Đa số dân Mỹ ủng hộ chương trình theo dõi công dân của chính phủ

Lo ngại về nguy cơ khủng bố, có tới 56% người dân Mỹ ủng hộ chương trình giám sát liên lạc qua Internet của công dân mà không cần báo trước của chính phủ nước này.
Đa số dân Mỹ ủng hộ chương trình theo dõi công dân của chính phủ ảnh 1Trụ sở Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tại Fort Meade, Maryland. (Nguồn: AFP)

Ngày 30/12, hãng thông tấn AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công NORC công bố kết quả thăm dò cho biết đa số người dân Mỹ ủng hộ việc chính phủ giám sát hoạt động liên lạc qua Internet của công dân Mỹ mà không báo trước.

Cuộc thăm dò của AP-NORC được tiến hành qua mạng và qua điện thoại từ ngày 10-13/12 với 1.042 người trưởng thành.

Phần lớn những người được hỏi nói rằng việc chính phủ hy sinh tự do để đảm bảo sự an toàn có ý nghĩa khá quan trọng. Theo đó, 56% người dân Mỹ ủng hộ và 28% phản đối khả năng chính phủ tiến hành giám sát việc liên lạc qua Internet mà không cần giấy phép.

Mối quan ngại về khủng bố của người dân Mỹ đã tăng lên kể từ năm 2013. Theo kết quả thăm dò, gần 6/10 người Mỹ bày tỏ lo ngại nguy cơ họ hoặc gia đình họ có thể là nạn nhân của một vụ tấn công khủng bố, trong khi tỷ lệ này cách đây 2 năm chỉ là 3/10.

Đa số người Mỹ cho rằng các vụ tấn công gần đây tại thủ đô Paris của Pháp và thành phố San Bernardino, bang California, Mỹ cho thấy nguy cơ tấn công khủng bố nhằm vào các nước phương Tây đã tăng lên.

Tỷ lệ người dân Mỹ quan ngại về nguy cơ khủng bố nội địa và các cuộc tấn công tiềm tàng của các nhóm Hồi giáo cực đoan là ngang nhau.

Trước đó, ngày 29/11, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã chính thức chấm dứt chương trình thu thập dữ liệu điện thoại quy mô lớn và thay thế bằng một chương trình tập trung nhằm theo dõi người dân trong nước.

Theo chương trình mới, NSA bị cấm thu thập dữ liệu điện thoại theo “Đạo luật yêu nước,” được áp dụng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 nhằm tăng cường bảo vệ an ninh. Thay vào đó, NSA sẽ đề xuất các công ty dịch vụ điện thoại đảm nhận việc này và chỉ có thể tiếp cận các dữ liệu khi được phép của tòa án.

Chương trình cải cách trên là kết quả của việc "Đạo luật nước Mỹ Tự do" được phê chuẩn hồi tháng 6/2015 và được thực hiện hơn 2 năm sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden phơi bày toàn bộ sự thật về các hoạt động do thám trên diện rộng của các cơ quan tình báo Mỹ, đánh dấu một "bước lùi” lớn nhất trong lịch sử đối với hoạt động do thám của Mỹ kể từ sau sự kiện 11/9.

Tuy nhiên, sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Paris của Pháp đầu tháng 11 này, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa đang nỗ lực tiếp tục bảo vệ chương trình thu thập dữ liệu quy mô lớn này đến năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục