Đặc phái viên Mỹ tới Israel khởi động đàm phán

Đặc phái viên Trung Đông của Mỹ George Mitchell đã tới Israel nhằm khai thông tiến trình hòa bình đang bế tắc, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ.
Đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Mỹ George Mitchell ngày 29/10 đã tới Israel nhằm khai thông tiến trình hòa bình Trung Đông đang bế tắc, thậm chí có nguy cơ đổ vỡ hoàn toàn.

Tại Jerusalem, ông Mitchell đã dự lễ tưởng niệm cựu Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin, người đã bị ám sát cách đây 14 năm bởi một phần tử cực đoan Do Thái phản đối hòa đàm với Palestine.

Theo kế hoạch, ông Mitchell sẽ gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Ehud Barak và có thể hội đàm với các lãnh đạo Palestine.

Chuyến thăm của ông Mitchell nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Trung Đông cuối tuần này của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, với hy vọng tạo được cầu nối giữa Israel và Chính quyền Palestine và khởi động lại các cuộc hòa đàm song phương.

Bà Hillary cũng sẽ hội đàm với các lãnh đạo của cả Israel và Palestine, trước khi sang Morocco dự Diễn đàn quốc tế về Jerusalem ngày 2 - 3/11. Diễn đàn có sự tham gia của Nhóm G-8 và các nước Trung Đông nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế và chính trị.

Trong thông điệp gửi Diễn đàn quốc tế về Jerusalem, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 28/10 tuyên bố thành phố Jerusalem phải là thủ đô của hai nhà nước Israel và Palestine chung sống trong hòa bình, với những dàn xếp về các khu thánh địa linh thiêng được cả hai bên chấp nhận.

Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh giải pháp này thể hiện rõ quan điểm ghi trong các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Sáng kiến hòa bình Arập.

Theo kế hoạch, ngày 4/11 tới, Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ thảo luận một báo cáo quan trọng trong đó cáo buộc Israel và các tay súng Phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas phạm tội ác chiến tranh ở Dải Gaza trong cuộc xung đột cuối năm 2008.

Thẩm phán Richard Goldstone đứng đầu ủy ban điều tra, đã đề nghị chuyển báo cáo này tới Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) tại Hague (Hà Lan) nếu Israel và Hamas không làm rõ trách nhiệm của mỗi bên trong vòng sáu tháng tới. Hơn 1.400 người Palestine và 13 binh sĩ Israel đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kéo dài 22 ngày đêm này.

Các chuyên gia phân tích cho rằng ít có hy vọng tiến trình hòa bình Palestine-Israel đạt được đột phá trong tương lai gần. Người Palestine cương quyết không ngồi vào bàn đàm phán chừng nào Tel Aviv chưa ngừng hoàn toàn hoạt động xây dựng khu định cư Do Thái trên các phần đất chiếm đóng ở Bờ Tây. Trong khi đó, Israel đề xuất chỉ tạm hoãn một phần thay vì đóng băng toàn bộ hoạt động này, bất chấp sức ép của quốc tế kể cả Mỹ.

Tình hình càng phức tạp hơn bởi sự chia rẽ trong nội bộ Palestine, giữa đảng Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas với phong trào Hamas./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục