Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các trường hợp được nổ súng

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, chiều 7/11, các đại biểu họp tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật du lịch (sửa đổi); thảo luận về dự án luật quản lý, sử dụng vũ khí.
Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các trường hợp được nổ súng ảnh 1Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, chiều 7/11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Tờ trình dự án Luật du lịch (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Cần thiết sửa đổi Luật du lịch

Mở đầu phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật du lịch (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2006 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Du lịch năm 1999.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các trường hợp được nổ súng ảnh 2Bộ trưởng Bộ văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật du lịch (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sau thời gian thực hiện cho thấy, Luật du lịch đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và sự phát triển của ngành Du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích trên, quá trình triển khai Luật du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch. Cụ thể, Luật du lịch có một số nội dung chưa tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành.

Một số nội dung quy định trong Luật du lịch chưa rõ ràng, tạo ra cách hiểu khác nhau, hoặc thiếu tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình áp dụng pháp luật, triển khai trên thực tế..

Để giải quyết những hạn chế, bất cập này, việc xây dựng và ban hành Luật du lịch (sửa đổi) là rất cấp thiết, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy du lịch phát triển. Dự thảo Luật du lịch (sửa đổi) có 10 Chương, 79 Điều.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật du lịch (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với nội dung trong Tờ trình số 315/TTr-CP của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch và nhấn mạnh: Qua hơn 10 năm thực hiện Luật du lịch, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam cũng như tình hình thế giới có nhiều thay đổi.

Việt Nam đã và đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn.

Đảng và Nhà nước Việt Nam có chính sách phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Chủ trương này đòi hỏi ngành du lịch trong thời gian tới phải có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng. Để đảm bảo thực hiện điều đó, cần xây dựng hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế đặc thù, tạo động lực, môi trường thuận lợi thúc đẩy du lịch phát triển. Bên cạnh đó, việc ban hành Hiến pháp năm 2013 đòi hỏi hệ thống pháp luật phải được rà soát và sửa đổi phù hợp.

Trong những năm gần đây, nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành. Để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật du lịch là yêu cầu tất yếu khách quan.

Cần quy định các loại vũ khí trong dự thảo Luật

Tiếp đó, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 75 điều.

Qua thảo luận, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, tuy nhiên một số nội dung cần điều chỉnh, xem xét lại cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Thảo luận về phạm vi điều chỉnh của Luật, đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật chỉ quy định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tiền chất thuốc nổ và không điều chỉnh đối với loại vũ khí hạng nặng thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 1 quy định vũ khí hạng nặng thực hiện theo quy định pháp luật về quốc phòng, theo đại biểu quy định như vậy là khá rộng. Việc quy định bằng cả các văn bản dưới luật về vũ khí hạng nặng là không hợp lý, mà phải quy định bằng luật, cụ thể là Luật quốc phòng hoặc một đạo luật khác về lĩnh vực quốc phòng.

Bên cạnh đó, đại biểu Xuyền đồng tình với việc bổ sung thêm tiền chất thuốc nổ vào dự án luật để quản lý chặt chẽ trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, các quy định về tiền chất thuốc nổ và tính tương thích về quy định vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là chưa phù hợp, cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Luật hóa chất. Vì quản lý tiền chất thuốc nổ không chỉ sản xuất ra thuốc nổ mà còn sử dụng vào các lĩnh vực khác thuộc dân sự. Do đó, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.

Cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho rằng: Đối với việc sử dụng, quản lý vũ khí quân dụng, luật này chỉ nên điều chỉnh với các loại vũ khí hạng nhẹ trở xuống sử dụng trong công tác an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; đồng thời quy định rõ luật không điều chỉnh đối với loại vũ khí quân dụng khác như vũ khí hạng nặng, vũ khí tầm trung…

Báo cáo, giải trình thêm nội dung này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ quy định điều chỉnh đối với vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các trường hợp được nổ súng ảnh 3Bộ Trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Theo đó, trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, dự thảo Luật quy định cụ thể về vũ khí hạng nhẹ, các loại bom mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi... là phù hợp với tội danh được quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự về hành vi vi phạm về tội chế tạo, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.

Đồng thời, thực hiện Pháp lệnh các lực lượng chức năng vừa qua đã tiếp nhận, thu gom, thanh lý và tiêu hủy số lượng lớn vũ khí hạng nhẹ và các loại bom, mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một điều thực tế nữa là qua đấu tranh với các loại tội phạm sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để có những hoạt động vi phạm pháp luật khác. Việc cần thiết phải quy định đối với các loại vũ khí này trong dự thảo luật là cần thiết.

Đối với vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ là phương tiện đặc biệt có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng: Thực tế trong những năm qua đã có nhiều những vụ án, đối tượng tự sản xuất vật liệu nổ từ các tiền chất thuốc nổ để gây án.

Vì vậy, cần phải quy định trong dự thảo luật để quản lý chặt chẽ, hạn chế đối tượng lợi dụng, sử dụng hoạt động phạm tội và đặc biệt liên quan đến các tội về khủng bố, thế giới rất quan tâm và chúng ta đang ngăn ngừa triệt để các loại tội phạm này. Đối với loại vũ khí hạng nặng, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học không quy định trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Vì vũ khí hạng nặng để sử dụng phục vụ vào mục đích quốc phòng bảo vệ Tổ quốc nên cần thiết điều chỉnh theo quy định của luật pháp về quốc phòng...

Lựa chọn Phương án 1 là phù hợp

Thảo luận về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (Điều 15), đa số ý kiến tán thành với Phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng: Việc giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí là phù hợp với chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và phù hợp với quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013.

Đồng ý với phương án 1 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) nhấn mạnh: Phương án này là phù hợp với Điều 68 của Hiến pháp 2013 về xây dựng quốc phòng-an ninh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng-an ninh theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực tạo cơ sở vật chất, hiện đại hóa Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân.

Đại biểu Quốc hội: Cần quy định các trường hợp được nổ súng ảnh 4Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Cầu phát biểu thảo luận. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhất trí và đồng ý Phương án 1, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (thành phố Hà Nội) cho rằng giao cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an thực hiện, vì đối tượng quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ hiện nay Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đang thực hiện.

Tuy nhiên, một số ý kiến tán thành với Phương án 2 của dự thảo Luật. Đồng tình với phương án 2, đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng: Quy định như vậy để linh hoạt hơn, đồng thời tập trung nguồn lực phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất kinh doanh, sửa chữa vũ khí và phù hợp điều kiện thực tế, kinh tế cũng như điều kiện khác của nước ta hiện nay.

Đại biểu cũng đề nghị Nhà nước nên quy định định hình một số tập đoàn mạnh của Quân đội nghiên cứu, sản xuất vũ khí và các tổ chức Nhà nước có nhu cầu đặt hàng, như vậy hiệu quả sẽ tốt hơn.

Báo cáo, giải trình nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: Việc quy định đối với các tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất kinh doanh, sửa chữa vũ khí là vấn đề lớn, quan trọng liên quan đến Hiến pháp năm 2013, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và các nghị quyết khác của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng-an ninh nên trong dự thảo Luật đề xuất lựa chọn 2 phương án.

Và, tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phiên họp thẩm tra chính thức dự án luật của Ủy ban Quốc phòng-An ninh đã số ý kiến lựa chọn Phương án 1 để phù hợp với quy định tại Điều 68 Hiến pháp năm 2013 về xây dựng quốc phòng-an ninh và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng-an ninh theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội Nhân dân và Công an Nhân dân. Vì vậy, Ban soạn thảo đề nghị lựa chọn Phương án 1 là phù hợp.

Luật nên quy định chung về nổ súng

Góp ý về quy định nổ súng (Điều 21), đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng: Điều 21 của dự Luật này có nhiều tiến bộ rõ ràng hơn so với trước đây. Tuy nhiên, điều Luật còn quá dài gần hai trang quy định đến 6 nội dung.

Một số nội dung chưa thực sự hợp lý, nhất là khái niệm nổ súng còn có cách hiểu khác nhau. Khoản 3, Điều 21 của Luật này quy định như sau: Trước khi nổ súng phải bắn chỉ thiên để cảnh báo. Vậy bắn chỉ thiên có phải là nổ súng không hoặc Khoản 2, Điều 23 của Luật cảnh vệ sắp thông qua quy định sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ, cảnh vệ chỉ được nổ súng trong các trường hợp dưới đây: "a. Cảnh báo đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ." Vậy nổ súng ở đây được hiểu là để cảnh báo, chứ không phải bắn chỉ thiên như dự luật trên đã quy định.

Để hoàn thiện chế định này, đại biểu Cầu đề nghị Ban soạn thảo tiếp cận theo 2 hướng: thứ nhất, căn cứ vào Điều 22 về phòng vệ chính đáng; Điều 25 về gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Điều 26 về thi hành mệnh lệnh của chỉ huy và của cấp trên trong Bộ luật hình sự năm 2015. Ba điều này đều quy định vượt quá mức cần thiết, Ban soạn thảo căn cứ vào đó đề xuất ngược lại những trường hợp nào không vượt quá mức cần thiết để Quốc hội thảo luận quyết định.

Thứ hai, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm và tính chất quan trọng của đối tượng bị xâm phạm, cần thiết phải cho phép người thi hành công vụ tiến hành phòng vệ sớm. Nếu phòng vệ muộn sẽ gây hậu quả khôn lường. Theo đó, các hành vi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để tấn công đối tượng cảnh vệ, để khủng bố, cướp chính quyền, cướp phá trại giam, bắt cóc con tin, tội phạm ma túy có vũ trang cần thiết phải phòng vệ sớm để tiêu diệt đối tượng.

Bên cạnh đó, đồng tình với Ban soạn thảo, luật này chỉ quy định chung về nổ súng, khó có thể quy định việc nổ súng cho từng lĩnh vực chuyên ngành, tuy nhiên đại biểu Cầu đề nghị: Ban soạn thảo nên tách Điều 21 thành 6 điều luật tương tự như sau. Một điều quy định về khái niệm nổ súng và cảnh báo. Một điều quy định về nguyên tắc nổ súng. Một điều quy định về nổ súng sau khi đã cảnh báo. Một điều quy định về nổ sung trong trường hợp không cần cảnh báo. Một điều quy định nổ súng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp. Một điều quy định về hậu quả pháp lý của việc nổ súng.

Quy định như vậy vừa chặt chẽ, vừa sử dụng, vừa giúp cho người thi hành công vụ học thuộc lòng, nắm vững và sử dụng đúng, hiệu quả trong thực tiễn.

Hoàn toàn nhất trí với phân tích của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (thành phố Hà Nội) cho rằng: Điều luật quy định chức năng, quyền hạn của người trực tiếp sử dụng vũ khí, đối tượng mà người thực thi công vụ được phép nổ súng, các điều kiện cụ thể được phép nổ súng. Đây là vấn đề rất nhạy cảm, phải được quy định chặt chẽ và cụ thể nếu không rất dễ bị lạm quyền khi nổ súng và người được phép sử dụng vũ khí sẽ vô tình bị phạm tội do vượt quá giới hạn cho phép.

Báo cáo, giải trình thêm nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết đây là một nội dung đặc biệt quan trọng có liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Vì vậy, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, tu chỉnh các quy định về nổ súng nhằm đảm bảo chặt chẽ, tránh bị lạm dụng, tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng khi thực thi nhiệm vụ, đồng thời bảo đảm phù hợp với các bộ luật khác có liên quan, nhất là Bộ luật hình sự.

Theo chương trình, sáng 8/11, Quốc hội sẽ thảo thảo luận ở tổ về hai dự án: Luật thủy lợi và Luật du lịch (sửa đổi)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục