Đại biểu Quốc hội: "Ai vi phạm phải xử lý, kể cả lúc đã về hưu"

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao hoạt động của Chính phủ sau khi được kiện toàn, đã thể hiện tinh thần đổi mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân… thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Đại biểu Quốc hội: "Ai vi phạm phải xử lý, kể cả lúc đã về hưu" ảnh 1Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Trao đổi với báo chí bên lề Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi đánh giá cao hoạt động của Chính phủ sau khi được kiện toàn.

Nói về việc Tổng Bí thư yêu cầu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, ông Lợi cho rằng ai vi phạm phải xử lý, kể cả lúc về hưu, đảm bảo tính công bằng với dân.

- Thưa Đại biểu, sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã có những hành động thiết thực. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Trong thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện tinh thần đổi mới, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân… thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Các tư lệnh ngành đã thể hiện tinh thần, sức trẻ của mình. Họ là người có chuyên môn, năng lực và thực tế trong điều hành có sự sáng tạo, quyết tâm. Tuy nhiên, ba tháng qua chưa đủ thời gian để đánh giá tư lệnh ngành nào hơn, tư lệnh ngành nào chưa phát huy được.

- Còn về Thủ tướng Chính phủ…?


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi:
Thủ tướng Chính phủ cũng rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, bám cơ sở, lắng nghe doanh nghiệp và người dân. Trong tư tưởng chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành không được chậm trễ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật mà gây khó khăn, ách tắc cho doanh nghiệp, người dân phải tháo gỡ.

Tuy vậy, vẫn còn có những khó khăn không phải có thể giải quyết ngay mà cần có thời gian. Do đó, các thành viên Chính phủ phải bàn bạc, tìm cách giải quyết.

Đối với đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay, vấn đề tháo gỡ các cơ chế chính sách, giải quyết thể chế pháp luật làm sao cho hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất, tuân thủ theo hiến pháp, đặc biệt quan tâm tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

- Thời gian gần đây, dư luận quan tâm tới những vấn đề liên quan tới nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng… Quốc hội khóa XIV phải giám sát hoạt động với các bộ, ngành thế nào, thưa ông?


Đại biểu Bùi Sỹ Lợi:
Tôi cho rằng đây là trách nhiệm của cả Quốc hội khóa 13. Suốt một thời kỳ dài chúng ta giám sát, theo dõi tại sao vấn đề đó không phát hiện ra? Nếu vấn đề đó chúng ta phát hiện, xử lý ngay thì sẽ không xảy ra các tình trạng như vậy.

Song, chúng ta phải có niềm tin là quan điểm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ là xử lý tất cả các trường hợp sai phạm không có vùng cấm. Có nghĩa là ai vi phạm thì phải xử lý, kể cả về hưu. Đó là công bằng với dân.

Đây sẽ là bài học cho Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV. Vấn đề chức năng nhiệm vụ của Quốc hội là làm luật, quyết định các vấn đề quan trọng nhưng giám sát rất quan trọng. Tôi cho rằng nhà nước kiến tạo là phải tăng cường vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát và thẳng thắn.

- Theo đại biểu, việc điều hành, quản lý yếu kém sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến phát triển ngành?

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi: Những vi phạm đó thuộc về vấn đề điều hành, không phải vấn đề tác động đến tăng trưởng, sự phát triển của một nền kinh tế. Nhưng, rõ ràng công tác cán bộ, nhân sự nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của một ngành.

- Xin cảm ơn ông!

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục