sức sống. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới của đất nước, Đà Lạt không ngừng vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí một trung tâm đa chức năng của tỉnh, của cả nước và từng bước vươn tầm quốc tế.

Đà Lạt không chỉ phố

Từ sau ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975), giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước (30/4/1975) và thành lập tỉnh Lâm Đồng đến nay, Đà Lạt giữ vai trò trung tâm chính trị, hành chính - thành phố tỉnh lỵ của Lâm Đồng.

Với diện tích xấp xỉ 395 km2, dân số gần 216.000 người, phân bổ trên địa bàn 12 phường và 4 xã, Đà Lạt là đô thị lớn nhất, địa phương có dân số đông nhất của tỉnh. Thành phố cũng là trung tâm kinh tế, đầu tàu tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, du lịch…

Nói đến Đà Lạt, trước đây người ta thường chỉ nghĩ đến một đô thị bình yên với những con phố quanh co, những con dốc mờ sương, những ngôi biệt thự, công sở, nhà dân nằm bên những hàng thông xanh, chen lẫn với những khóm mimosa, mai anh đào, hoa ban trắng, phượng tím cùng những vườn hoa xinh xắn.

Nay thì người dân và du khách gần xa đã cảm nhận về một Đà Lạt khác, quy mô hơn, đa dạng hơn. Đó cũng chính là lúc vùng ven và ngoại thành của Đà Lạt bước ra khỏi “màn sương mờ” để góp mặt cùng “Đà Lạt phố” làm nên một diện mạo mới cho thành phố.

Vùng ngoại thành của Đà Lạt gồm 4 xã: Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành và Tà Nung, cùng với một số khu vực vùng ven thuộc các phường 5, 7, 8, 11, 12 là những vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực, chiếm diện tích lớn nhất của thành phố, với hai nhóm sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu Đà Lạt là rau và hoa.

Đây là những nơi trồng và cung cấp ra thị trường những sản phẩm nổi tiếng mang thương hiệu hoa Đà Lạt như hoa hồng, cúc, cẩm chướng, đồng tiền, cát tường, địa lan, hồng môn, ly ly, lay ơn; danh tiếng rau Đà Lạt như xà lách các loại, ca rôn, cải xoong, bó xôi, bắp cải, súp lơ (bông cải), khoai tây, cà rốt, ớt ngọt (ớt chuông), hành tây và nhiều loại đặc sản khác như dâu tây, atiso, trái hồng, bơ, chè, càphê...

Vùng ven và ngoại thành cũng đang dần trở thành điểm đến thú vị của các loại hình du lịch nhà vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch làng hoa, du lịch “phượt” kết hợp săn ảnh và khám phá những cung đường mới, những vùng đất với địa hình đa dạng, phong cảnh hữu tình, mới lạ… Đây là một trong những bước chuyển đáng chú ý, tạo nên sự phong phú cho du lịch Đà Lạt, vốn từ lâu đã là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, tham quan, du lịch sinh thái nổi tiếng.

Diện mạo mới ngoại thành

Trong quy hoạch phát triển Đà Lạt thành vùng đô thị hiện đại ở những giai đoạn tới, hay trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố qua từng năm đã xác định việc đầu tư, phát triển cho khu vực ngoại thành và vùng ven để góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh kinh tế-xã hội của thành phố hài hòa, cân đối. Việc đầu tư phát triển các khu vực ngoại thành và vùng ven cũng nhằm đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, các điều kiện dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp và du lịch nông nghiệp của thành phố. Hai trong số các nhiệm vụ được đặt trọng tâm đó chính là xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo cho vùng ngoại thành.

Ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, khẳng định: “Cùng với cả nước và tỉnh, đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Lạt nỗ lực phấn đấu phát huy những thuận lợi, các thế mạnh của địa phương, vượt qua mọi khó khăn, tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được phát động đã đi vào cuộc sống, có sức lan tỏa rộng, với từng nội dung, hình thức phong phú đã tạo ra những chuyển biến tích cực.”

Thành phố đã huy động được hơn 1.800 tỷ đồng đầu tư xây dựng nông thôn mới tại các xã. Đến nay, các xã Xuân Trường, Xuân Thọ và Trạm Hành đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, riêng xã Tà Nung đã hoàn thiện 18/19 tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia và đang phấn đấu để đạt chuẩn trong năm 2015 này.

Vùng ngoại thành Đà Lạt nay mang diện mạo mới, với hệ thống đường giao thông nông thôn, hạ tầng cơ sở khang trang, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với không khí hối hả cả ngày lẫn đêm của trung tâm nông nghiệp này.

Ngoại thành nay đã "gần với phố,” để những Xuân Trường - đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, hay Xuân Thọ - với di tích cách mạng Trạm Bò là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của thành phố Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng từ thập niên 30 của thế kỷ trước, tự hào tiến về phía trước, đi lên trong phát triển kinh tế-xã hội như đã từng đi đầu trong các giai đoạn cách mạng trước đây.

Cùng với xây dựng nông thôn mới, thành phố cũng đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu ở khu vực ngoại thành và vùng ven.

Toàn thành phố hiện chỉ còn 154 hộ nghèo (0,38%) và 245 hộ cận nghèo (0,61%). Tuy là địa phương không có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chỉ gần 6.700 người, nhưng trong những năm qua thành phố Đà Lạt đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, tạo điều kiện phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Nhờ đó, đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng từ 19,9% năm 2009 được giảm xuống còn 1,9% vào cuối năm 2014. Hiện trong tổng số hộ nghèo của Đà Lạt chỉ có 7 hộ là người dân tộc thiểu số.

Trung tâm rau hoa, du lịch nông nghiệp

Nếu như Lâm Đồng là một trong những vùng chuyên canh rau và hoa lớn nhất của cả nước, Đà Lạt chính là “hạt nhân,” “đầu tàu” đóng góp lớn nhất cho vùng chuyên canh này. Trong tổng diện tích trồng hoa thương phẩm toàn tỉnh là gần 7.400ha, Đà Lạt chiếm đến 4.440ha; tổng sản lượng năm 2014 toàn tỉnh trên 2,3 tỷ cành, riêng Đà Lạt đã chiếm 1,5 tỷ cành.

Với cây rau, Đà Lạt đứng thứ ba về diện tích và sản lượng trong cả tỉnh (sau huyện Đơn Dương và huyện Đức Trọng), nhưng diện tích rau trên 6.600ha của Đà Lạt phần lớn là sản xuất theo công nghệ cao nên đem lại giá trị kinh tế cao hơn các địa phương khác.

Trong tầm nhìn tương lai, Đà Lạt được xác định là vùng trọng điểm phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao với hai nhóm sản phẩm chủ lực là rau và hoa, với đẳng cấp phát triển cao tầm cỡ quốc tế. Đến nay toàn thành phố đã có 4.500ha diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Các vùng chuyên canh rau, hoa nổi tiếng lâu nay như Vạn Thành, Thái Phiên, Trại Mát, Thánh Mẫu, Đa Thiện hay những nơi mới phát triển trồng rau hoa bên cạnh nhiều loại cây trồng chủ lực khác như Xuân Trường-Cầu Đất, Trạm Hành, Tà Nung đang tiếp tục được đầu tư cơ sở hạ tầng, điều kiện kỹ thuật, công nghệ cao, đổi mới quy trình sản xuất để mở rộng sản xuất rau an toàn, rau chất lượng cao, hoa cao cấp đáp ứng các tiêu chuẩn Global GAP, VietGAP để cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Riêng phường 11 đã được xác định là một trong ba vùng sản xuất rau an toàn trọng điểm của cả tỉnh.

Cùng với đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khẳng định vùng sản xuất và thương hiệu rau, hoa số 1 Việt Nam và vươn ra quốc tế, Đà Lạt cũng đang được xây dựng để trở thành điểm du lịch nông nghiệp số một Việt Nam.

Đà Lạt đang phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng mang phong cách xứ ôn đới - kiểu châu Âu, trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái đặc trưng Nam Tây Nguyên hàng đầu của Việt Nam và vươn tầm quốc tế. Trong tương lai không xa, nếu được đầu tư và quy hoạch bài bản, đúng hướng, thành phố ngàn hoa cũng sẽ trở thành điểm du lịch nông nghiệp hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị-hội thảo là trọng tâm trong phát triển kinh tế du lịch của Đà Lạt-Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, Đà Lạt-Lâm Đồng cũng chú trọng phát huy thế mạnh nông nghiệp công nghệ cao phục vụ du lịch, từ đó hình thành nhiều sản phẩm du lịch như canh nông, làng nghề, rau, hoa… thu hút rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch, tour du lịch của Đà Lạt-Lâm Đồng đã được thiết kế gắn với sản xuất nông nghiệp. Du khách trong và ngoài nước rất thích thú và không còn xa lạ với việc được trải nghiệm các chuyến du lịch farm-trip “một ngày làm nhà nông,” hay những buổi hái dâu tây, chăm sóc, thu hoạch rau, hoa tại các nhà vườn, nhà kính, làng hoa, tham quan đồi chè, hái chè và thưởng thức các loại chè đặc sản.

Thú vị và đầy chất phiêu lưu hơn là các tour “Đà Lạt không ở phố” để đến với các điểm du lịch dã ngoại ở vùng ngoại thành, các điểm du lịch trong rừng, thôn bản của đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Công ty tư vấn DI (Nhật Bản), Đà Lạt-Lâm Đồng nên từng bước xây dựng các mô hình mẫu sản xuất nông nghiệp giá trị cao, đa dạng hóa sản phẩm và hoạt động du lịch tương tác, sau đó nhân rộng ra các hộ nông dân trên địa bàn.

Ngoài ra, Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung cũng cần các chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh quảng bá và tiếp thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số trung tâm du lịch khác.

Với con số 4,8 triệu lượt khách du lịch đến Lâm Đồng trong năm 2014, trong đó riêng Đà Lạt đón trên 3,6 triệu lượt khách, chính là nguồn quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Đà Lạt-Lâm Đồng; đồng thời cho thấy tiềm năng lớn của du lịch nông nghiệp nơi thành phố ngàn hoa Đà Lạt, vựa rau hoa chất lượng cao và đặc sắc của cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục