Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn về an toàn thực phẩm, quản lý đô thị

Tại phiên chất vấn, có 31 lượt đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã nêu câu hỏi chất vấn và tái chất vấn tập trung vào hai nhóm vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý đô thị.
Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn về an toàn thực phẩm, quản lý đô thị ảnh 1Kỳ họp thứ 3 Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, Khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 7/12, Kỳ họp thứ 3, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại phiên chất vấn, có 31 lượt đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố đã nêu câu hỏi chất vấn và tái chất vấn tập trung vào hai nhóm vấn đề an toàn thực phẩm và quản lý đô thị.


Tái chất vấn công tác phòng cháy, chữa cháy

Trong phiên tái chất vấn về tình hình thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 2 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội khóa XV, nhiều đại biểu tiếp tục tái chất vấn về công tác thực hiện phòng cháy chữa cháy.

Được phân công phụ trách lĩnh vực, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết tới đây, thành phố sẽ kiên quyết cưỡng chế buộc các chủ đầu tư các khu chung cư, nhà tái định cư, nhà cao tầng có tồn tại, vi phạm ký cam kết đảm bảo an toàn công tác phòng cháy chữa cháy. Với những chủ đầu tư chây ì sẽ có biện pháp xử lý. Với công trình đang xây dựng dở sẽ bị công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không mua các căn nhà không đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy. Đồng thời, nếu các công trình này không có biên bản bàn giao nghiệm thu đủ điều kiện an toàn thì nhất quyết không cho người dân vào ở.

Trước đó, các đại biểu đã đặt câu hỏi tái chất vấn cho Giám đốc Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Nêu câu hỏi tái chất vấn đầu tiên về vấn đề Phòng cháy chữa cháy tới Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, tổ đại biểu Thạch Thất nhắc lại vụ cháy quán karaoke 68 Trần Thái Tông (Cầu Giấy) gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đại biểu hỏi: “Trong hơn 1.200 cơ sở kinh doanh karaoke, Công an thành phố đã cấp được bao nhiêu giấy chứng nhận đủ điều kiện? Và thu hồi được bao nhiêu giấy phép không đủ điều kiện?”

Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, cho biết: "Hiện nay, thành phố có 1.317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó đủ điều kiện cấp phép là 1.234 cơ sở. Trong năm 2016, thành phố đã cấp 2.441 giấy chứng nhận an ninh trật tự với các cơ sở kinh doanh có điều kiện. Trong tổng số này, đã kiểm tra 1.702 lượt cơ sở, phát hiện hơn 1.000 cơ sở có vi phạm, phạt 6,4 tỷ đồng, thu hồi 31 giấy phép. Riêng với quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông là cơ sở đang trong giai đoạn làm thủ tục chờ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh chứ chưa được cấp giấy chứng nhận. Các cơ quan chức năng đã xuống kiểm tra và nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu không được hoạt động nhưng cơ sở này vẫn lén lút hoạt động, dẫn đến sự cố. Sau khi sự việc xảy ra, Công an thành phố đã họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân, từ Phòng PC64, là đơn vị được giao nhiệm vụ hướng dẫn quận, huyện, thị xã quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, đặc biệt với quận Cầu Giấy và Công an phường Dịch Vọng Hậu. Chỉ tính từ ngày 7-25/10, Công an quận Cầu Giấy đã ba lần đến kiểm tra, lập biên bản yêu cầu chủ doanh nghiệp dừng hoạt động. Tuy nhiên, ý thức của doanh nghiệp, của người dân có vấn đề. Nhưng qua vụ việc, chúng tôi thấy rõ được trách nhiệm của mình và thấy rằng chưa đạt yêu cầu với kỳ vọng của nhân dân."

Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn về an toàn thực phẩm, quản lý đô thị ảnh 2Quán karaoke bị cháy đã "ăn bớt" nhiều hạng mục an toàn (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Trả lời chất vấn của Đại biểu Trần Thế Cương, tổ đại biểu Bắc Từ Liêm về trách nhiệm của Sở có liên quan đến quảng cáo và hoạt động karaoke, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Văn Động cho biết liên quan đến vụ cháy quán karaoke tại 68 Trần Thái Tông, Sở đã kiểm điểm trách nhiệm hai cơ quan có liên quan là Phòng Quản lý văn hóa và Thanh tra Sở; chỉ rõ trách nhiệm của Đảng ủy, Giám đốc Sở, Phó Giám đốc Sở, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa, Chánh thanh tra và các phó phụ trách lĩnh vực karaoke; đặc biệt kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân phụ trách địa bàn.

“Hoạt động kinh doanh karaoke nhạy cảm, rất đặc biệt và luôn bị chủ cơ sở lợi dụng, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro như cháy nổ, an toàn, ma túy, mãi dâm... Một số chủ cơ sở kinh doanh lợi dụng hoạt động này để kiếm lời, bất chấp pháp luật, lách luật cho nên công tác kiểm tra, thanh tra rất khó khăn. Chủ cơ sở luôn muốn đầu tư ít mà lợi nhuận nhiều. Dư luận nói rằng đâu đó có thể có cán bộ cơ quan nhà nước tiếp tay cho cơ sở kinh doanh dẫn đến đánh đố lực lượng quản lý. Các lần thanh tra đều được chủ cơ sở biết trước thông tin nên khi kiểm tra thường rất "sạch sẽ," rất tốt. Ngoài ra, mức xử phạt trong lĩnh vực này rất thấp, không có tính chất răn đe. Chủ cơ sở sẵn sàng nộp phạt để tiếp tục hoạt động,” ông Tô Văn Động chia sẻ thêm.

Về giải pháp trong lĩnh vực quảng cáo, liên quan đến nhiều sở ngành, quận huyện thị xã, trong năm 2016, ông Động cũng cho biết sau bốn tháng thực hiện chỉ thị 16 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã dỡ được 178/190 biển (đạt 93,6%); 100% bảng quảng cáo hộp đèn vi phạm; xử lý thêm 43 biển quảng cáo mặt tiền và bên hông. Thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm, sớm phê duyệt quy hoạch quảng cáo đến năm 2020 để các quận huyện có cơ sở thực hiện.

Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố Hà Nội, cho biết: "Để xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, chúng tôi cũng ý thức được trách nhiệm của lực lượng mình. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm đối với toàn thành phố và trên nhiều góc độ và cũng nhận thấy lực lượng thực hiện kiểm tra và hướng dẫn Phòng cháy chữa cháy cũng phải xem xét nhiều vấn đề như công tác triển khai chưa thật tốt, chưa nắm vững địa bàn, cơ sở. Tuy nhiên, lực lượng Phòng cháy chữa cháy còn gặp nhiều khó khăn như kinh phí, nguồn lực. Trong những năm tới, chúng tôi xác định phương châm xây dựng lực lượng Phòng cháy chữa cháy thành phố là chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại.”

Trong phiên chất vấn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết thêm tới đây, các công trình tái định cư cần duy tu, sửa chữa, bổ sung... sẽ được thực hiện bằng ngân sách thành phố. Đồng thời, thành phố vẫn tiếp tục quan tâm thực hiện Phòng cháy chữa cháy tại chỗ; tiếp tục kiểm tra lại việc huấn luyện, diễn tập tại các cơ sở, nâng cao hơn nữa tính chủ động và ý thức của người dân trong việc bảo quản, sử dụng thiết bị phòng cháy chữa cháy và thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy.

"Nóng" vấn đề quản lý đô thị

Có 18 lượt đại biểu phát biểu với nhiều nhóm vấn đề tập trung chính vào vi phạm trật tự xây dựng; quy hoạch trong nội đô; trách nhiệm của các cơ quan tham mưu; quản lý lòng đường vỉa hè; quản lý ùn tắc giao thông,...

Đại biểu Nguyễn Xuân Phương, tổ đại biểu Sóc Sơn nêu băn khoăn về vấn đề tăng dân số cơ học và cho rằng với tốc độ dân số như thế thì 3-5 năm nữa sẽ hiện hữu ách tắc, ùn ứ và đề nghị cho biết lộ trình triển khai các khu đô thị vệ tinh để người dân yên tâm, kể cả nhà đầu tư yên tâm hướng về các khu đô thị vệ tinh đó.

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Lê Vinh trả lời theo quy hoạch Hà Nội có năm khu đô thị vệ tinh, hiện đã phê duyệt được bốn quy hoạch Sóc Sơn, Sơn Tây, Xuân Mai và Phú Xuyên. Còn khu đô thị Hòa Lạc đang trình Thủ tướng Chính phủ để sớm phê duyệt. Tuy nhiên không phải chờ quy hoạch hết thành phố mới tiến hành xây dựng mà hiện tại đang thực hiện song song để giảm áp lực cho trung tâm. Thành phố đang kêu gọi các nhà đầu tư quốc tế cùng xác lập quy hoạch và đầu tư để tạo cơ sở vật chất cho Khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Hoàng Huy Được, tổ đại biểu Ba Vì về việc "trong phê duyệt quy hoạch có tính đến câu chuyện giao thông không và nếu như cứ tiếp tục phê duyệt nhà cao tầng như thế này thì việc ách tắc còn kéo dài. Như thế sáu giải pháp thì còn xa mới mang lại kết quả nhưng tương lai ách tắc giao thông thì rất gần,” ông Lê Vinh cho biết Hà Nội hiện nay nhu cầu nào cũng cần, giao thông cần, nhà ở cần, tất cả đòi hỏi cùng lúc, phải đặt ra lời giải cho bài toán này.

Hà Nội tăng dân số cơ học rất khó kiểm soát, như vậy nếu không xây dựng cao tầng thì không đủ đất xây dựng nhà ở cho 10 triệu dân. Còn ách tắc giao thông là bài toán tổng thể cần từng bước tháo gỡ từ vấn đề dân số, kinh phí đầu tư hạ tầng... Trong quy hoạch, thành phố đã tính toán tất cả khu cao tầng đều được quy hoạch bởi hệ thống giao thông công cộng, nhưng thực tế tốc độ phát triển nhà ở cao hơn rất nhiều so với đầu tư cơ sở hạ tầng. Sự vênh nhau này nên gây ùn tắc giao thông.

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, tổ đại biểu huyện Thanh Oai bày tỏ ý kiến quy hoạch luồng tuyến chưa hoàn toàn đúng với quy hoạch, tần suất hoạt động của các xe ở một số tuyến còn bất cập, chưa hợp lý là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vành đai hoặc các địa điểm xung quanh bến xe. Từ năm 2013, Thủ tướng đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông vận tải tìm giải pháp khắc phục.

Ngày 11/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn số 276 yêu cầu Sở Giao thông vận tải đảm bảo sắp xếp các tuyến đúng lộ trình theo quy định, giảm dần vào các tháng 8, 9 và chấm dứt vào ngày 1/10. Tuy nhiên đến nay việc giải quyết này vẫn còn tồn tại và chưa được khắc phục triệt để.

Đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng đặt câu hỏi về phương hướng tháo gỡ, giải quyết dứt điểm tình trạng này trong thời gian tới. Trước câu hỏi của đại biểu Hoàng Thị Thúy Hằng, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, thừa nhận rằng hiện nay việc điều chỉnh các luồng tuyến xe liên tỉnh theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố còn chậm. Ban đầu, Hà Nội có phương án điều chỉnh các tuyến xe của bốn tỉnh, thành phố là Nghệ An, Gia Lai, Đắk Lắk, Thanh Hóa từ Mỹ Đình sang khu vực bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, phương án ấy không đảm bảo công bằng giữa các tỉnh, thành phố, không đảm bảo điều chỉnh đồng bộ các luồng tuyến; các tuyến buổi đêm hoặc ngoài giờ cao điểm mà cũng điều chuyển thì chưa đảm bảo được mục tiêu điều chuyển quy hoạch cục bộ luồng tuyến giảm ùn tắc giao thông.

Sở Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm làm chậm đề xuất để báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố và Bộ Giao thông Vận tải. Chậm theo chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhưng phù hợp với quy định có 2 thời điểm để phê duyệt điều chỉnh quy hoạch là tháng 12 và tháng 6. Sở sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải để phê duyệt vào thời điểm tháng 12/2016.

Đại biểu Hoàng Đình Đoàn, tổ đại biểu quận Hoàng Mai thể hiện sự quan tâm đến tình trạng ách tắc giao thông và đặt ra câu hỏi thành phố sẽ giải quyết tình trạng này như thế nào?

Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn về an toàn thực phẩm, quản lý đô thị ảnh 3Cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp với số lượng phương tiện giao thông tăng mạnh mẽ mỗi năm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trả lời câu hỏi chất vấn này, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cho biết Sở đã tổ chức hội thảo về quy hoạch tổ chức giao thông cho Hà Nội và nhận được nhiều giải pháp của các đại biểu và các nhà quản lý.

Trong đó, có sáu nhóm giải pháp cơ bản là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; phát triển hệ thống giao thông công cộng; tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp với thực tiễn; quản lý, tổ chức điều hành hệ thống giao thông thông minh; quản lý phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện khác, có lộ trình giảm dần xe máy và tiến tới dừng xe máy ở khu vực nội đô; tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật với xử lý nghiêm vi phạm.

Trong phiên chất vấn, nhiều đại biểu cũng gửi tới Giám đốc Công an thành phố Hà Nội nội dung câu hỏi liên quan đến việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè của những người bán hàng rong; các bãi trông giữ xe trái phép và tại một số điểm có xe khách liên tỉnh dừng, đón, trả khách sai quy định dẫn đến hàng, quán rong. Tại những điểm này có hay không hiện tượng bảo kê cho các đối tượng này.

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đoàn Duy Khương cho biết: "Trên địa bàn thành phố có 35 điểm tập trung trông xe trái phép, chủ yếu ở quận nội thành. Đại biểu đặt vấn đề có bảo kê hay không? Chúng tôi khẳng định là có dấu hiệu này! chúng tôi đã khởi tố một bị can, chuyển sang viện kiểm sát quận Hoàng Mai để truy tố trước pháp luật, đây là một điển hình về bảo kê, thu phí với các điểm giữ xe công cộng."

Hiện đã giải quyết được hơn 1.300 điểm vi phạm trật tự đô thị. Công an Thành phố luôn có phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải để phối hợp xử lý cương quyết vì lao động tỉnh ngoài về Hà Nội mưu sinh có chiều hướng gia tăng nhanh, họ đến đây mưu sinh, ở trọ, bán hàng rong một hai giờ rồi về, đây cũng là vấn đề khó khăn đối với lực lượng chức năng. Vi phạm văn minh đô thị không chỉ là đối tượng chèo kéo mà còn các nhóm tội phạm, nhất là các nhóm tội phạm liên quan đến tín dụng đen, đổ chất thải, chất bẩn vào nhà, bắt giữ người, tra tấn người trái pháp luật đều có nguyên nhân xuất phát từ tín dụng đen, số cầm đồ.

Công an thành phố Hà Nội đã tập trung đấu tranh, thí điểm tại một số điểm kinh doanh cầm đồ ở phố Đặng Dung để tập trung rút kinh nghiệm và tới đây triển khai toàn thành phố, đây là địa chỉ đỏ về tội phạm tín dụng đen.

Quản lý theo hướng truy rõ nguồn gốc thực phẩm

Có chín đại biểu tham gia chất vấn về vấn đề an toàn thực phẩm. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, tổ đại biểu Thạch Thất hỏi: “ Tôi có cảm nhận chúng ta rất màu hồng, gần như đều rất yên tâm các sản phẩm, cơ bản sạch nhưng dư luận nhân dân lại không cho như vậy. Tỷ lệ ung thư của chúng ta đã đạt 140/100.000 người. V ẫn có tình trạng trồng rau ăn và rau bán để riêng. Trách nhiệm của lực lượng giám sát an toàn thực phẩm ở đâu, đã có vụ nào chuyển công an xử lý. Tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra chỉ có 1,3% vượt giới hạn tối đa, vậy giới hạn cho phép là bao nhiêu phần trăm?"

Đại biểu Vũ Mạnh Hải, tổ đại biểu Thường Tín, hỏi: “Hiện nay, trên 70% người tiêu dùng vẫn mua thực phẩm từ các chợ dân sinh và chợ cóc, chợ tạm, chỉ có 30% người tiêu dùng giao dịch tại siêu thị, qua nhiều kênh thông tin của người tiêu dùng và của cử tri, tại các siêu thị cũng diễn ra tình trạng thực phẩm sạch nhưng thực chất lại là không sạch, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu. Một số thực phẩm nhập khẩu quá hạn sử dụng, hạ giá được nhập về, thay đổi hạn sử dụng để tiếp tục bán ra thị trường. Đây là vấn đề rất đáng chú ý, trong vấn đề đó, công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại một số chợ trên còn mang tính hình th ức , thiếu chặt chẽ, chủ yếu là cảm nhận bằng cảm quan và hóa đơn chứng từ, vì vậy làm thế nào để kiểm soát được thực phẩm ở các điểm chợ trên và các siêu thị trên, đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết công tác phối hợp giữa chính quyền sở tại và ban quản lý chợ, các đơn vị có liên quan?”

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn về tình trạng mất vệ sinh trong việc giết mổ gia súc gia cầm gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo an toàn thực phẩm, vậy công tác quản lý nhà nước đối với các điểm giết mổ này như thế nào, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?

Lần lượt trả lời về các nội dung liên quan là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Chu Phú Mỹ và Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng.

Đại biểu HĐND Hà Nội chất vấn về an toàn thực phẩm, quản lý đô thị ảnh 4Quầy bán hàng thực phẩm tươi sống gia súc gia cầm ở chợ Hôm Đức Viên. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Chu Phú Mỹ cho biết về vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, Sở có trách nhiệm ngăn chặn. Về công tác trồng trọt, Sở thường xuyên quản lý nhà nước trên địa bàn, phối hợp cơ quan truyền thông phổ biến kiến thức trồng trọt cho các tổ chức, cá nhân theo quy định về an toàn thực phẩm, xây dựng các chuỗi liên kết, các cơ sở kinh doanh được công khai, kiểm tra 110/198 cơ sở, phát hiện 11 mẫu có dư lượng vượt giới hạn cho phép.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, kiểm tra công tác chăn nuôi, trồng trọt, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý, xây dựng hướng dẫn, giám sát quy trình trong chăn nuôi từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản... Các cơ sở không sản xuất an toàn thì không thể bán hàng.

Sở sẽ công khai các cơ sở vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng, cơ sở thu mua được biết để tẩy chay sản phẩm không an toàn. Tăng cường công tác giết mổ và xử lý theo pháp luật, tạo ra các sản phẩm an toàn, tuyên truyền người tiêu dùng nghiêm túc thực hiện hướng dẫn, xử nghiêm cán bộ trong ngành để xảy ra sai sót, vi phạm, ảnh hưởng đến công tác an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh các mô hình mẫu về an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại nơi sản xuất, xây dựng mô hình, tem, logo, quản lý đầu vào các chuỗi cung cấp thực phẩm.

Trên địa bàn hình thành nhiều điểm giết mổ gia súc, gia cầm, có bảy cơ sở công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, có bốn cơ sở giết mổ thủ công, có hơn 1.050 điểm giết mổ nhỏ lẻ, phần lớn nằm trong khu dân cư chưa được kiểm soát. Sở sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về công tác giết mổ, tuyên truyền vận động doanh nghiệp, cá nhân thực hiện giết mổ theo quy định. Đảm bảo kiểm soát đầu vào sản xuất rau. Toàn thành phố có hơn 5200ha rau an toàn, cấp giấy xác nhận cơ sở đảm bảo đủ điều kiện.

Đối với lực lượng thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn kiểm soát kiểm tra cơ sở không đủ điều kiện giết mổ thực phẩm và không cung cấp tem của an toàn thực phẩm. Thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã để xây dựng khu giết mổ tập trung theo quy hoạch, đình chỉ các cơ sở giết mổ thủ công không theo quy định, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhiều khu giết mổ tập trung trên địa bàn thành phố. Chúng tôi yêu cầu các cơ sở phải cam kết đảm bảo thực hiện nghiêm túc thực hiện quy trình sản xuất an toàn thực phẩm và trong năm 2017, chúng tôi sẽ quyết tâm kiểm soát các cơ sở sản xuất, yêu cầu các cơ sở ký cam kết.

Mở đầu phiên trả lời chất vấn của mình, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng trả lời về vấn đề thực phẩm nhập khẩu, trong đó có vấn đề thực phẩm quá date bị dán lại tem mác tất cả các sản phẩm đều phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không có xuất xứ thì là phạm pháp. Vì thế mọi người sẽ chính là người kiểm soát.

Ông Thăng công nhận có hiện tượng nhập khẩu thực phẩm do quá trình mua của các nước gần hết hạn nhập về Việt Nam, đầu tiên là qua cửa khẩu, sau đó đi theo con đường vận chuyển về tổng kho và từ tổng kho về siêu thị.

Trong quá trình kiểm soát, pháp luật chỉ cho kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ qua hóa đơn chứng từ vì vậy phải đưa lực lượng để xét nghiệm, phát hiện tình trạng quá date thì mới xử lý được. Còn quản lý tại các hệ thống siêu thị, các siêu thị phải kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm nhập vào kinh doanh. Còn qua hệ thống chợ, thực phẩm nhập khẩu qua chợ đầu mối càng ít khả năng mà chủ yếu qua trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng.

Thịt bò mỗi tháng có nhu cầu 4.000 tấn, khả năng cung cấp tại chỗ chỉ có từ 17-19%, nhập khẩu nước ngoài khoảng 40%, nhập khẩu từ các tỉnh khoảng 40%. Nhập nguyên con từ nước ngoài về chiếm 60%, còn lại chỉ có 40% là nhập khẩu qua đông lạnh. Mỗi tháng, người dân Hà Nội có nhu cầu tiêu thụ 5.000 tấn hải sản nhưng khả năng đáp ứng chỉ được 3,4% nên vẫn phải nhập của các tỉnh khoảng 93,6%, còn các nước chỉ khoảng 2,8% như cá hồi, tôm hùm...

Thực phẩm chế biến, người dân Hà Nội tiêu thụ 5.000 tấn như đồ hộp, thịt hải sản, chả, nem, xúc xích, khả năng cung ứng có 30%, nhập từ các tỉnh khoảng 50%, còn nhập các nước khoảng 15%.

Trong năm vừa qua, thành phố đã tạo ra được những nguồn hàng từ các tỉnh đưa về Hà Nội như đặc sản vùng miền được đưa về Hà Nội trong vòng ba năm qua, tổ chức giao thương với 49 tỉnh thành, hơn 200 doanh nghiệp của các tỉnh thành phố để mang mặt hàng đặc sản, rõ nguồn gốc xuất xứ phục vụ nhân dân.

Hiện nay trên địa bàn, lực lượng quản lý thị trường xử lý rất quyết liệt. Trong 11 tháng năm 2016, xử lý tới 46.000 vụ. Sở chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 27 vụ, nhưng không có vụ nào về nông sản thực phẩm, không khởi tố được vụ thực phẩm chức năng nào, khởi tố ba vụ hàng nhập lậu. Vì chỉ có thể chuyển cho công an khi thực phẩm gây chết người thì mới được khởi tố.

Các câu hỏi chất vấn của đại biểu liên quan đến vấn đề thực phẩm sạch và vùng rau an toàn đã được Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc làm rõ trong phần kết luận phiên chất vấn: “Hà Nội hiện mới cung cấp được bình quân 60% lượng thực phẩm, rau quả tươi mới đáp ứng được 18%, đáp ứng được nhiều nhất là trứng gia cầm tới 97,7%... Hiện có khoảng năm đề án liên quan đến vùng an toàn rau sạch cho nhân dân, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Chúng ta có hai nguồn thực phẩm là nguồn do thành phố cung cấp và từ các tỉnh về. Với nguồn thực phẩm do Thành phố cung cấp, đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố rà soát, đánh giá lại các đề án không còn khả năng thực hiện, đề xuất với Thành ủy để chỉnh sửa, bổ sung , nhằm kiểm soát thực phẩm ngay từ đầu vào. Thứ hai, đối với nguồn thực phẩm từ các tỉnh về, chúng ta đã ký kết giao thương với 20 tỉnh thành, cung cấp cho chúng ta gia cầm, rau sạch, hoa quả tươi, chúng ta đề nghị cùng với các tỉnh kiểm soát chặt chẽ chuỗi liên kết này, đặc biệt là đối với các tỉnh mà chúng ta có thể kiểm soát ngay được đầu sản xuất ra để chúng ta hỗ trợ, khuyến khích cả hai bên.”

Phát biểu tiếp thu và giải trình tại phiên chất vấn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Về vấn đề mua đi bán lại nhà ở xã hội, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết, qua kiểm tra phát hiện đúng là có hiện tượng này. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ quy định đối với người mua nhà ở xã hội sau 5 năm mới được bán nhưng Luật Dân sự lại quy định tài sản cá nhân thì họ được quyền sử dụng. Vấn đề này thành phố giao Sở Xây dựng trong thời gian tới quản lý chặt chẽ hơn để bảo đảm trong quá trình bán sẽ bán đúng cho đối tượng sử dụng. Thành phố cũng sẽ có ý kiến cùng Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ đưa ra chính sách hợp lý nhất.

Liên quan đến vấn đề cơ sở hạ tầng, trong vòng 3-5 năm tới, Hà Nội sẽ hoàn thành một số công trình như tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, tuyến tàu điện Nhổn-Ga Hà Nội, phấn đấu đến năm 2018 tăng gấp đôi số lượng xe buýt, từ nay đến 2020-2021 phát triển cầu bắc qua sông Hồng, kết nối xong vành đai 1, 2, 3 vành đai 3, 5... Đồng thời đồng bộ hạ tầng khung, tăng cường giải pháp giao thông thông minh, hạn chế dần giao thông nội đô. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội bày tỏ hy vọng 5 năm tới giao thông Hà Nội sẽ cải thiện một cách đáng kể.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định thời gian qua, quy hoạch đều tính đến vấn đề giao thông, đó là tiêu chí bắt buộc để bảo đảm số lượng người, phương tiện giao thông. Thậm chí tính toán cả không gian ngầm, bãi đỗ xe... Tất cả các yếu tố đó đều tính toán khoa học theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mà Chính phủ quy định.

Liên quan đến nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện quy hoạch, Chủ tịch U ỷ ban nhân dân thành phố cho biết, trong nội dung xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố đang số hóa toàn bộ dữ liệu liên quan đến đất đai, quy hoạch đô thị. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cam kết rằng đến năm 2020 chắc chắn người dân Thủ đô có thể xem toàn bộ quy hoạch trên không gian mạng.

Ông Nguyễn Đức Chung nhận xét trong những năm qua lực lượng cảnh sát trật tự công an thành phố, công an phường đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải trong vấn đề quản lý vỉa hè, lòng đường. Đặc biệt, sự vào cuộc của Chủ tịch, Phó Chủ tịch các phường đã giúp việc quản lý trở nên tốt hơn.

Tuy nhiên từ đầu năm 2016 đến nay, lực lượng liên quan đến trật tự của công an thành phố có giãn ra. Vì vậy, Chủ tịch đề nghị Giám đốc Công an thành phố nâng cao trách nhiệm của lực lượng trật tự cấp phường, quận, thành phố. Bởi nếu không giải quyết được vỉa hè, lòng được thì chắc chắn giao thông Hà Nội còn ách tắc.

Về vấn đề xây nhà cao tầng ở 148 Giảng Võ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết đây là công trình Chính phủ cho phép để đối ứng đối với công trình xây dựng triển lãm tại Đông Anh. Số lượng dân cư hoàn toàn nằm trong số lượng quy hoạch nội đô, không vượt quá số lượng quy hoạch.

Vấn đề xe thô sơ và xe ba bánh, theo chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thành phố đã tạo điều kiện cho các đối tượng thương binh nằm trong các công ty có đăng ký với Sở Lao động Thương binh Xã hội chứ không phải cá nhân tự phát triển. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có nhiều đối tượng giả danh thương binh chạy xe. Công an thành phố và Sở Giao thông Vận tải đã quyết liệt xử lý, thu và tiêu hủy hàng nghìn xe. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Công an thành phố và Sở Giao thông vận tải mở các đợt cao điểm tịch thu, đồng thời quy trách nhiệm cho cán bộ cơ sở để kiểm soát cơ sở sản xuất xe.

Về vấn đề thực phẩm, ngay từ đầu năm, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo chung, rà soát kiểm tra các văn bản quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Công thương để xây dựng đề án tổng thể cho Hà Nội.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, thời gian tới, Hà Nội cần kiểm soát hai vấn đề là xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc hàng hóa đảm bảo và kiểm duyệt được toàn bộ quá trình nuôi trồng, sản xuất đối với vật nuôi cây trồng. Ngoài ra, cần kiểm soát được quá trình lưu thông, phân phối đến tay người tiêu dùng. Toàn bộ quá trình phải theo quy trình quy chuẩn và có phương tiện bảo quản. Ông Nguyễn Đức Chung cho biết thành phố sẽ sớm ban hành lộ trình từ nay đến 2020 về kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục