"Đại bản doanh" chiến dịch Điện Biên Phủ giàu lên từ càphê

Đứng trên đỉnh đèo Tằng Quái nhìn xuống thung lũng Mường Ảng, “đại bản doanh” đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ thấy bát ngát màu xanh của cây càphê.

Mường Ảng (theo tiếng đồng bào dân tộc Thái là “Mường Khoe” hay còn gọi là “Mường Đẹp”) có địa danh lịch sử Thẩm Púa được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đặt “đại bản doanh” đầu tiên, sau đó là Nà Tấu rồi mới đến Mường Phăng, trước khi mở màn trận đánh “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu.”

Tròn “Chín năm làm một Điện Biên,” tôi mới có dịp trở lại vùng đất Mường Ảng, giờ đã trở thành một huyện của tỉnh Điện Biên sau khi được chia tách từ huyện Tuần Giáo vào năm 2007. Do vậy, cảnh sắc và con người nơi này cứ vừa quen lại vừa lạ.

Quen vì con đường 279 dẫn vào thị trấn Mường Ảng vẫn thế, chỉ có rộng thêm và ít “cua tay áo" hơn. Còn lạ lẫm vì mường bản với những cái tên Ảng Tở, Ảng Cang, Ảng Nưa thân thuộc giờ đã ngói hóa, không còn xập xệ, hiu hắt như chín năm về trước.

Ngược thời gian trở lại những năm 60 của thế kỷ trước, khu vực này vốn là của Nông trường quốc doanh Mường Ảng với bạt ngàn cây Ten, được tỉnh Lai Châu (cũ) vinh danh là “quả đấm thép” trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng để xóa đói làm giàu. Do đó, hàng trăm hộ gia đình từ các tỉnh miền xuôi Thái Bình, Thanh Hóa, Hưng Yên ngược đèo Pha Đin hội tụ về đây lập nghiệp.

Dầu Ten hồi ấy được xuất cho các nước Đông Âu, dẫu không làm giàu được nhưng cũng giúp cho công nhân Nông trường, nhất là nhiều hộ đồng bào các dân tộc Thái, Mông ở địa phương thoát đói trong những tháng giáp hạt.

Nhưng đến cuối năm 1987, vì nhiều lý do nên dầu Ten không tiêu thụ được kể cả trong nước. Từ thời điểm đó cây Ten bị “khai tử,” Nông trường quốc doanh Mường Ảng ngập trong dầu Ten ứ đọng và nợ nần.

Thị trấn Nông trường vốn đã vắng vẻ càng hoang lạnh hơn, đến nỗi những lái xe đường dài không dám dừng nghỉ do nạn trộm cắp. Vì nơi này đã biến thành cứ điểm “đồn trú” của những kẻ nghiện ma túy từ khắp nơi đổ về.

Giờ đây đứng trên đỉnh đèo Tằng Quái nhìn bao quát xuống thung lũng Mường Ảng, chỉ thấy bát ngát điệp trùng một màu xanh của cây càphê.

Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Ảng Hà Văn Quân hồ hởi cho biết khi huyện đi vào hoạt động (tháng 4/2007), toàn huyện chỉ có vẻn vẹn 348ha cây càphê, hiện giờ đã lên tới trên 3.000ha, chủ yếu trồng tập trung tại diện tích trước kia chuyên canh cây Ten của Nông trường quốc doanh Mường Ảng, sản lượng ước đạt bình quân mỗi năm 4.300 tấn càphê/trấu.

Chất lượng càphê Mường Ảng được các chuyên gia đánh giá cao, có hương vị đặc trưng riêng. Đề án phát triển cây càphê bền vững của huyện giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020, trong đó đề ra mục tiêu đến cuối năm 2015 thành lập Hội càphê Mường Ảng và gia nhập Hiệp hội càphê-cacao Việt Nam, tiến tới xây dựng nhãn hiệp tập thể càphê Mường Ảng.

Vượt qua đèo Tằng Quái luôn được mây mù ấp ủ chợt mưa chợt nắng, chúng tôi rẽ vào thăm xã vùng sâu Ngối Cáy. Con đường dẫn vào trung tâm xã 60 năm về trước vốn là một trong những nhánh đường bộ đội ta kéo pháo vào Điện Biên Phủ, nay đang được cứng hóa, thi thoảng bắt gặp những cặp đôi thanh niên Thái, Mông phóng xe máy ào qua.

Sau bảy năm được tách ra từ xã Mường Đăng, bằng nhiều dự án từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống điện-đường-trường-trạm ở đây đã hình thành. Đặc biệt là diện tích trồng ngô, sắn thu hẹp dần, nhường chỗ cho diện tích trồng 170ha cây càphê lớn hơn cả diện tích gieo trồng lúa, ngô, đậu tương cộng lại.

Dù cách trung tâm huyện 25km đồi núi cao hiểm trở, nhưng điện lưới quốc gia đã thắp sáng các mường bản của Ngối Cáy đã gần 10 năm.

Nhưng chúng tôi thật sự kinh ngạc khi đội ngũ cán bộ xã từ già đến trẻ đều sử dụng thành thạo máy vi tính. Diện tích tự nhiên, dân số, quy trình trồng cây càphê và ngay cả diện tích trồng của từng hộ đều được lưu vào file riêng rất bài bản. Chỉ cần một cú nhấp chuột, Bí thư xã Lò Văn Yên đã cung cấp đầy đủ cho chúng tôi mọi thông tin trên các lĩnh vực của xã theo yêu cầu.

Rời Ngối Cáy đang tiến nhanh trên lộ trình xóa đói giảm nghèo, chúng tôi đến xã Búng Lao là xã cuối huyện Mường Ảng, giáp ranh với xã Nà Tấu của huyện Điện Biên.

Theo Lịch sử Đảng bộ Lai Châu tập I (1945-1975) có ghi: “Để tiện cho sự chỉ đạo công tác phục vụ chiến dịch theo Chỉ thị của Trung ương và Khu ủy Tây Bắc, từ tháng 1/1954 Ban cán sự Đảng và Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh đã nhanh chóng chuyển Văn phòng về hang Thẩm Púa, thuộc xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay thuộc huyện Mường Ảng) gần Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Điện Biên Phủ, để kịp thời nhận nhiệm vụ của cấp trên và triển khai xuống các huyện.”

Búng Lao đẹp như bức tranh thủy mạc, có non cao với vách đá dựng đứng bao bọc xung quanh, con suối nhỏ uốn lượn theo trục đường 279 chia đôi cánh đồng xanh ngăn ngắt của lúa đang vào “thì con gái.”

Thị tứ nơi này đông vui sầm uất đủ mọi mặt hàng chẳng kém gì trung tâm của các xã miền xuôi, nhưng vẫn giữ được nét khu biệt của đồng bào Thái đen Tây Bắc. Đó là những dãy nhà sàn hai tầng lợp ngói đỏ khang trang, tầng dưới để bán hàng còn tầng trên là nơi sinh hoạt.

Ghé vào cửa hàng của chị Lò Thị Giót bán thực phẩm khô, chị đon đả chào mời bằng tiếng phổ thông rất sõi: “Cán bộ ơi mua cá Khính Búng Lao về làm quà đi. Còn càphê bà con mình tự trồng và chế biến đấy.”

Chúng tôi đến đây đúng vào ngày Chủ nhật, nên được “mục sở thị” khắp các nẻo đường liên bản từ Xuân Tre, Co Nỏng, Xuân Món... đã được trải bêtông phẳng lỳ tấp nập người xe đổ về thị tứ Búng Lao.

Ngoài càphê, loại đặc sản mía tím ở đây có thể coi là cây chủ lực. Theo lời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lường Văn Hoan, từ sáu năm nay đồng bào Thái của Búng Lao đã chuyển dần diện tích trồng lúa nương sang trồng càphê và cây mía tím làm hàng hóa.

Riêng giống mía tím ở địa phương đang “lên ngôi” nhờ không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu chỉ làm cỏ và phun thuốc chống rệp. Với giá bán 10.000 đồng/cây, mía tím đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường trong tỉnh và vượt đèo Pha Đin sang tận Sơn La, nhiều hộ dân của xã đạt thu nhập từ 80-200 triệu đồng mỗi năm.

Hiện cấp ủy, chính quyền xã Búng Lao đang tiếp tục vận động, hỗ trợ đồng bào ứng dụng khoa học-kỹ thuật, đưa các giống cây trồng chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa; mở rộng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại và dịch vụ.

Chắc chắn đến năm 2015 xã sẽ hoàn thành 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Lường Văn Hoan khẳng định chắc nịch như cái bắt tay của ông khi tạm biệt chúng tôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục