Chiều 15/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lấy ý kiến phản biện xã hội về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn.
Nội dung trọng tâm của Hội nghị nhằm lấy ý kiến về điều chỉnh Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng (Công ty Cổ phần Bến du thuyền Đà Nẵng làm chủ đầu tư) và Dự án Olalani (Công ty Cổ phần Mỹ Phúc làm chủ đầu tư), nằm ở hai bên cửa sông Hàn.
Đây là các dự án từng gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận tại Đà Nẵng về những lo ngại ảnh hưởng đến dòng chảy của dòng sông và ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Sau nhiều lần chỉnh sửa, đến nay, các chủ đầu tư đã có phương án điều chỉnh quy hoạch dự án trình Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngày 1/11 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đề nghị lấy ý kiến phản biện xã hội về các các phương án này.
Cụ thể, đối với Dự án Bất động sản và Bến du thuyền Đà Nẵng, chủ đầu tư kiến nghị điều chỉnh: mở rộng đường ven sông khu vực dự án từ 10m (theo quy hoạch cũ) lên 15m, tăng diện tích giao thông hơn 4.983m2.
Đồng thời, thành phần sử dụng đất thay đổi như sau: đất ở chung cư từ 6.791m2 thành 8.761m2 (tăng 1.030 m2), đất ở biệt thự từ 15.299m2 thành đất nhà liền kề và biệt thự 14.096m2 (giảm 1.203m2), đất thương mại và dịch vụ từ 7.072m2 còn 4.235m2 (giảm 2.837m2).
Chủ đầu tư Dự án Olalani đề xuất: điều chỉnh lô đất chung cư giữa dự án thành đất biệt thự và nhà liền kề; dành phần đất cho công trình vượt sông Hàn có bề rộng 40m, hai bên quy hoạch chung cư kết hợp thương mại, dịch vụ, khách sạn.
Đồng thời, thay đổi thành phần sử dụng đất: đất chung cư từ 15.060m2 thành 21.349m2 (tăng 6.289m2), đất biệt thự giảm từ 7.522m2 còn 6.650m2 (giảm 872m2), đất chia lô giảm từ 23.420m2 còn 17.977m2 (giảm 5.443 m2).
[Đà Nẵng triển khai chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh”]
Về các đề xuất này, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng nhận định là cơ bản phù hợp với định hướng điều chỉnh quy hoạch chung.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần nghiên cứu các giải pháp quy hoạch để có thêm diện tích cho các không gian mở kết nối thông suốt từ đường Trần Hưng Đạo và Lê Văn Duyệt về phía sông, dành không gian cho trục cảnh quan ven sông; quan tâm các giải pháp chiếu sáng cho các công trình để tôn tạo cảnh quan sông Hàn về đêm.
Tại hội nghị phản biện, các đại biểu cho rằng việc điều chỉnh là phù hợp với định hướng của Đồ án quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 15/3/2021.
Các đại biểu đánh giá phương án, đề xuất điều chỉnh quy hoạch của các chủ đầu tư đã có sự đồng bộ, cảnh quan được kết nối hài hòa, diện tích không gian xanh và giao thông được tăng lên. Các công trình cao tầng được quy hoạch với khoảng cách hài hòa với tổng quan kiến trúc đô thị.
Nhiều ý kiến đóng góp thêm cho điều chỉnh quy hoạch lần này.
Đại biểu Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng) cho rằng cần đảm bảo nguyên tắc “ưu tiên dành không gian xanh phía sông phục vụ cộng đồng” và “bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt.”
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cần phải cân nhắc xem xét điều chỉnh phương án như thế nào để không phải bồi thường khoản tiền quá lớn cho các chủ đầu tư.
Ông Vũ Quang Hùng (Bí thư Quận ủy Hải Châu) nêu ý kiến cần khuyến khích tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc các tòa tháp cao tầng để lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo mỹ quan; nghiên cứu phương án kết nối vận tải công cộng, các giải pháp chiếu sáng công trình để góp phần tôn tạo cảnh quan sông Hàn về đêm.
Ông Bùi Chí Loan (Hội Cựu chiến binh thành phố) cho rằng cần xây dựng các khu dân cư, nhà ở, công trình công cộng theo hướng thấp dần về phía sông để người dân được tận hưởng môi trường, cảnh quan thiên nhiên sông Hàn. Tuyến đường ven sông mở rộng thành trục đi bộ rộng 20m dọc bờ sông, tăng diện tích cây xanh, bãi đậu xe, khu vui chơi... nhằm phục vụ người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết: Đa số các ý kiến tham luận đã thống nhất với chủ trương của Ủy ban Nhân dân thành phố về phương án điều chỉnh quy hoạch các dự án ven sông Hàn.
Các dự án cần điều chỉnh theo hướng đồng bộ, hài hòa cảnh quan tổng thể; ưu tiên dành không gian phía sông cho công viên và phục vụ công cộng; bố trí đường cảnh quan ven sông kết nối xuyên suốt, tuân thủ quy hoạch chung đã được phê duyệt.
Nguyện vọng chung của người dân thành phố mong muốn việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng cảnh quan kiến trúc của các dự án ven sông Hàn phải phù hợp với quy hoạch, cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo môi trường. Đồng thời, các công trình, dự án ven sông phải là điểm nhấn quan trọng, đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố và chất lượng cuộc sống của người dân./.