Đặc phái viên LHQ tới Libya trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm

Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler đã tới Tobruk, nơi đặt trụ sở của Quốc hội được quốc tế công nhận, trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ đoàn kết dân tộc của nước này.
Đặc phái viên LHQ tới Libya trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ảnh 1Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Libya Martin Kobler. (Nguồn: AFP)

Ngày 21/2, đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Martin Kobler đã tới Tobruk, nơi đặt trụ sở của Quốc hội được quốc tế công nhận, trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm cho chính phủ đoàn kết dân tộc của nước này.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Kobler nhấn mạnh người dân Libya đang hướng về Tobruk và mong muốn một chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông khẳng định ông đến Tobruk là để hỗ trợ cuộc bỏ phiếu chứ không phải để can thiệp.

Đặc phái viên Kobler cũng đã có cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Salah. 

Trước đó, ngày 20/2, Thủ tướng được chỉ định của Libya Fayez al-Sarraj đã trình Quốc hội chương trình làm việc của chính phủ đoàn kết dân tộc mới trước thềm cuộc bỏ phiếu tín nhiệm dự kiến diễn ra ngày 23/2.

Các thành viên Quốc hội được quốc tế công nhận đã thảo luận với Hội đồng Tổng thống về chương trình của chính phủ cũng như danh sách Nội các.

Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Đại hội Nhân dân toàn quốc (GNC) là Quốc hội đã mãn nhiệm song không chịu từ nhiệm và tự thành lập chính phủ tại thủ đô Tripoli từ tháng 8/2014 với sự hậu thuẫn của phiến quân Hồi giáo, buộc chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển trụ sở tới thành phố Tobruk, miền Đông Libya.

Tình trạng trên đẩy Libya vào cảnh có hai chính phủ và hai quốc hội cùng tồn tại song song.

Hội đồng Tổng thống được thành lập sau thỏa thuận tháng 12/2015 dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, gồm các đại diện của hai Quốc hội đối địch.

Ngày 15/2 vừa qua, Hội đồng này đã đề xuất thành lập một chính phủ đoàn kết gồm 18 thành viên, trong đó có 13 bộ trưởng và 5 quốc vụ khanh.

Tuy nhiên, Quốc hội đã quyết định lùi thời điểm tiến hành bỏ phiếu công nhận chính phủ đoàn kết dân tộc từ ngày 16/2 sang ngày 23/2 do một số nghĩ sỹ bất bình khi phải đưa ra quyết định quá nhanh, đồng thời yêu cầu cho biết lý lịch của các Bộ trưởng được đề xuất.

Trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Sarraj được đề nghị tới Tobruk để trả lời chất vấn của các nghị sỹ.

Liên quan tới tình hình giao tranh, ngày 21/2, lực lượng trung thành với chính phủ ở miền Đông Libya tuyên bố đã đẩy lui các tay súng Hồi giáo tại một số khu vực ở thành phố Benghazi, trong đó có cảng chiến lược Marisa , thị trấn Ajdabiya, khu vực Al-Halis và bệnh viện Al-Hawari.

Việc giải phóng cảng Marisa có ý nghĩa quan trọng khi cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho các nhóm Hồi giáo ở phía Tây Benghazi. Giao tranh đã khiến 3 binh sĩ thiệt mạng và 15 tay súng Hồi giáo bị tiêu diệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục