Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội

Thành phố Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại, nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch COVID-19.
Đà Nẵng tiếp tục nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội ảnh 1Người dân Đà Nẵng đi Chợ nhân đạo. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngày 10/9, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Công văn số 6055/UBND về chuyển trạng thái áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ phút ngày 11/9 cho đến khi có thông báo mới.

Thành phố Đà Nẵng cho phép các nhà hàng, cửa hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động trở lại, nhưng phải có cam kết và thực hiện phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Người chế biến thức ăn, đồ uống, chủ nhà hàng, chủ quán, người phục vụ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đeo khẩu trang, găng tay trong suốt thời gian chế biến, tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, thực phẩm, phục vụ khách hàng; giữ khoảng cách khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng; bố trí chỗ ngồi cho khách ăn, uống có khoảng cách tối thiểu 1m.

[70.972 người đại diện hộ gia đình ở Đà Nẵng có xét nghiệm âm tính]

Sắp xếp khu vực và yêu cầu khách hàng rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay trước, sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; tiến hành vệ sinh, khử khuẩn bề mặt bàn, ghế ngồi ngay sau khi mỗi lượt khách rời đi.

Các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên sẽ bắt đầu đi học trở lại từ ngày 14/9; các nhóm trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học, năng khiếu, kỹ năng sống, các trung tâm tư vấn du học, các cơ sở dạy thêm, học thêm... đi học trở lại từ ngày 21/9.

Các trường cao đẳng, đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp do hiệu trưởng, thủ trưởng các trường, cơ sở đào tạo quyết định ngày đi học lại của học sinh, sinh viên, học viên trên cơ sở hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và phải từ ngày 14/9 trở đi.

Theo Công văn, một số hoạt động tiếp tục tạm dừng bao gồm các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự, giải đấu thể thao, sự kiện... tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết.

Công văn yêu cầu không tổ chức ăn, uống tập thể (đám hiếu, đám hỷ, tiệc liên hoan, tân gia...) tập trung quá 30 người; khuyến khích người dân tổ chức đơn giản, gọn, không tập trung đông người.

Công văn yêu cầu tiếp tục tạm ngưng hoạt động của các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu tại các khu, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát xa, quán bar, vũ trường, rạp phim, các điểm vui chơi, giải trí có thưởng, điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng, trò chơi điện tử...; các phòng tập gym, yoga, bida; bể bơi trong nhà, ngoài trời; các giải đấu, tập luyện võ thuật tiếp xúc trực tiếp.

Các hoạt động khác được hoạt động trở lại với cam kết và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Các sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế, xã hội quá 30 người và thực sự cần thiết thì do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng tiếp tục áp dụng phương án phân chia tần suất đi chợ của người dân theo “Thẻ đi chợ” (3 ngày một lần).

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu người dân hạn chế ra khỏi nhà nếu không cần thiết; bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, giao tiếp, làm việc, tại nơi công cộng, công sở, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nơi đông người, trên phương tiện công cộng...

Yêu cầu người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 1m khi tiếp xúc; không được tập trung quá 30 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục