Đại biểu phải là gương sáng cho cử tri noi theo

Ngoài việc đảm bảo đủ trình độ, kinh nghiệm công tác và đời sống thì đại biểu nên là tấm gương sáng cho cử tri noi theo, học tập.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Pha trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ cho biết, quy trình hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã trải qua 4 bước.

Mặc dù có nhiều khó khăn song hầu hết Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện tốt các bước hiệp thương, một số địa phương có sai sót đã được khắc phục kịp thời.

"Ngày 15/4 tới đây, hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ diễn ra để lựa chọn, giới thiệu danh sách chính thức những người ứng cử. Nếu trúng cử, các đại biểu phải là tấm gương sáng trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày cho cử tri học tập, noi theo," ông Pha nói.

- Ông có thể cho biết về cơ cấu và chất lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp có điểm gì mới so với khóa trước?

Ông Nguyễn Văn Pha: Sau hội nghị hiệp thương lần thứ 2, ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã lập danh sách sơ bộ 1.086 người ứng cử đại biểu Quốc hội. Trung ương có 183 người và địa phương là 903 người. Nhận định chung, cơ cấu theo như dự kiến gồm tỷ lệ nữ, dân tộc thiểu số, tôn giáo, người ngoài đảng... là đảm bảo.

Về độ tuổi, người có tuổi cao nhất là 77 ở thành phố Hà Nội; người ít tuổi nhất là 21 tuổi ở tỉnh Điện Biên. Như vậy là độ tuổi cao nhất của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII thấp hơn khóa XII. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XII cao tuổi nhất là 81, thấp tuổi nhất thì giống nhau.

Một điểm rất đáng mừng là chất lượng của người ứng cử cao hơn các khóa trước. Tôi muốn nói về trình độ học vấn, trên đại học có 386 người, đạt tỷ lệ 35,54%; đại học là 648 người, tỷ lệ 59,66%; dưới đại học (từ Cao đẳng trở xuống) chỉ có 52 người, tỷ lệ 4,78%.

Nếu chỉ tính riêng trung ương, cơ cấu 183 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng có trình độ học vấn rất cao, trên đại học có 116 người. Trong đó có 72 tiến sĩ, 44 thạc sĩ. Tôi cho rằng ít có kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội nào học vấn của người ứng cử lại chất lượng như thế.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 ở trung ương và các địa phương sẽ chốt danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Chắc chắn những người hội tụ đủ trình độ, kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, trong công việc chuyên môn sẽ được cử tri tín nhiệm, lựa chọn và tiến hành bầu trong ngày 22/5 tới.

- Cuối tháng 3 vừa qua là thời hạn kết thúc việc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử, ông nhận xét như thế nào về chất lượng của đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng này?

Ông Nguyễn Văn Pha: Những cuộc lấy ý kiến tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã kết thúc đúng thời hạn quy định là ngày 31/3, đảm bảo nghiêm túc, dân chủ, đúng pháp luật.

Đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị lớn, phát huy quyền dân chủ của cử tri nơi cư trú cũng như tại các cơ quan, đơn vị đóng góp ý kiến đối với người ứng cử.

Hầu hết các ý kiến của cử tri tỏ rõ sự đồng tình, tán thành cao đối với người ứng cử do các cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu, cho rằng kể cả về cơ cấu, thành phần, số lượng, chất lượng đúng theo các quy định của trung ương và hội đồng bầu cử đề ra.

Qua những buổi tiếp xúc, cử tri mong muốn những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 nếu sau này trúng cử sẽ tăng cường hơn nữa mối liên hệ với chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân và cử tri nơi đại biểu ứng cử cũng như cử tri nơi đại biểu cư trú.

Trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cần thu thập đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng. Phải thể hiện rõ bản lĩnh của người đại biểu nhân dân trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, các đại biểu phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống, trong công việc cũng như trong đời thường để đồng nghiệp và cử tri học tập, noi theo.

- Về tổng số người ứng cử so với tổng số đại biểu Quốc hội được bầu, một số ý kiến cho rằng hơi thấp, quan điểm ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Văn Pha: Ngày 4/4 vừa qua, Hội đồng bầu cử đã tiến hành phiên họp thứ ba để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Công tác tiếp nhận hồ sơ người ứng cử đại biểu, công tác hiệp thương của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã được thực hiện nghiêm túc, đúng pháp luật, đảm bảo dân chủ. Tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân so với tỷ lệ được bầu đạt cao, đảm bảo số dư theo quy định của pháp luật (tính trung bình, với bầu cử đại biểu Quốc hội đạt tỷ lệ 2,17 lần; với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là 1,87 lần).

Cơ cấu kết hợp cũng đạt được tỷ lệ cao hơn hướng dẫn của Trung ương; đối với đại biểu Quốc hội: tỷ lệ nữ là 31,12%, đại biểu trẻ tuổi là 25,97%, đại biểu là người dân tộc thiểu số 12,62%, đại biểu tôn giáo là 1,88%, đại biểu là người ngoài Đảng 19,61%; đối với đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tỷ lệ nữ là 33,75%, trẻ tuổi là 20,15%.

Tuy nhiên, tỷ lệ này còn chưa đồng đều, tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội trên số đại biểu được bầu ở một số địa phương mới đạt 1,67 lần và chỉ đảm bảo vừa đúng số dư theo quy định; về ứng cử viên nữ có địa phương tỷ lệ đạt rất cao 75%, nhưng có địa phương tỷ lệ từ 20 đến dưới 30%.

Tương tự, với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có nơi tỷ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu chỉ đạt 1,58 lần; tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nơi trên 51% nhưng có nơi đạt dưới 20%, tỷ lệ trẻ tuổi có nơi đạt trên 53% nhưng có nơi đạt 10%.

Một số địa phương có người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao. Hầu hết người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trình độ đại học trở lên, trong đó người ứng cử đại biểu Quốc hội có trình độ đại học trở lên chiếm 95,20%.

Về một số ý kiến cho rằng hơi thấp, theo tôi cần nói cho rõ thế này, tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3, những người ứng cử đảm bảo đủ điều kiện và có tên trong danh sách chính thức thì số dư vẫn đảm bảo theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là nếu đơn vị bầu cử bầu 3 đại biểu Quốc hội thì có số dư ít nhất là 2 người, tổng cộng danh sách người ứng cử là 5 người, nếu 6 trở lên thì càng tốt. Còn nếu đơn vị bầu cử bầu 2 đại biểu Quốc hội thì số dư là 1 người trở lên thì vẫn đúng luật.

Tôi có hỏi một số địa phương thì họ nói rằng quá trình lựa chọn cũng không dễ chọn ra những người ứng cử. Tôi nghĩ thế này, nếu đưa vào danh sách chính thức rồi mà rủi có những bất khả kháng xảy ra, một là người ứng cử ở địa phương nào đó không đủ số dư theo luật định thì không những sẽ gây khó khăn cho địa phương mà còn gây khó khăn cho Hội đồng bầu cử.

Khi đó, Hội đồng bầu cử sẽ phải ra văn bản cho phép địa phương đó theo hai khả năng, một là phải rút bớt số đại biểu ở địa phương đó, hai là phải cho phép địa phương bầu với số dư ít hơn so với luật định. Còn nói rằng số dư ít khiến cử tri khó khăn trong việc lựa chọn và bầu đại biểu thì theo tôi cũng không hẳn là thế.

Thực tế cho thấy, tuyệt đại đa số địa phương khi chốt lại danh sách chính thức đưa ra để cử tri tiến hành bầu cử vào ngày 22/5 tới thì đều đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về thành phần, cơ cấu, số dư... theo luật định.

- Từ ngày 3 đến hết 20/5, người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ vận động bầu cử theo hướng càng nhiều cuộc tiếp xúc với cử tri càng tốt. Vậy có khả năng nào người ứng cử sẽ tiến hành vận động hành lang không hợp lệ không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Pha: Theo quy định, quá trình tổ chức hội nghị cử tri để người ứng cử thực hiện quyền vận động bầu cử rất rõ ràng. Thứ nhất là phải đảm bảo sự bình đẳng đối với những người ứng cử, kể cả do trung ương giới thiệu về, do địa phương giới thiệu hay là người tự ứng cử.

Thứ nhất là thời lượng để người ứng cử trình bày kế hoạch hành động trước cử tri phải bằng nhau. Thứ hai, phải sắp xếp tên người ứng cử khi lên trình bày trước cử tri theo vần A, B, C. Thứ ba, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin có trích dẫn phát biểu của người ứng cử thì thời lượng cũng phải như nhau. Đó mới là khách quan.

Mỗi một người ứng cử muốn ghi dấu ấn trong lòng cử tri phải tự nỗ lực, cố gắng đến mức tối đa trong việc trình bày kế hoạch hành động của mình nếu trúng cử để tăng tính thuyết phục đối với cử tri.

Lời khuyên của tôi đối với người ứng cử là: hãy chân thực trước cử tri, không nên hứa để được lòng cử tri lúc đó, về sau này lại không thực hiện lời hứa hoặc hứa những điều cao siêu, vượt quá khả năng thực hiện của mình nếu trúng cử.

Xin cảm ơn ông./.

Vũ Anh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục