Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời lượng thảo luận, chất vấn

Trước những thành công của kỳ họp lần này, nhiều đại biểu đã thể hiện niềm vui và kỳ vọng đối với những chính sách, nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời lượng thảo luận, chất vấn ảnh 1Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Chiều 28/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã chính thức khép lại, sau hơn một tháng làm việc. Trước những thành công của kỳ họp lần này, nhiều đại biểu đã thể hiện niềm vui và kỳ vọng đối với những chính sách, nghị quyết mới được thông qua tại kỳ họp.

Chương trình kỳ họp linh hoạt

Đánh giá kỳ họp đã thành công tốt đẹp, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, kỳ họp lần này đã có nhiều đổi mới. Ngoài việc Quốc hội chuyển về họp tại Nhà Quốc hội mới, một nơi có tầm vóc và bề dày lịch sử, chương trình kỳ họp cũng được thực hiện theo phương thức cải tiến lề lối của Quốc hội.

Đại biểu cho biết kỳ họp lần này có số lượng dự án luật được Quốc hội thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay. Quốc hội cũng quyết định những vấn đề rất quan trọng về kinh tế-xã hội của đất nước đưa vào công tác giám sát của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, đồng thời thảo luận xin ý kiến về những dự án lớn như chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, đề án cải cách chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Điểm nổi bật nữa của kỳ họp lần này chính là việc bỏ phiếu tín nhiệm với 50 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đánh giá được những người trước đây có số phiếu tín nhiệm thấp đã cố gắng vươn lên và có tỷ lệ tín nhiệm cao ở kỳ họp lần này như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.

Đồng quan điểm với đại biểu Trần Ngọc Vinh về kết quả kỳ họp, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định: So với các kỳ họp trước, kỳ họp lần này có chất lượng tốt hơn, các nội dung được đưa ra thảo luận có nhiều vấn đề bức xúc, đang được cử tri quan tâm.

Chương trình kỳ họp được xây dựng linh hoạt, thời lượng truyền hình trực tiếp kéo dài hơn giúp người dân và cử tri nghe và giám sát hiệu quả. Bên cạnh đó, thời lượng dành cho chất vấn cũng nhiều hơn so với các kỳ họp trước. Đặc biệt, đại biểu đánh giá cao việc Quốc hội đã để các đại biểu tranh luận ngay tại nghị trường.

Về chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) cho rằng, tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã làm việc nghiêm túc, thận trọng, đưa ra nhiều ý kiến xác đáng, phù hợp để Quốc hội, Chính phủ cân nhắc kỹ đối với từng vấn đề, nội dung. Nhìn chung, các đề xuất đều có tính chất khoa học và rất đáng được tiếp thu.

Cần tăng thời lượng thảo luận và chất vấn

Thời lượng của các phiên thảo luận và chất vấn cần được kéo dài hơn. Đây là ý kiến nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội. “Phiên thảo luận kinh tế-xã hội nên được kéo dài hơn bởi lần nào cũng có khoảng trên 20 đại biểu đăng ký nhưng không được phát biểu do đã hết thời lượng thảo luận. Đại biểu Quốc hội rất cần nêu lên những ý kiến gửi gắm của cử tri từ các vùng, miền, các lĩnh vực trong khi phiên đánh giá, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước là quan trọng nhất bởi đây là những việc sát sườn với dân,” đại biểu Bùi Thị An kiến nghị.

Đánh giá về các phiên chất vấn của kỳ họp lần này, đại biểu Trần Ngọc Vinh cho rằng, các phiên chất vấn đã đề cập đến nhiều vấn đề phức tạp, được cử tri quan tâm nhưng do thời gian có hạn, chỉ bố trí 4 Bộ trưởng, trưởng ngành đăng đàn nên rất nhiều vấn đề cử tri quan tâm chưa được chất vấn. Đại biểu đề nghị tăng thời gian chất vấn để có thêm nhiều vị Bộ trưởng đăng đàn. Có như vậy mới giải quyết được đầy đủ những vấn đề bức xúc của cử tri muốn phản ánh đến các “Tư lệnh ngành” .

Cũng theo đại biểu Bùi Thị An, tại kỳ họp lần này nhiều đại biểu có chung nhận xét: Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan hành pháp đã có phiên chất vấn tốt nhưng do thời lượng chất vấn ngắn nên không thể trả lời hết các vấn đề của đại biểu Quốc hội gửi lên từ nhân dân và cử tri. Đại biểu đề nghị từ kỳ họp tới nên kéo dài thời gian chất vấn Thủ tướng Chính phủ.

Về chất lượng chất vấn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Bùi Thị An đánh giá có nhiều câu hỏi chưa được sắc, gọn, rõ ràng. Các Bộ trưởng khi trả lời cũng không được rành mạch và có đôi lúc dài dòng. Đại biểu cho rằng, chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, rất có hiệu quả, do vậy cần phải chọn những câu hỏi nêu những vấn đề người dân đang bức xúc nhất để khi các vị Bộ trưởng, trưởng ngành trả lời được, người dân sẽ hài lòng với chất lượng chất vấn.

Hơn nữa, trong phần trả lời, cử tri luôn mong muốn được biết đến các giải pháp tháo gỡ, giải quyết vấn đề đó, các vị trưởng ngành cần nêu hướng giải pháp cụ thể trong câu trả lời. Đại biểu Bùi Thị An cũng đề xuất, trước khi trả lời chất vấn, các “tư lệnh ngành” nên nhắc lại những lời hứa trước cử tri tại các phiên chất vấn trước và báo cáo những việc đã làm được để nhân dân và cử tri kiếm tra, đánh giá ngay.

Nâng cao ý thức và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội

Tình trạng đại biểu Quốc hội vắng mặt trong các phiên họp là một trong những mặt tiêu cực được nhắc đến tại hầu hết các kỳ họp Quốc hội. Tại kỳ họp lần này, vấn đề trên cũng được nêu ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, điều này cần được thông cảm do nhiều đại biểu không chuyên trách, kiêm nhiệm các chức vụ quan trọng ở các Bộ, ngành, địa phương nên có những công việc cấp bách cần giải quyết.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhất trí kiến nghị đại biểu Quốc hội cần nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn đối với việc có mặt đầy đủ và tham gia đóng góp ý kiến với tư cách là đại biểu của nhân dân.

Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, trong các phiên thảo luận và biểu quyết quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế-xã hội, quyền và lợi ích của công dân, đại biểu Quốc hội cần phải có mặt để thực hiện trọng trách bởi, họ chính là đại biểu của dân, phản ánh trung thực, kịp thời ý kiến của nhân dân. Quan trọng hơn, họ còn là những người tham gia giải quyết các kiến nghị của dân thông qua việc biểu quyết các dự án, chủ trương lớn đối với đất nước.

Đề cập đến vấn đề sử dụng thẻ điểm danh đại biểu Quốc hội trong kỳ họp tới, đại biểu Bùi Đức Thụ và Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, đây chỉ là một phương tiện kỹ thuật chứ không phải để quản lý hoặc răn đe đối với các đại biểu.

Tuy nhiên, việc này cũng sẽ nhắc nhở các đại biểu cần có ý thức và trách nhiệm hơn với tư cách là người đại biểu của nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục