Đắc Lắk: Dự án cải tạo rừng hay phá rừng?

Việc tỉnh Đắk Lắk đồng ý cho 2 DN thực hiện dự án cải tạo rừng ở Ea Súp khiến hàng trăm héc-ta rừng khộp có nguy cơ bị xóa sổ.
Việc tỉnh Đắk Lắk ra quyết định đồng ý cho hai doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện 2 dự án cải tạo rừng ở vùng biên giới huyện Ea Súp khiến cho hàng trăm ha rừng khộp - loại rừng đặc hữu độc đáo - có nguy cơ bị xóa sổ.

Không những vậy, diện tích của 2 dự án này lại được thiết kế trùng lên vùng dự kiến quy hoạch của dự án Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê-Chi Miết, khu vực phòng thủ kế hoạch A của tỉnh và doanh trại Đồn biên phòng 739.

Mục đích là để lấy gỗ?

Hai doanh nghiệp được phê duyệt thực hiện dự án là Công ty Cổ phần Bảo Ngọc (Cty Bảo Ngọc) thực hiện cải tạo rừng trên diện tích 537,8 ha và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vu xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Công ty Hoàng Gia Phát) thực hiện cải tạo rừng trên 193,5 ha rừng nghèo để trồng rừng và quản lý, bảo vệ 282,3 ha rừng trung bình.

Dư luận cũng như nhiều nhà sinh thái học đang đặt câu hỏi về tính hiệu quả của 2 dự án này. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế mật độ cây rừng ở đây con rất dày, cây non có đường kính trung bình từ 15 - 30cm; nhiều cây có đường kính lớn tới trên 60cm, cùng nghiều loại cây gỗ quý hiếm.

Đặc biệt rừng của vùng dự án đều thuộc dạng rừng khộp, một loại rừng đặc hữu độc đáo về nhiều mặt, là loại rừng tồn tại ở vùng có khí hậu khắc nghiệt. Để tồn tại được các loại cây ở đây đã được thiên nhiên chọn lọc qua hàng nghìn năm mới tạo nên vùng sinh thái đặc biệt này. Vì vậy vùng rừng này hiện không chỉ có giá trị về mặt tài nguyên mà giá trị về sinh thái-môi trường là rất lớn.

Tiếp xúc với phóng viên tại hiện trường, nơi thực hiện dự án của Công ty Hoàng Gia Phát, ông Võ Hồng Nguyên, Giám đốc công ty này cho biết: Nội dung của công việc cải tạo rừng là chặt tỉa, khai hoang để trồng keo lai trên diện tích rừng khộp được giao.

Theo tiêu chuẩn, mỗi héc-ta rừng khộp chỉ để lại 180 cây còn khả năng phát triển, còn lại sẽ đốn hạ để tận thu gỗ. Doanh nghiệp sẽ đầu tư vào đây khoang 7,7 tỷ đồng để thực hiện công việc cải tạo rừng.

Phóng viên đã được “mục sở thị” 4 ha rừng sát cạnh trụ sở Công ty Hoàng Gia Phát được “dọn dẹp” để thí điểm cho công việc cải tạo rừng: Cây rừng tự nhiên bị đốn hạ gần hết và sản phẩm thu được trước mắt là những đống gỗ to tướng với nhiều loại gỗ quý như giáng hương, căm xe, cà chít, gõ đỏ... Dĩ nhiên, đây là 4 ha thí điểm nằm sát cạnh trụ sở công ty; còn với những diện tích “khuất mắt trông coi” thì chắc chắn gỗ tận thu còn nhiều hơn gấp bội.

Ông Nguyên cho biết tổng khối lượng gỗ tận thu trên 193,5 ha rừng cải tạo khoảng 400 m3, tuy nhiên theo nhiều cán bộ ngành lâm nghiệp thì khối lượng gỗ thu được sẽ lớn hơn nhiều lần con số đó. Và đây chính là nguồn lợi lớn của doanh nghiệp chứ có thể không phải là những cây keo lai sẽ được trồng trong tương lai.

Cũng tương tự như vậy, Công ty Bảo Ngọc sẽ còn thu lợi nhiều hơn, bởi có diện tích thực hiện dự án lớn hơn và vùng rừng của họ còn “giàu” hơn với nhiều gỗ lớn, gỗ quý hơn rừng của ông Nguyên. Và theo một số lãnh đạo của Vườn quốc gia Yok Đôn, do diện tích của hai dự án này được thực hiện ngay vùng đệm giáp ranh với Vườn nên sẽ tạo thêm một áp lực lớn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Phớt lờ an ninh quốc phòng

Mặt khác, diện tích rừng được giao để thực hiện các dự án cải tạo, khoang nuôi phần lớn trùng vào Khu vực phòng thủ kế hoạch A của tỉnh, vùng dự kiến quy hoạch dự án Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê-Chi Miết của tỉnh, trạm của tổ công tác Đồn biên phòng 739 và diện tích đất canh tác của Đồn biên phòng này.

Toàn bộ diện tích rừng thực hiện dự án của Công ty Hoàng Gia Phát đều nằm trong Khu vực phòng thủ kế hoạch A của tỉnh Đắk Lắk. Về vấn đề này, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Lắk đã có công văn nêu rõ, đối với khu vực này không được khai thác tài nguyên như đá, gỗ, cũng như không được làm biến dạng địa hình. Tuy vậy, với kế hoạch cải tạo rừng thì dự án này sẽ chặt cây tự nhiên (chỉ chừa lại 180 cây/ha như thiết kế), san ủi mặt bằng, làm đường lô và thay thế cây tự nhiên bằng cây keo lai.

Công ty Hoàng Gia Phát cũng đang có kế hoạch lập trang trại nuôi động vật hoang dã tại đây. Vì vậy, việc thực hiện dự án sẽ gây tác động mạnh không chỉ đến môi trường mà còn làm biến đổi địa hình địa mạo, trái với điều kiện nghiêm cấm của một Khu vực phòng thủ kế hoạch A.

Vùng dự án của Công ty Bảo Ngọc là vùng sát biên giới. Trong số diện tích thực hiện dự án được phê duyệt ban đầu của doanh nghiệp này có tới gần 368 ha trùng vào vùng dự kiến quy họach dự án Khu kinh tế cửa khẩu Đắk Ruê-Chi Miết, trạm của Tổ công tác Đồn biên phòng 739 và diện tích đất canh tác của đồn này.

Với việc dự án được giao ở nơi thuộc những vùng nhạy cảm về quốc phòng như vậy, hình như những người tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã không tính toán kỹ về lợi ích kinh tế và công tác bảo đảm an ninh quốc phòng cũng như quy hoạch chung của tỉnh (?).

Việc cải tạo rừng có thành công hay không và sẽ mang lại lợi ích về kinh tế-xã hội-an ninh quốc phòng ra sao thì phải chờ thời gian mới có câu trả lời. Nhưng cái lợi trước mắt của các doanh nghiệp được thực hiện dự án thì đã rõ: Đó là những đống gỗ to tướng mà họ gọi là “tận thu” được trong công việc cải tạo rừng.

Nếu dự án cải tạo rừng sẽ thất bại, khả năng này chiếm tỷ lệ rất lớn bởi các dự án này thực hiện tại vùng rừng khộp, thì hậu quả sẽ khôn lường. Lúc đó "quả bóng" trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Hay cuối cùng chỉ là những bài học kinh nghiệm?

Điều khá khôi hài là, ông Võ Hồng Nguyên, Giám đốc Công ty Hoàng Gia Phát đã ký cam kết là sẽ hoàn trả lại nguyên trạng diện tích dự án mà không cần đền bù (!).

Cũng ngay tại huyện Ea Súp, bài học đắt giá từ thất bại của việc chuyển đổi hàng chục nghìn ha rừng khộp sang trồng điều vẫn còn nguyên giá trị./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục