Đa số người dân tại các nước Arab phản đối tổ chức IS

Đa số người dân Arab phản đối tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi 62% số ý kiến trong thế giới Arab coi sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad là sự lựa chọn tốt nhất cho Syria.
Đa số người dân tại các nước Arab phản đối tổ chức IS ảnh 1Hiện trường đổ nát sau một vụ không kích của liên quân quốc tế xuống khu vực do IS chiếm giữ ở Fallujah, Iraq ngày 18/12. (Nguồn: THX/TTXVN)

Đa số người dân Arab phản đối tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi 62% số ý kiến trong thế giới Arab coi sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad là sự lựa chọn tốt nhất cho Syria.

Đây là kết quả cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn nhất ở Trung Đông, được báo Đức Tấm gương đăng tải ngày 22/12.

Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Arab (ACRPS) đã tiến hành thăm dò ý kiến của trên 18.300 người ở 12 quốc gia Trung Đông trong năm nay để lấy Chỉ số ý kiến Arab trong một cuộc thăm dò quy mô lớn nhất ở thế giới Arab.

Theo kết quả này, có tới 89% số người Arab được hỏi phản đối IS, đặc biệt tại các nước đang bị IS hoành hành như Iraq, tỷ lệ phản đối gần như tuyệt đối (99%).

Nơi có tỷ lệ phản đối ở mức thấp nhất là Mauritania, với 74%. Cuộc thăm dò cũng cho thấy có 62% số ý kiến coi sự ra đi của chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là sự lựa chọn tốt nhất cho Syria, 12% ủng hộ loại bỏ các phe nhóm đối lập và 9% cho rằng phải đánh bại IS trước khi tìm kiếm một giải pháp chính trị ở nước này.

Cũng theo kết quả thăm dò, có 23% số ý kiến được hỏi bày tỏ muốn rời bỏ quê hương vì lý do kinh tế và thiếu an ninh.

Vấn đề tách biệt giữa tôn giáo và Nhà nước đang gây chia rẽ ở người dân Arab khi có 52% ủng hộ việc chia tách, trong khi 44% phản đối.

Về vấn đề Israel, có tới 85% số người được hỏi từ chối thừa nhận Nhà nước Do Thái, con số không thay đổi so với cuộc thăm dò cách đây 4 năm.

Người Arab coi Mỹ, Iran và Nga là những nước đáng ghét nhất, trong đó có 65% phản đối chính sách đối ngoại của Mỹ với thế giới Arab.

Trong khi đó, có tới 57% số người Arab coi Mùa Xuân Arab là tiêu cực, gây chết chóc, thiếu an ninh và khiến bất ổn gia tăng. Kết quả này tăng mạnh từ mức 22% trong một cuộc thăm dò năm 2012.

Người dân ở 12 quốc gia Arab tham gia cuộc khảo cứu trên gồm Algeria, Ai Cập, Iraq, Jordan, Kuwait, Liban, Mauritania, Maroc, Palestine, Saudi Arabia, Sudan và Tunisia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục