Quốc hội rút ngắn kỳ họp: Thể hiện tiết kiệm, dồn lực cho chống dịch

Đại biểu nói về việc Quốc hội làm việc vào ngày nghỉ, rút ngắn kỳ họp

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) cho rằng việc rút ngắn kỳ họp là hành động thiết thực thể hiện nội dung tiết kiệm, chống lãng phí, dồn lực cho công tác chống dịch.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, đề nghị của cơ quan hữu quan và căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thảo luận, quyết định điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất từ ngày 25/7 đến khi bế mạc.

Ngay sau đó, với kết quả biểu quyết 477/480 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 95,59% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp, rút ngắn 3 ngày, làm việc cả ngày Chủ Nhật.

Kỳ họp sẽ bế mạc vào ngày 28/7 thay vì 31/7 như chương trình đã được thông qua trước đó.

[Quốc hội làm việc cả Chủ Nhật, rút ngắn kỳ họp thứ nhất để chống dịch]

“Trước diễn biến dịch bệnh COVID-19 rất phức tạp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cân nhắc phương án điều chỉnh, hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp ngắn và hiệu quả nhất, đảm bảo hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp đã đề ra với chất lượng tốt nhất, thời gian ngắn nhất, để các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, các bộ ngành chỉ đạo công tác phòng chống dịch,” ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết.

Ngay sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội đã điện thoại, điều hành công tác hậu cần, bố trí thu xếp phương tiện để các đại biểu trở về địa phương ngay khi bế mạc kỳ họp.

Đại biểu nói về việc Quốc hội làm việc vào ngày nghỉ, rút ngắn kỳ họp ảnh 1Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế thảo luận tại tổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bên lề Quốc hội, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận, nhất trí cao với quyết định này.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên-Huế) cho rằng đây là sự điều hành linh hoạt song cũng rất tập trung, hiệu quả của đoàn Chủ tịch, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu. Thực tế chứng minh số đại biểu biểu quyết thông qua là 95,59% tổng số đại biểu.

“Kỳ họp thứ nhất đã diễn ra trong thời điểm hết sức đặc biệt khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát mạnh, số ca tăng quá nhanh. Hiện nay chúng ta không chỉ tính bằng con số hàng trăm như trước mà đã lên đến hàng nghìn. Vừa qua, kỷ lục hơn 7.000 ca một ngày là rất đáng báo động,” đại biểu bày tỏ.

Bí thư huyện ủy A Lưới cho rằng công tác tổ chức Kỳ họp rất nghiêm túc và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, song từ yêu cầu thực tiễn, xét điều kiện chung tại Việt Nam hiện nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dưới sự chỉ đạo của Đảng đã có những điều chỉnh rất hợp lý.

“Ngoài yếu tố đảm bảo an toàn phòng chống dịch, quyết định rút ngắn kỳ họp cũng thể hiện rằng chúng ta đang thực hiện thành công xuất sắc chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí, để dành nhân lực, vật lực cho công tác chống dịch,” đại biểu chia sẻ.

Bày tỏ ý kiến về chủ trương này, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cũng tán thành và cho rằng Đảng, Quốc hội đã thể hiện quyết tâm cao trong công tác phòng chống dịch, ưu tiên an toàn, sức khỏe người dân lên trên hết.

"Cho đến nay, Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung quan trọng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận và điều chỉnh chương trình để các phiên làm việc tiếp theo diễn ra hiệu quả và tiết kiệm thời gian nhất có thể," ông nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục