Đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

ĐB Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Phiên thảo luận về kinh tế-xã hội chiều 31/10 ghi nhận nhiều đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn kinh tế-xã hội của đại biểu Quốc hội.
ĐB Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Cao Phúc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 31/10, tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013 và 5 năm (2011-2015) trong buổi làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã ghi nhận những điểm sáng tình hình kinh tế-xã hội của đất nước đồng thời phân tích những hạn chế, tồn tại đối với từng lĩnh vực cụ thể.

Buổi thảo luận cũng ghi nhận nhiều giải pháp được các đại biểu đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng phát triển, đáp ứng mong đợi của nhân dân và cử tri cả nước.

Nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận là kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng các dịch vụ an sinh, xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cũng tại buổi làm việc chiều nay, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình thêm với đại biểu về những vấn đề xây dựng chính sách, điều hành nền kinh tế.

Đánh giá của các đại biểu trong buổi thảo luận đều ghi nhận: Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” với 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp. Nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.

Một số ý kiến lo lắng trước việc sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010, dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.

Tổng kiểm tra “sức khỏe” DN để kê “thuốc đặc trị”

Nhất trí với báo cáo đánh giá của Chính phủ, song đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chỉ ra một số hạn chế như việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm so với yêu cầu; việc triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác cải cách hành chính còn hạn chế.

Thế mạnh sản xuất nông nghiệp chưa được tận dụng triệt để, tình trạng bị động trong tiêu thụ nông sản vẫn tái diễn, việc áp dụng khoa học công nghệ chưa được đầu tư đồng bộ… đang là những trở ngại của nền kinh tế đất nước.

Đại biểu Khá đề nghị, Chính phủ cần huy động mạnh mẽ trí tuệ và sự vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và toàn dân trong việc triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế. Cần mạnh dạn thực hiện đề án thi tuyển đối với những chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc các doanh nghiệp Nhà nước để lựa chọn người có khả năng, xứng đáng và tiến hành ký hợp đồng lao động, ràng buộc trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát hoặc thua lỗ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.

Ghi nhận những thành tích trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, nhưng đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) vẫn băn khoăn về kết quả giải quyết nợ xấu. Viện dẫn chỉ có 5 ngân hàng giảm được nợ xấu, các ngân hàng khác vẫn tăng, đặc biệt là nhóm nợ không có khả năng hoàn vốn, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới được thành lập để có cái nhìn toàn diện, thực chất về vấn đề này.

Tán thành mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 và đề xuất của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) song đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị việc sử dụng TPCP không được để lặp lại tình trạng lãng phí, thất thoát như thời gian qua; ưu tiên giải ngân cho các dự án quan trọng, dở dang như dự án Quốc lộ 1A và đường 14, các dự án có tác dụng lớn cho cả vùng và địa phương. Ngoài ra, cần rà soát triệt để nhằm tiết kiệm chi; đặc biệt phải đẩy mạnh cải cách hành chính và xử lý nghiêm bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần mở một đợt tổng kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp để “kê thuốc” đặc trị, xử lý cụ thể từng loại “bệnh” . Cần ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp có triển vọng phát triển để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn.

Chặn đà suy giảm sản xuất nông nghiệp

Bày tỏ lo lắng trước việc chỉ số tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm và suy giảm nặng trong những năm gần đây, việc xuất hiện tình trạng một bộ phận nông dân bỏ ruộng, bỏ nghề nông, đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, đây là vấn đề “rất không bình thường, cần đặc biệt quan tâm.”

Chỉ rõ một số nguyên nhân của tình trạng này như thu nhập của nông dân thấp (hơn 4 triệu đồng/năm); tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan… việc giải quyết, tháo gỡ chậm và kết quả đạt thấp, đại biểu Cường lo ngại nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra, thì trong tương lai kinh tế nông nghiệp còn giữ được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế?

Đại biểu Cường mạnh mẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp tích cực để nhanh chóng chặn đứng đà suy giảm của sản xuất nông nghiệp; tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; nhất là phải đảm bảo các chính sách hỗ trợ nông dân phải đến được với nông dân.

Cũng liên quan đến nội dung này, theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), thời gian qua, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu mua và thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chưa thực sự gắn kết với nhau, dẫn đến hiệu quả của kinh tế nông nghiệp chưa đạt như mong muốn.

Đại biểu đề nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, nhân rộng trên cả nước mô hình chuỗi giá trị như tại Công ty bảo vệ thực vật An Giang đang được triển khai có hiệu quả.

Báo cáo và giải thích thêm về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, nguyên nhân chính là do nguồn lực quan trọng của nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, trong đó quan trọng nhất là diện tích đất nông nghiệp, đất lúa giảm; đầu tư của Nhà nước và xã hội vào nông nghiệp tăng chậm. Tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu là tăng năng suất, nhưng lại giảm trừ cho phần mất đi do giảm diện tích, đặc biệt là do hậu quả từ thiên tai.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đang cùng với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để triển khai. Trong đó, nhiệm vụ chính là rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu ngành nghề, tập trung nhiều hơn phát triển các loại cây, con có khả năng tăng nhanh giá trị gia tăng. Mặt khác, phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, điều chỉnh chính sách, kế hoạch và tổ chức nghiên cứu lại công tác khuyến nông cũng như cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh việc phát triển các hình thức liên kết và chấn chỉnh hiệu quả quản lý nhà nước.

Ngoài đề án chung thì Bộ cũng đã có kế hoạch phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như từng địa phương. Bộ cũng đã tập trung vào xây dựng Thông tư để hướng dẫn các địa phương cũng như bà con nông dân theo tinh thần giữ đất lúa, nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ cũng cũng đang tích cực điều chỉnh lại việc quản lý kinh doanh và xuất khẩu để tránh tình trạng cạnh tranh, phá giá, làm mất uy tín và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá tra của Việt Nam.

Giải trình thêm về việc tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát lại quy hoạch khâu tiêu thụ nông sản trên tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cả người nông dân tham gia. Với tinh thần đó, mọi thành phần kinh tế trong cả nước đều được tham gia xuất khẩu gạo, nếu đáp ứng các nhu cầu năng lực về tài chính và các quy định khác của Nhà nước.

Đổi mới đầu tư các dịch vụ y tế

Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đề cập đến tình trạng quá tải ở bệnh viện công, sự xuống cấp nghiêm trọng về y đức, gây bức xúc xã hội, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế tài chính đầu tư trong lĩnh vực y tế theo hướng lấy người dân làm trung tâm đồng thời có chính sách đa dạng hóa dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội, thu hút các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

Liên quan đến mức độ tin cậy của các chỉ số thống kê, theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của các chỉ số này chính là “bệnh thành tích.” Hậu quả của việc công bố số liệu sai thực tế sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Thủy kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ quan, tổ chức cung cấp số liệu không chính xác và có chế tài xử lý, ngăn chặn.

Sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung quan trọng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục