Đại biểu Quốc hội: Cần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Mặc dù chiếm ưu thế về số lượng, đóng góp khoảng 45% vào GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách nhưng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua mới dừng lại ở mức độ “khuyến khích”.
Đại biểu Quốc hội: Cần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh 1Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương bên lề Quốc hội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù chiếm ưu thế về số lượng, đóng góp khoảng 45% vào GDP và 31% vào tổng số thu ngân sách nhưng theo ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua nhìn chung vẫn chưa đáp ứng hết mong muốn của doanh nghiệp bởi nhiều chính sách mới dừng lại ở nội dung “khuyến khích”.

Bên lề kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, đại biểu Phạm Xuân Thăng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hải Dương (đoàn quốc hội tỉnh Hải Dương) đã có một số chia sẻ với VietnamPlus về những đóng góp, kiến nghị của Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chương trình thảo luận của Quốc hội về kinh tế-xã hội.

- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Một trong những điểm sáng của phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2016 là những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ với thái độ quyết liệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp đã tạo ra những chuyển biến mới.

Nổi bật là việc Chính phủ đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã tổ chức một số hội nghị, diễn đàn đối thoại với các doanh nghiệp nhằm xử lý kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp.

Các giải pháp, chính sách đó đã tạo được niềm tin và không khí phấn khởi của người dân, nhà đầu tư và doanh nghiệp và tác động tích cực thúc đẩy đầu tư kinh doanh và doanh nghiệp phát triển. Số doanh nghiệp đăng ký mới tăng cao, trong 9 tháng đầu năm nay, có hơn 81.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (so với cùng kỳ năm 2015 tăng 19,2% về số doanh nghiệp và 49,5% về số vốn đăng ký). Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu năm 2016, Việt Nam tăng 3 bậc.

Để thấy được sự chuyển biến này, chúng ta có thể nhìn lại bức tranh về doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2013. Đây là thời kỳ do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế nước ta rơi vào tình trạng khó khăn, chứng kiến sự sụt giảm liên tục của các doanh nghiệp mới thành lập từ 83.600 doanh nghiệp đăng ký năm 2010 giảm xuống còn 77.500 doanh nghiệp đăng ký năm 2011, tiếp đó giảm sâu xuống 69.800 doanh nghiệp đăng ký năm 2012.

Chúng ta cũng có thể thấy rõ, sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp đang diễn ra theo xu hướng sàng lọc, loại bỏ các doanh nghiệp yếu kém và quy mô nhỏ. Mà đỉnh điểm là năm 2013, trong khi thành lập mới được 77.000 doanh nghiệp thì cũng có 60.700 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động.

- Nhiều ​đại biểu cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn, từ tiếp cận nguồn vốn đến các chính sách hỗ trợ khác để phát triển và vươn lên, vậy ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Đúng vậy, theo ý kiến cá nhân tôi thì hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nhiều điểm nghẽn, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn, đất đai, lao động qua đào tạo, thị trường tiêu thụ, thông tin thị trường, hiểu biết về pháp lý, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động...

Đơn cử, trong 9 tháng đầu năm có khoảng 45.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và trên 8.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng cao hơn so với cùng kỳ, tăng 20,2%.

Từ thực tế đó cho thấy, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh nhưng chủ yếu là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi doanh nghiệp mà chúng ta mong muốn có sự phát triển là doanh nghiệp chế biến, chế tạo và doanh nghiệp nông nghiệp thì lại phát triển rất chậm.

Nếu cộng cả hai loại hình doanh nghiệp này thì chỉ chiếm khoảng 13% trên tổng số doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 0,6%, điều này giải thích tại sao giá trị gia tăng do sản xuất của nền kinh tế tăng chậm. Hiệu suất sinh lời trên toàn bộ tài sản của doanh nghiệp và tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi giảm hơn so với giai đoạn 2010-2015. Chỉ số nợ của toàn bộ doanh nghiệp mặc dù có giảm so với giai đoạn trước nhưng vẫn ở mức cao (trên 2,0), trong đó khu vực nhà nước cao nhất tới 2,7.

Những yếu kém trên có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó có nhiều nguyên nhân thuộc về chủ quan. Đó là việc triển khai thực hiện chính sách trợ giúp doanh nghiệp còn chậm. Nhiều chương trình trợ giúp doanh nghiệp mang tính chất phát triển ngành, còn dàn trải, chưa tập trung hoặc chưa gắn kết với nhau làm cho các doanh nghiệp chưa tiếp cận hay nhận được sự hỗ trợ một cách thuận lợi.

Bên cạnh đó, cơ chế điều phối hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp giữa các Bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương chưa hiệu quả. Cụ thể hơn là cơ chế báo cáo, công khai minh bạch thông tin, giám sát và đánh giá các hoạt động hỗ trợ chưa được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Nhất là việc triển khai thực hiện Nghị định 56/CP của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa còn bộc lộ nhiều hạn chế, trong đó các chính sách, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang được thực hiện rời rạc, manh mún và dàn trải.

Nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích chung chung, chưa có những quy định ưu đãi rõ ràng, chưa bố trí nguồn lực, tiến độ thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất chậm.

Đại biểu Quốc hội: Cần hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ ảnh 2Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa đi vào cuộc sống. (Ảnh minh họa. Nguồn: Đức Duy/Vietnam+)

- Vậy ông có những kiến nghị cụ thể nào với Quốc hội để thời gian tới, những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như tái cấu trúc nền kinh tế là hết sức quan trọng. Theo tôi, việc tái cơ cấu nền kinh tế chỉ có thể thành công nếu như chúng ta có lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đủ lớn mạnh.

Để có được một triệu doanh nghiệp tới năm 2020 theo mục tiêu của Chính phủ đã đề ra, thì trong 4 năm tới, trung bình mỗi năm phải có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong khi số doanh nghiệp giải thể, phá sản ở mức dưới 10.000 doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Tôi cũng có nêu ý kiến và đề nghị trong năm 2017 và những năm tiếp theo Quốc hội và Chính phủ cần tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Tiếp tục rà soát ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện để trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật Đầu tư nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Với số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% trên tổng số doanh nghiệp, thì việc xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư vào dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như các ưu đãi về đất đai, vốn tín dụng, công nghệ, nhân lực, thông tin và tư vấn, đổi mới sáng tạo, nhất là tạo điều kiện khởi nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi đề nghị cần sớm ban hành Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo ra cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển của doanh nghiệp và cũng là niềm mong mỏi của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính đối với các lĩnh vực như: thủ tục về thuế, bảo hiểm xã hội, quy trình tiếp cận đất đai, các thủ tục vay vốn, tiếp cận các chương trình hỗ trợ, các quy định về các tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.… hướng tới doanh nghiệp có thể tiếp cận cơ chế một cửa khi cần triển khai mọi thủ tục hành chính liên quan đến quá trình vận hành của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.

Những mô hình cải cánh thủ tục hành chính như ở Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Đồng Tháp cần nhân rộng mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với việc xiết chặt kỷ luật công vụ của công chức trong trong giải quyết thủ tục hành chính, thì những quán cà phê doanh nhân như ở Đồng Tháp sẽ tạo ra không gian mở cho doanh nhân gần hơn với chính quyền.

Thêm nữa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa huy động được các nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng ngân hàng, theo tôi Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi quy chế bảo lãnh tín dụng, cũng như có cơ chế khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ. Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Cuối cùng, cần thay đổi cách tiếp cận về vai trò của nhà nước trong hỗ trợ doanh nghiệp, theo hướng không hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp mà thông qua gián tiếp các chương trình, hoạt động nhằm khắc phục các điểm yếu mà doanh nghiệp đã và đang gặp phải.

Ở đây, theo quan điểm của tôi, tiếp cận nhà nước đóng vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, với trọng tâm nhấn mạnh vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay là phù hợp với xu thế phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang tham gia sâu rộng và quá trình hội nhập quốc tế.

- ​Ông đánh giá thế nào về vai trò của các hiệp hội trong việc tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung?

Đại biểu Phạm Xuân Thăng: Vai trò của các hiệp hội rất quan trọng, ở đây chúng ta cần có những chính sách và phát huy tốt hơn nữa vai trò của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp, từ những vị trí đầu tầu đó có thể tạo nhiều diễn đàn hơn nữa để tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo và các doanh nhân.

- Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục