Đặc phái viên Mỹ tới Cuba tham gia đàm phán hòa bình Colombia

Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định cam kết của Washington hỗ trợ nỗ lực hòa bình của Bogota đồng thời ủng hộ lời kêu gọi đoàn kết để đạt được hòa bình bền vững của Tổng thống Santos.
Đặc phái viên Mỹ tới Cuba tham gia đàm phán hòa bình Colombia ảnh 1 Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Đặc phái viên của Mỹ về tiến trình hòa bình Colombia đã khởi hành tới thủ đô La Habana của Cuba để hỗ trợ tìm giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua tại quốc gia Nam Mỹ này sau khi các cử tri Colombia bác bỏ thỏa thuận hòa bình.

Trong cuộc điện đàm ngày 4/10 với Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo Đặc phái viên Bernie Aronson trên đường tới Cuba, nơi đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia đang có các cuộc thương lượng với đại diện của Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC).

Theo người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ John Kirby, Ngoại trưởng Kerry tái khẳng định cam kết của Washington hỗ trợ nỗ lực hòa bình của Bogota đồng thời ủng hộ lời kêu gọi đoàn kết để đạt được hòa bình bền vững của Tổng thống Santos.

Cũng theo ông Kirby, Mỹ hoan nghênh tuyên bố của cựu Tổng thống Alvaro Uribe và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono cam kết nỗ lực vì hòa bình và sẵn sàng đối thoại.

Thất bại bất ngờ của cuộc trưng cầu ý dân hôm 2/10 vừa qua đã đẩy Colombia vào tình thế không chắc chắn và buộc Tổng thống Juan Manuel Santos phải tìm kiếm các thỏa thuận với các lực lượng chính trị khác nhau, bao gồm cả phe đối lập, để cố gắng cứu thỏa thuận hòa bình.

Ngày 4/10, đại diện Chính phủ Colombia và FARC đã có cuộc họp tại thủ đô La Habana (Cuba) để cùng tìm ra những khả năng có thể làm thay đổi tình hình và đáp ứng những yêu cầu từ nhóm các nhà chỉ trích thỏa thuận do cựu Tổng thống Uribe đứng đầu.

Mặc dù thỏa thuận hòa bình giờ đây đang trở nên mong manh, song Chính phủ Colombia và FARC vẫn quyết định sẽ giữ nguyên lệnh ngừng bắn song phương.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo FARC cho rằng thỏa thuận ký kết tuần qua với sự chứng kiến của cộng đồng quốc tế vẫn có hiệu lực bởi hiệu ứng của cuộc trưng cầu chỉ mang tính chính trị chứ không có tính pháp lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục